Thứ hai, 15/3/2010, 11h03

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2010: Bộ mạnh tay “cắt” chỉ tiêu

190 trường ĐH, CĐ bị giảm chỉ tiêu so với đề xuất ban đầu. Đây là con số khiến dư luận “giật mình”. Còn theo ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT, kế hoạch phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010 có nhiều biến động, phụ thuộc vào năng lực hiện có của từng trường.
Điều kiện không đủ
Trong 190 trường bị cắt giảm chỉ tiêu, không chỉ có các trường ĐH, CĐ ngoài công lập mà có cả những trường công lập. Việc cắt giảm này được Bộ đưa ra trên cơ sở xem xét các điều kiện bảo đảm chất lượng. Cụ thể, đó là các tiêu chí bình quân diện tích đất đai, diện tích xây dựng trên mỗi sinh viên, tỉ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi... và kết quả thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh năm 2009. Từ kết quả 3 công khai cho thấy, có rất nhiều trường, tỉ lệ diện tích xây dựng/sinh viên và tỉ lệ sinh viên/giảng viên còn cách quy định của Bộ rất xa, thậm chí tới vài lần. Theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT, tỉ lệ sinh viên/giảng viên sau khi quy đổi của các trường ĐH phải đảm bảo ở mức không quá 10 sinh viên/giảng viên đối với các ngành đào tạo năng khiếu; 15 sinh viên/giảng viên đối với các ngành đào tạo khoa học kỹ thuật và công nghệ; 25 sinh viên/giảng viên đối với các ngành đào tạo khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế - quản trị kinh doanh. Đối với diện tích xây dựng (phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành...) tiêu chuẩn tối thiểu phải đạt 2m2/sinh viên. Trong khi đó, tại ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM và ĐH Mở TP.HCM tỉ lệ diện tích/sinh viên chỉ vẻn vẹn đạt 0,7m2/sinh viên. Cũng tại ĐH Mở TP.HCM, tỉ lệ sinh viên/giảng viên đạt 41,2 sinh viên/giảng viên. Con số này tại ĐH Dân lập Ngoại ngữ Tin học TP.HCM là 47,3, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Đồng Nai là 42,1, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân là 44,5, Trường CĐ Công nghiệp Viettronics tỉ lệ diện tích/sinh viên chỉ có 0,7 nhưng tỉ lệ sinh viên/giảng viên là 47,7.
“Cắt” là phải
Theo ông Nguyễn Văn Ngữ, những trường phải giảm chỉ tiêu so với đề xuất ban đầu là những trường không tăng số lượng giảng viên... Khi không đủ giảng viên thì không thể tăng chỉ tiêu nhiều được, những trường dự kiến chỉ tiêu quá cao cũng phải giảm xuống. Bên cạnh đó, với những trường ĐH, CĐ năm trước tuyển vượt chỉ tiêu (38 trường ĐH, CĐ tuyển vượt từ 15,86% - 91,73%) quá nhiều so với quy định thì năm nay cũng bị khấu trừ để đảm bảo năng lực đào tạo. Cụ thể, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tự đề xuất 4.500 chỉ tiêu bậc ĐH và 1.500 chỉ tiêu bậc CĐ nhưng Bộ xác định trường chỉ có năng lực đào tạo cho 3.000 chỉ tiêu ĐH và 1/3 chỉ tiêu bậc CĐ, tức 500 chỉ tiêu. Nằm trong tốp các trường bị cắt giảm nhiều chỉ tiêu so với mức tự đề xuất còn có Trường ĐH Lạc Hồng với 2.400 chỉ tiêu so với con số 3.500 chỉ tiêu do trường đề nghị, Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Long An còn 1.250 chỉ tiêu cả ĐH và CĐ so với đề nghị ban đầu là 2.300, Trường ĐH Tây Đô giảm còn 1.350 chỉ tiêu bậc ĐH và 800 chỉ tiêu bậc CĐ so với hai con số tự đề xuất là 2.200 và 1.300. Trường ĐH bị “cắt” chỉ tiêu kỷ lục là ĐH Dân lập Hùng Vương TP.HCM. Trường đề nghị tuyển 2.500 chỉ tiêu ĐH và 1.500 chỉ tiêu CĐ, Bộ “quyết” còn 1.500 đối với ĐH và chỉ có... 160 chỉ tiêu đối với bậc CĐ. Tương tự, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM không chỉ bị giảm gần 1.000 chỉ tiêu hệ ĐH, chỉ tiêu hệ CĐ của trường cũng rơi từ con số tự đề nghị 1.500 còn... 200.
Ông Ngữ cho hay, Bộ GD-ĐT phấn đấu để đến năm 2012, mỗi trường và mỗi ngành đào tạo phải đảm bảo tỉ lệ sinh viên/giảng viên đúng theo quy định. Như vậy, nếu không xác định đúng năng lực đào tạo hiện có, năm sau, các trường sẽ vẫn tiếp tục bị “cắt” chỉ tiêu.
Nghiêm Huê