Thứ ba, 16/7/2013, 22h07

Tuyển giáo viên: Cuộc sát hạch gắt gao

Các ứng viên tham dự phần thi kiến thức chung tổ chức sáng 16-7

Trong hai ngày 16 và 17-7, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức phỏng vấn xét tuyển giáo viên dạy tại các trường THPT, TT GDTX năm học 2013-2014. Theo đó có khoảng 1.000 thí sinh tham dự phỏng vấn. Đây được xem là một cuộc sát hạch gắt gao nhất từ trước đến nay để chọn ra những giáo viên giỏi cả về chuyên môn lẫn nghiệp vụ…
“So bó đũa chọn cột cờ”
Theo kế hoạch, đợt tuyển dụng lần này, các trường THPT, TT GDTX trên địa bàn TP.HCM có nhu cầu tuyển dụng 426 giáo viên. Sau khi tiến hành rà soát dữ liệu, trong số trên 3.000 ứng viên đăng ký thì chỉ có 1.043 ứng viên đủ điều kiện về hồ sơ để tham gia phỏng vấn. Như vậy, so với chỉ tiêu thì sẽ có hơn 600 ứng viên bị “rớt đài”.
Chính vì vậy mà công tác phỏng vấn được thực hiện rất nghiêm túc. Mỗi ứng viên phải thực hiện 2 phần - phần 1 là phỏng vấn về kiến thức chung và phần 2 là phỏng vấn về chuyên môn. Sáng 16-7, hơn 1.000 ứng viên đã tham gia làm bài viết trong thời gian 45 phút về kiến thức chung. Những kiến thức này nằm trong Luật Giáo dục Việt Nam, Luật Công chức, điều lệ trường phổ thông.
Từ phòng thi bước ra, một ứng viên tên Loan - đăng ký dạy môn lịch sử cho biết: “Ban giám khảo ra 2 đề - chẵn, lẻ. Em làm đề lẻ có 5 câu nhưng có tới 3 câu chưa học. Chỉ có 5 ngày (từ 10 đến 15-7), em phải đọc 3 cuốn tài liệu có những phần em chỉ kịp lướt qua... ”.
Không chỉ Loan mà nhiều ứng viên khác cũng cho biết là làm bài phần kiến thức chung không được tốt. Thậm chí ứng viên Nguyễn Thị Ngọc Anh (phòng thi số 2) còn bị lập biên bản vì… giở tài liệu.
Ở phần chuyên môn - kiến thức của môn học mà ứng viên đăng ký xét tuyển. Theo đó những ứng viên cùng môn đăng ký được xếp vào một phòng. Ban giám khảo là hiệu trưởng, hiệu phó phụ trách chuyên môn và tổ trưởng bộ môn của các trường THPT công lập trên địa bàn TP. Tại đây, mỗi ứng viên được bốc thăm một đề thi từ ngân hàng đề, sau phần viết là phần trực tiếp đứng trên bục giảng để dạy cũng như trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo.
Bước ra từ phòng thi số 1, ứng viên tên Đồng - đăng ký dạy môn lịch sử cho biết: “Em rất hài lòng về phần thi chuyên môn, tuy vậy vẫn không khỏi lo lắng bởi môn lịch sử có nhiều người đăng ký, trong khi Sở GD-ĐT TP chỉ lấy 24 người”.
Có thể nói, đợt phỏng vấn này chẳng khác nào “so bó đũa chọn cột cờ” để ngành GD-ĐT TP chọn ra những giáo viên thật sự đủ chuẩn để đứng trên bục giảng…
Xa dần giấc mơ bục giảng
Trong đợt phỏng vấn này, chúng tôi đã gặp lại rất nhiều gương mặt thân quen của đợt phỏng vấn năm 2012. Trong đó có Nguyễn Thị Lan - ứng viên đăng ký dạy môn lịch sử. Năm trước, Lan chỉ có KT3 nên đăng ký đi ngoại thành. Tuy nhiên, những người như Lan quá nhiều nên cô bị rớt. Năm nay: “Em đã chạy được hộ khẩu rồi, tốn hết 16 triệu đồng. Mặc dù vậy cũng không dám chắc là sẽ trúng tuyển”, Lan tâm sự.
Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2011, về quê không đủ tiền để xin việc nên Lan phải quay lại TP.HCM. Cứ tưởng với mấy trăm trường THPT thì thế nào cũng có chỗ nhưng… 3 lần đăng ký xét tuyển giáo viên thì 2 lần rớt, còn lần này chưa biết kết quả ra sao. “Để có tiền sinh hoạt, hiện tại em đang làm quản nhiệm tại Trường Quốc tế Việt Úc. Trường thu học phí của học sinh thì rất cao nhưng trả lương cho giáo viên lại quá thấp. Như em, làm việc từ 6 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều mà mỗi tháng chỉ được lãnh hơn 4 triệu đồng. Bởi vậy, em đã phải tìm cách có hộ khẩu TP để tăng thêm khả năng trúng tuyển đợt này”, Lan cho biết thêm.
Hà Phương cũng tốt nghiệp ĐH Sư phạm (ĐH Sư phạm Huế) được 3 năm nay nhưng cũng như Lan, Hà Phương không thể xin việc ở quê được mà phải bỏ quê vào TP.HCM xin việc. “Đọc báo em thấy năm nào TP.HCM cũng tuyển 4-5 ngàn giáo viên, trong khi ở quê em chỉ tuyển có 20-30 người. Vì vậy năm 2012 em quyết định vào TP.HCM xin việc nhưng không được. Thời gian qua em đi dạy hợp đồng ở Trường Quốc tế Việt Mỹ. Trường quốc tế công việc nhiều nhưng lương thì không cao. Bởi vậy dù biết khó nhưng em vẫn đăng ký dự tuyển giáo viên ở Sở GD-ĐT TP để được dạy ở các trường công lập. Năm ngoái không được, biết đâu năm nay sẽ được, mà nếu không được thì sang năm em lại thi tiếp”, Hà Phương chia sẻ.
Không biết năm nay có trúng tuyển hay không nhưng dù sao Nguyễn Thị Lan và Hà Phương vẫn có quyền hy vọng, chứ không như một số ứng viên vì 1.001 lý do mà tới trễ hơn 15 phút nên không được tham gia phỏng vấn. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Sở GD-ĐT TP thì: “Những ứng viên không tham dự phần thi kiến thức chung thì không được tham dự phần thi chuyên môn. Điều đó cũng có nghĩa những ứng viên này phải đợi đến mùa tuyển dụng giáo viên kỳ sau”.
Bài, ảnh: Hòa Triều