Thứ hai, 7/5/2012, 16h05

Tuyển sinh lớp 6: Áp lực chọn trường

Mong muốn cho con vào trường chuyên, “trường điểm” có thể gây áp lực cho cả phụ huynh và học sinh. Vì thế phụ huynh nên thận trọng khi “chọn” trường cho con (hình mang tính minh họa)

Năm học 2012-2013, thí sinh phải thi tuyển môn tiếng Anh khi đăng ký vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa; đề thi học kỳ II lớp 5 do phòng GD-ĐT quận, huyện ra… Đó là những điểm mới khiến cho không ít phụ huynh đang chuẩn bị cho con vào học trường chuyên, “trường điểm” lo lắng, thận trọng hơn.
“Đua” vào trường chuyên
Gặp chúng tôi tại cơ sở Bồi dưỡng văn hóa Việt học (đường Tú Xương, Q.3), trên tay cầm phiếu đăng ký học lớp ôn luyện cấp tốc môn tiếng Anh, chị V.T.T (Q.3) - một phụ huynh có con học lớp 5 - nói: “Tôi xác định cho con thi vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nên từ đầu năm học đã cho cháu ôn luyện thêm hai môn toán và tiếng Việt. Tuy nhiên, năm nay trường này không khảo sát đầu vào tiếng Anh mà tổ chức thi nên tôi lo lắm, do đó phải cho cháu học lớp ôn luyện cấp tốc mới kịp. Thú thực, vào học ở Trường Trần Đại Nghĩa là coi như được học trong điều kiện tốt nhất nên phải ráng thôi”. Trong khi đó, chị T.H (Q.1) - cũng đăng ký cho con học lớp cấp tốc tiếng Anh ở cơ sở này để thi vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - cho biết: “Tôi biết là thời gian cấp tốc chẳng học được là bao, nhưng còn kịp thì cứ đăng ký. Một số thầy cô cho biết là sẽ rất khó khăn do đây là năm đầu tiên thi tuyển nên không có đề để tham khảo như môn toán hay tiếng Việt”. Với khóa học cấp tốc này, các em sẽ học từ ngày 10-5 đến 27-6 (nghỉ trước ngày thi 1 ngày), với 4 buổi/ tuần. Mức học phí là 750 ngàn đồng/ tháng. Được biết, tại lớp ôn luyện cấp tốc này, các em học sinh (HS) được học, rèn luyện những dạng bài từ cơ bản đến nâng cao theo từng chuyên đề khác nhau.
Quả thật, sự thay đổi này khiến cho phụ huynh khá lo lắng, vì vậy mà họ cho con học lớp tiếng Anh cấp tốc tại cơ sở này khá đông. Một chị nhân viên ghi danh nói với chúng tôi (do nghĩ chúng tôi là phụ huynh - PV): “Bây giờ lớp đã đông, có gì chị để lại số điện thoại, em liên hệ sau”.
Em Nguyễn Quang Mai Uyên - HS lớp 5/3 Trường TH Đinh Tiên Hoàng (Q.1) - cho hay: “Con không có điều kiện đến cơ sở bồi dưỡng, ôn luyện như các bạn nên được ba cho học thêm môn toán từ đầu năm tại nhà thầy dạy toán ở một trường chuyên. Còn môn tiếng Anh thì học tại Trung tâm Anh ngữ Việt - Úc (Q.Bình Thạnh). Tất cả là để con chuẩn bị thi tuyển vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa”.
Dường như biết để được vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa rất khó, nhưng với tâm lý “con mình phải học trường chuyên” nên các bậc phụ huynh đã không ngần ngại cho con “thử sức” dù sức học con mình ở mức trung bình. Năm học trước chỉ tiêu tuyển của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chỉ có 360 HS nhưng số hồ sơ đăng ký dự thi lên đến khoảng 4.000. Năm học này, chỉ tiêu của trường giảm còn 320 HS, song thời điểm này cho thấy nhu cầu của phụ huynh vẫn “nóng” như năm rồi.
Vào “trường điểm”: Hên xui

Phụ huynh cho con học thêm để “đưa” vào trường chuyên, “trường điểm” (trong ảnh là một lớp học thêm tại Q.Gò Vấp). Ảnh: H.Triều

Khác với những năm trước, năm nay Sở GD-ĐT TP.HCM không trực tiếp ra đề thi lớp 5 mà giao cho phòng GD-ĐT các quận - huyện ra đề. Theo đó, mỗi quận, huyện sẽ có những đề thi riêng (cách ra đề cũng không giống nhau). Đơn cử như tại Q.4, mỗi trường tiểu học trong quận sẽ ra đề, sau đó gửi về phòng GD-ĐT và phòng sẽ họp tham khảo, duyệt ra một đề thi chung. Ngược lại, tại Q.10, đề thi sẽ do tổ chuyên môn của Phòng GD-ĐT ra, không đòi hỏi các trường tiểu học phải gửi đề về… Một lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.10 chia sẻ: Nhằm tránh trường hợp trường ra đề khó, trường ra đề dễ nên tổ chuyên môn ra đề thi. Nếu như có đề thi từ các trường gửi về thì phòng cũng tham khảo, rút kinh nghiệm.
Đứng trước thực tế này, đã có không ít phụ huynh tỏ ra lo lắng về cơ hội vào “trường điểm” của con mình. Chị N.N.H (Q.4) bộc bạch: “Con tôi đang học tại Trường TH Lương Định Của (Q.3), nếu đúng tuyến thì năm nay cháu về Trường THCS Vân Đồn (Q.4). Việc các quận, huyện tự ra đề sẽ không tránh khỏi trường hợp có đề khó, đề dễ. Tôi sợ nếu Phòng GD-ĐT Q.4 ra đề thi dễ thì số HS đạt điểm cao sẽ tăng lên, khi đó con tôi sẽ khó có cơ hội vào Trường THCS Vân Đồn”. Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), cho biết: “HS các trường khác vào Trường THCS Vân Đồn phải đạt 20 điểm thì HS Trường TH Nguyễn Văn Trỗi chỉ cần đạt 19,5 là đậu do được ưu tiên khu vực địa bàn”.
Hơn nữa, hình thức tính điểm bài thi năm nay cũng khác so với năm rồi. Nếu năm trước, trong thang điểm có 0,25 và điểm lẻ vẫn giữ nguyên thì năm nay không có điểm 0,25. Theo đó, điểm lẻ được đưa lên thành chẵn. Chẳng hạn, HS được 9,5 điểm sẽ được làm tròn thành 10.
Chị Minh Anh (Q.3) cho rằng: “Bằng cách tính điểm này, HS dễ hơn thua nhau cả 1 điểm, em nào đã được điểm cao thì cơ hội thêm điểm lại càng cao”.
Với hình thức ra đề mới như năm nay thì những phụ huynh “nhắm” cho con mình vào “trường điểm” sẽ phải đối mặt với “bài toán khó”. Thầy Nguyễn Lê Nhân - Tổ trưởng Tổ chuyên môn tiểu học, Phòng GD-ĐT Q.10 - cho biết: “Nhiều phụ huynh cứ nghĩ con vào “trường điểm” là được học với các thầy cô giỏi, chắc chắn sẽ giỏi hơn bạn bè.  Thực tế không hoàn toàn như thế. Đơn cử ở Q.10, phụ huynh thường thích cho con vào học Trường THCS Nguyễn Văn Tố, thế nhưng có năm, HS trường này không dám đăng ký vào các trường THPT top 1, mà chỉ dừng lại ở top 2. Nên hiểu vấn đề này để phụ huynh đừng quá áp lực trong việc chọn trường cho con”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh