Thứ bảy, 28/10/2017, 21h25

Tuổi teen và khả năng tự đánh giá bản thân

Tự đánh giá bản thân có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển nhân cách cũng như xu hướng hoạt động của tuổi teen. Sự hiểu biết về bản thân, tự đánh giá được những phẩm chất và năng lực của bản thân để so sánh với các yêu cầu của xã hội, của công việc, từ đó cố gắng rèn luyện, phấn đấu theo là con đường cơ bản để hoàn thiện nhân cách.

Ảnh: I.T

Càng đánh giá đúng bản thân càng thể hiện trình độ phát triển cao của nhân cách. Tuy nhiên, trong thực tế không phải ai cũng tự đánh giá đúng bản thân để hoàn thiện mình ngày một tốt hơn. Nếu tự đánh giá mình quá cao thì trở nên kiêu ngạo, ngược lại đánh giá mình quá thấp thì tự ti, thu mình. Cả hai xu hướng đó đều không tốt cho sự phát triển nhân cách.

Những biểu hiện tự đánh giá ở tuổi teen

Lứa tuổi teen là lứa tuổi có nhiều thay đổi lớn về tâm sinh lí, đặc biệt là sự không ổn định về cảm xúc, tình cảm. Nếu để ý quan sát chúng ta dễ dàng thấy lứa tuổi này thoắt vui, thoắt buồn, dễ gần gũi nhưng cũng dễ giận dỗi, xa cách. Các em thường ít hài lòng về hình ảnh bản thân… Chính vì vậy, nếu cha mẹ và thầy cô hiểu được khả năng tự đánh giá của lứa tuổi thiếu niên là hết sức quan trọng đối với công tác giáo dục, nhất là trong bối cảnh có nhiều sự thay đổi nhanh chóng như hiện nay.

Tự đánh giá bản thân thực chất là tự nhận xét, đánh giá về bản thân mình, đó là giai đoạn phát triển cao của ý thức. Đó là việc con người hướng vào nhận thức chính bản thân mình, tỏ thái độ đối với bản thân, đối chiếu bản thân với các yêu cầu bên ngoài… Các em đánh giá mình như thế nào phụ thuộc vào các mối quan hệ giao tiếp với những người xung quanh, những trải nghiệm của bản thân về những thành công hay thất bại trong cuộc sống.

Để nhận thức đúng về bản thân, các teen đã tự thu thập thông tin về chính mình từ những nhận xét, đánh giá của người khác về mình, từ đó phân tích, tổng hợp để rút ra kết luận về mình. Nhận thức về bản thân chính là nhận ra giá trị của bản thân trong mối quan hệ với người khác. Khi teen biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình sẽ là điều kiện để đi đến những thành công trong cuộc sống. Tự nhận thức về bản thân của các teen ngày càng phát triển. Dần dần teen sẽ có cơ sở để tự đánh giá bản thân.

Khi teen đã nhận thức rõ về bản thân, xác định mức độ giá trị nhân cách của mình, lúc đó cá nhân tỏ thái độ, cảm xúc với chính bản thân mình. Các em cảm thấy hài lòng hay không hài lòng với chính bản thân mình, tự hào, phấn khởi hay bi quan, chán nản, thấy mình là người có năng lực hay bất tài, vô dụng, thấy tự tin hay tự ti… Các teen có thể tự phê bình bản thân, đưa ra những dự định tương lai, chọn mẫu người lí tưởng để noi gương bắt chước, phấn đấu… Đó chính là những trạng thái cảm xúc nội tâm, thái độ đối với bản thân. Khi các em hiểu rõ về bản thân mình, thì teen có thể kiểm soát và lựa chọn hành vi muốn biểu hiện. Nếu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của mình cá nhân có thể lựa chọn cách hành động, phản ứng trước một tình huống nào đó.

Tuổi teen thường chú ý tự đánh giá

Về ngoại hình: Đây là lứa tuổi đang phát triển mạnh về thể chất tạo ra sự mất cân đối tạm thời về hình dáng. Vì vậy, đa số các em chưa thỏa mãn với ngoại hình của mình.

Về năng lực học tập: Đánh giá về năng lực học tập, học sinh lứa tuổi thiếu niên có xu hướng biết đánh giá cao hơn, chính xác hơn đánh giá về ngoại hình. Nhìn chung thiếu niên đánh giá khá tích cực năng lực học tập của bản thân. Những teen có học lực khá, giỏi, kết quả học tập cao thường đánh giá cao và đúng năng lực học tập của bản thân.

Về các năng lực khác: Năng lực khác của lứa tuổi teen thường được hiểu là những năng lực ngoài lĩnh vực học tập như nghệ thuật, thể thao, tổ chức hoạt động… Trong thực tế, có một số học sinh học không giỏi các môn văn hóa nhưng trong các lĩnh vực khác lại hoạt động khá tốt. Do ít có thời gian để tham gia các hoạt động nghệ thuật, thể dục, thể thao. Vì thế các teen không có điều kiện để tự đánh giá đúng năng lực của mình.

Về  uy tín của bản thân: Nói chung thiếu niên có quan hệ tốt với bạn bè cùng trang lứa. Nhưng đối với giáo viên các em rất dè dặt khi quan hệ và thường thấy mình ít có uy tín trước giáo viên.

Nhận thức đúng đắn, suy nghĩ tích cực về bản thân sẽ tạo cho teen cảm nhận tích cực. Chính cảm nhận tích cực sẽ tạo ra hành động tích cực và hành động tích cực sẽ tạo ra kết quả tích cực. Đó là quá trình teen tự điều chỉnh, điều khiển hành vi cá nhân một cách tự giác theo mục đích đề ra. Gia đình và nhà trường hãy đồng hành với teen để chúng có thể tự đánh giá mình một cách phù hợp nhất. Khi đó, tự đánh giá sẽ trở thành một phương tiện giáo dục thường xuyên nhất giúp các em hoàn thiện dần nhân cách của mình.

Về mức độ tự tin của bản thân: Sự tự tin là điều kiện tâm lí quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công hay thất bại trong hoạt động của cá nhân. Ở tuổi thiếu niên, nếu các em thiếu tự tin sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập và nhiều hoạt động khác. Việc đánh giá đúng bản thân cũng là một biểu hiện cụ thể của sự tự tin. Phần đông học sinh thiếu niên còn thiếu tự tin trước cuộc sống và công việc.

Về mức độ hạnh phúc, hài lòng: Cảm thấy hạnh phúc hay bất hạnh có ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lí của mỗi cá nhân, đặc biệt là lứa tuổi thiếu niên. Tuổi thiếu niên do mất cân bằng trong sự phát triển tâm lý nên thường không làm chủ được cảm xúc. Đa số học sinh thiếu niên cảm thấy chưa được hạnh phúc trong cuộc sống. Nhìn chung, teen tự đánh giá về bản thân chưa thật chính xác, chủ yếu nặng về cảm xúc và còn cảm tính. Đây là vấn đề đặt ra để các nhà giáo dục chú ý trong việc nâng cao khả năng tự đánh giá bản thân cho thiếu niên.

Lê Phạm Phương Lan (Giảng viên tâm lý)