Thứ hai, 4/7/2011, 08h07

Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội: Làm sao tránh được cảnh xếp hàng từ nửa đêm?

Nhằm giảm áp lực căng thẳng trong tuyển sinh đầu cấp, TP.Hà Nội sẽ thí điểm xây trường học cao tầng để tăng số m2 sàn sử dụng. Ảnh: N. Huê
Ngày 1-7, các trường trên địa bàn TP.Hà Nội bắt đầu nhận đơn tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng phụ huynh xếp hàng suốt đêm để xin chỗ học cho con vẫn diễn ra. Năm nay, tình trạng này liệu có tiếp diễn?
Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội về vấn đề này.
P.V: Năm nào TP.Hà Nội cũng xảy ra tình trạng phụ huynh xếp hàng từ nửa đêm để nộp hồ sơ tuyển sinh các lớp đầu cấp. Ông có thể cho biết năm nay những giải pháp nào giải quyết tình trạng này?
- Việc này năm trước chỉ xảy ra ở một vài trường mầm non công lập chứ không phải diễn ra ở tất cả các cấp học. Để tránh tình trạng này, Sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn yêu cầu các trường cần phối hợp với UBND phường, xã, thị trấn trong công tác tổ chức tuyển sinh. Tuyên truyền sâu rộng trong các tổ dân phố, thôn, xóm về chỉ tiêu tuyển sinh ở từng độ tuổi và thời gian tuyển sinh, đưa trẻ đến trường theo đúng độ tuổi được nhập học. Trường hợp số trẻ mầm non đăng ký học vượt quá khả năng tiếp nhận, nhà trường phải ưu tiên tiếp nhận trẻ năm tuổi, và sau đó là đến trẻ thuộc tuyến tuyển sinh được giao.
Những năm học trước, các quận nội thành có mật độ dân số đông luôn có điểm nóng về tuyển sinh trái tuyến. Vì vậy, Sở GD-ĐT đã tham mưu với TP chỉ đạo, phân cấp triệt để cho UBND các quận, huyện, thị xã, các phòng GD-ĐT có kế hoạch và quy định phương án tuyển sinh sao cho phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, khả năng CSVC của mỗi trường trên từng địa bàn; yêu cầu nhà trường phối hợp với UBND phường, xã, thị trấn trong công tác rà soát chính xác số HS trong độ tuổi cư trú trên địa bàn để tổ chức tuyển sinh. Với chủ trương “3 giảm” (giảm sĩ số HS/lớp, giảm số lớp ở những trường có quy mô quá lớn, và giảm số HS trái tuyến) đến nay sĩ số HS/lớp đã có nhiều cải thiện. Thống kê cho thấy nếu tính bình quân, thành phố vẫn luôn đảm bảo được đủ chỗ học cho HS tiểu học và THCS với tỷ lệ trung bình chỉ khoảng trên dưới 40 em/lớp. Tuy nhiên, do nhu cầu học tập của HS và nguyện vọng của các gia đình cũng rất đa dạng, có những HS cư trú nơi này, hộ khẩu nơi khác, hoặc cũng có phụ huynh muốn xin cho con học trái tuyến ở trường gần nơi làm việc để thuận tiện đưa đón, rồi cũng có phụ huynh chê trường trên địa bàn mình nằm ở khu vực “dân trí thấp”, gần chợ búa, gần nhà nghỉ, trong ngõ hẹp... nên xin trái tuyến chỗ khác.
Ông có thể cho biết tình trạng “trắng” trường mầm non, tiểu học và THCS còn tồn tại ở Hà Nội không? Đó là những quận, huyện nào, nếu còn? Hướng giải quyết trong thời gian tới?
- Theo quy định, mỗi phường đều cần phải có một trường mầm non, tiểu học và THCS. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số địa bàn ở nội thành chưa có đủ trường cho mầm non, tiểu học và THCS như các phường Hàng Đào, Cửa Đông, Tràng Tiền của Q.Hoàn Kiếm; Ngã Tư Sở, Khâm Thiên của Q.Đống Đa và một số khu đô thị mới chưa có đủ trường công lập như Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì (Từ Liêm), Thạch Bàn, Việt Hưng (Long Biên), hay Văn Phú, Phú La (Hà Đông)...
Các trường chỉ được phép tuyển sinh từ ngày 1-7 đến 15-7. Sau ngày 15-7, những trường chưa đủ chỉ tiêu tuyển sinh được giao phải báo cáo với phòng GD-ĐT và căn cứ vào tình hình cụ thể UBND quận huyện, phòng GD-ĐT cho phép trường được tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu từ ngày 17-7 đến 20-7.
Trong kế hoạch xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp ở Hà Nội, Sở GD-ĐT đã có tham mưu với TP về chủ trương ít nhất có một nửa số điểm trường tại các khu đô thị mới phải là trường công lập, số còn lại xây theo mô hình xã hội hóa. Việc để dành quỹ đất để xây dựng trường học công lập tại các khu đô thị mới nhằm giải quyết chỗ học cho trẻ trong khu đô thị và đó cũng là việc làm giảm áp lực trái tuyến cho những trường học ở khu vực lân cận. Trong kế hoạch giải tỏa các nhà máy xí nghiệp và các trường ĐH ra khỏi nội thành, TP cũng đã có chủ trương sẽ ưu tiên dành một phần quỹ đất ở đó để xây dựng trường học. Ngoài ra, với các quận nội thành, phương án thí điểm thiết kế xây trường học cao tầng để tăng số m2 sàn sử dụng như ở Q.Ba Đình, Hoàn Kiếm vừa qua cũng đã thu được kết quả tích cực, tăng thêm nhiều chỗ học cho học sinh. Tuy nhiên, để giải quyết toàn bộ những bất cập nêu trên, không thể làm ngay trong ngày một ngày hai mà cần có thời gian và lộ trình thích hợp...
Hà Nội cũng có những trường (chuẩn) nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Năm nay, vấn đề này được sở giải quyết như thế nào?
- Đúng là có tình trạng có một số trường nằm ngay khu vực nội thành, có điều kiệnvề CSVC, đội ngũ giáo viên tốt nhưng hàng năm vẫn tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Đó thường là những trường nằm trên địa bàn phức tạp, điều kiện kinh tế của cư dân trên địa bàn này còn khó khăn, gần chợ búa, gần nhà nghỉ, trong ngõ hẹp... dẫn đến tình trạng phụ huynh không muốn cho con em mình học ở đây mà xin học trái tuyến chỗ khác.
Để khắc phục tình trạng này, các trường cần tổ chức tuyên truyền giải thích rõ cho phụ huynh không nên vì hiệu ứng về “trường điểm”, “lớp chọn” mà phải mất công sức lo cho trẻ học trái tuyến gây mệt mỏi cho cả HS và gia đình. Chính tại những trường có quy mô nhỏ, sĩ số HS/lớp ít thì giáo viên lại càng có điều kiện quan tâm đến từng HS, khác hẳn ở những lớp chen chúc đến trên 50-60 HS, lại ngồi trong những phòng chỉ thiết kế cho 35-40 HS.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)

Việc tăng dân số cơ học ở thủ đô do việc nhập khẩu khá dễ dàng theo Luật Cư trú… là những lí do tạo ra tình trạng học trái tuyến, gây căng thẳng, áp lực đối với công tác tuyển sinh.