Thứ tư, 24/5/2017, 15h06

Tuyến metro số 1 TP.HCM có thể chậm do... thiếu tiền

Trong năm 2017, tuyến số 1 cần hơn 5.400 tỉ đồng, trong khi vốn trung ương bố trí về chỉ 2.100 tỉ - chỉ đủ trả nợ nhà thầu và tiền tạm ứng của thành phố.
Tuyến metro số 1 TP.HCM có thể chậm do... thiếu tiền
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (ảnh chụp trưa 24-05) - Ảnh: Quang Định

Khó khăn lớn nhất hiện nay ở dự án tuyến metro số 1 Bến Thành (Q.1)-Suối Tiên (Q.9) là việc chậm trễ cấp vốn, ông Lê Nguyễn Minh Quang - trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết tại họp báo sáng nay 24-5.

Cụ thể, trong năm 2017, tuyến số 1 cần hơn 5.400 tỷ đồng, trong khi vốn trung ương bố trí về chỉ 2.100 tỷ - chỉ đủ trả nợ nhà thầu và tiền tạm ứng của thành phố.

Hiện nay, JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) cũng đặt vấn đề vì đã cấp đủ vốn ODA cho dự án, trong khi việc sử dụng nguồn vốn và cấp vốn thực hiện dự án là vấn đề nội bộ của phía Việt Nam. 

Nếu vấn đề về cấp vốn không được giải quyết kịp thời dễ dẫn đến phá vỡ tiến độ.

Thời gian qua, TP đã phải tạm ứng ngân sách để trả nợ cho nhà thầu. Các nhà thầu cũng đã có phản ứng, đòi ngưng tiến độ. Thậm chí, phía Nhật Bản cũng đặt vấn đề về nguồn vốn một cách nghiêm túc và gay gắt.

Do vậy, việc nguồn vốn chậm nếu kéo dài sẽ dẫn đến giãn tiến độ và không hoàn thành mục tiêu như dự kiến - ông Quang nhấn mạnh.

Tuyến metro số 1 TP.HCM có thể chậm do... thiếu tiền
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (ảnh chụp trưa 24-05) - Ảnh: Quang Định

Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, có 3 nguy cơ về việc cấp vốn chậm. Thứ nhất là khi chậm thanh toán cho các nhà thầu họ sẽ yêu cầu trả lãi.

Thứ hai là nhà thầu có thể ngưng thi công công trình vì họ phải rút chuyên gia về nước, bắt buộc chúng ta phải đàm phán rất mất thời gian.

Thứ ba là việc cấp vốn chậm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh về đầu tư của Việt Nam.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP cũng đã chủ động báo cáo UBND TP làm việc với Bộ KH - ĐT đề nghị cấp vốn để TP.HCM đảm bảo hoàn thành các dự án đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân vào năm 2020.

Cũng tại họp báo, ông Dương Hữu Hòa - giám đốc Ban dự án 1 thuộc Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM, cho biết ngày 26-5 sẽ bắt đầu sử dụng robot TBM khoan đường hầm phía Đông từ ga Ba Son về đến ga Nhà hát TP dài 781m, dự kiến hoàn thành tháng 12-2017.

Sau đó sẽ tháo dỡ robot TBM này đưa trở lại nhà ga Ba Son để khoan đường hầm phía Tây về ga Nhà hát TP và dự kiến hoàn thành tháng 6-2018.

Theo đó, đường hầm phía Đông và đường hầm phía Tây sẽ là đường một chiều cho đoàn tàu metro chở khách đi và về trung tâm TP.

N.ẨN - THU DUNG/ TTO