Thứ bảy, 20/5/2017, 19h54

Tuyển giáo viên theo chế độ hợp đồng: Vừa đồng tình, vừa băn khoăn

Tại buổi tiếp xúc cử tri với cán bộ quản lý ngành GD-ĐT TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin, sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên (GV) mà sẽ theo chế độ hợp đồng có ra - có vào, có chế độ đãi ngộ lớn…

GV rất ủng hộ cơ chế tuyển dụng GV theo hợp đồng (ảnh chụp: Một tiết dạy của GV Trường THPT Tân Phong, TP.HCM). Ảnh: D.B

Báo Giáo dục TP.HCM đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình với thông tin này, tuy nhiên cũng không ít người quan ngại việc… tiêu cực trong cơ chế tuyển dụng.

Tạo cơ hội cho người trẻ có năng lực

Với tư cách một giảng viên đang làm trong cơ quan Nhà nước, có biên chế, cô Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên Khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hiện đang nghiên cứu sinh tại Anh, khẳng định: “Tôi ủng hộ chính sách tuyển dụng theo chế độ hợp đồng công khai, công bằng, ký kết hợp đồng làm việc, đánh giá năng lực định kỳ để quyết định duy trì hợp đồng hay không. Chính sách này tạo điều kiện cho những người trẻ, có năng lực có thể có việc làm mà không phải chờ nhóm GV đến tuổi về hưu mới có chỗ. Ngược lại, những người làm việc thiếu trách nhiệm, kém năng lực có thể bị sa thải sớm”.

Đồng tình với ý kiến này, TS. xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, cơ sở TP.HCM cho rằng: “GV được tuyển dụng sẽ rất tốt, lúc đó họ không thể chỉ dựa vào bằng cấp mà phải có nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy tốt… để nhà trường tuyển được người tài. Hơn nữa, trong quá trình dạy học họ không được chủ quan mà phải luôn nỗ lực trong chuyên môn, ứng xử với học sinh thì mới có cơ hội giữ được vị trí việc làm”.

Nếu tuyển dụng theo hợp đồng, người đứng đầu ngành GD-ĐT cho rằng sẽ có ra có vào. Về vấn đề này, nhiều GV tỏ ra không lo ngại vì như vậy sẽ được trả lương theo năng lực, có chế độ đãi ngộ lớn. “Lương của một GV đứng lớp hơn 5 năm như tôi được khoảng 3,8 triệu đồng/tháng, thu nhập cũng chẳng có gì thêm nên nếu bị đuổi, chúng tôi không sợ, ngược lại còn có thêm động lực để xin một việc làm khác. Do vậy, nếu tuyển theo hợp đồng có ra - có vào mà có chế độ đãi ngộ cao như Bộ trưởng GD-ĐT thông tin thì chúng tôi rất ủng hộ chính sách này”, GV dạy địa lý tại một trường THPT trên địa bàn Q.6 chia sẻ.

Đối với lãnh đạo các trường phổ thông, họ cũng đồng tình vì cho rằng thực hiện được chính sách này, họ có quyền tuyển và trọng dụng được người tài. Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1 cho biết: “Một số GV đã vào biên chế lại cứng nhắc, có sức ì không chịu đổi mới vì tự tin là mình không bị đào thải. Trong khi đó, ở các trường tư GV nào dạy tốt thì nhà trường có quyền trả lương cao, GV chưa hoàn thành nhiệm vụ thì họ có thể viết thư cám ơn GV đã cộng tác và cho thôi việc”. Từ thực tế này, thầy Khoa cho rằng việc thực hiện thí điểm tuyển dụng GV theo hợp đồng, có chế độ đãi ngộ và mức lương phù hợp với năng lực là điều cần thiết.

Sợ tiêu cực “chạy việc” bùng phát

Đó là nỗi lo của nhiều GV khi nói về việc thực hiện chính sách này nếu không có lộ trình cụ thể, kế hoạch tuyển dụng không có các tiêu chí đánh giá công khai, minh bạch rõ ràng. 

“Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, tôi băn khoăn rất nhiều thứ: Nếu thực thi chính sách này thì việc đánh giá năng lực GV được giao cho ai, nếu là hiệu trưởng thì liệu hiệu trưởng có lạm quyền không? Tình hình một số hiệu trưởng hiện đã sử dụng quyền lực không đúng đã nan giải, bây giờ trao thêm quyền “tùy nghi định đoạt” việc tuyển dụng nhân sự mà không cần trình qua các cấp khác thì liệu có khiến hiệu trưởng lạm quyền hơn? Tiêu cực “chạy việc” có bùng phát?”, cô Nguyễn Thị Thu Huyền nói.

Ứng viên xem danh sách trúng tuyển trong đợt tuyển dụng viên chức của Sở GD-ĐT TP.HCM năm học 2016-2017. Ảnh: D.B

Từ thực tế này, cô Huyền dù ủng hộ nhưng cho rằng cần lộ trình làm thật chặt chẽ, chuẩn bị tâm thế tốt cho GV, ban giám hiệu rồi mới thực hiện.

Về vấn đề này, TS. Phạm Thị Thúy đề xuất: “Nếu đưa về cho nhà trường tuyển dụng GV theo chế độ hợp đồng thì phải có cơ chế quản lý rõ ràng, có trách nhiệm ràng buộc cụ thể chứ không thể để tuyển dụng theo kiểu… nhất thân nhì quen được. Đồng thời, việc đánh giá, phân loại, xếp loại GV đủ năng lực hay không đủ năng lực cũng không thể chỉ dựa vào điểm số học sinh, các buổi tham gia tập huấn, trình độ của GV mà phải có cơ chế đánh giá đi kèm phù hợp hơn…”.

Tuy nhiên, về phía các trường, thầy Cao Đức Khoa cho rằng: “Đừng ngại việc tiêu cực, học sinh và phụ huynh hiện nay rất nhạy bén, nếu GV dạy không đạt yêu cầu họ sẽ phản ánh ngay. Hơn nữa, không ai muốn tuyển GV không làm được việc vào giảng dạy trong nhà trường vì chất lượng đào tạo, thương hiệu nhà trường phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ GV”.

Thầy Huỳnh Trọng Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ đồng tình: “Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo của nhà trường nên nếu tuyển GV không đủ năng lực thì chính là hại mình. Hơn nữa, việc tuyển dụng này không chỉ có hiệu trưởng mà là cả hội đồng, có tiêu chí đánh giá như tuyển viên chức, phải thông qua thử việc…”.

Dương Bình