Thứ bảy, 30/12/2017, 21h26

Tỷ lệ trẻ đội mũ bảo hiểm còn thấp

Hiện tỷ lệ đội mũ bảo hiểm (MBH) ở người lớn tại TP.HCM đạt trên 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ đội ở trẻ từ 4-16 tuổi mới chỉ đạt từ 50-60%.

Vẫn còn nhiều phụ huynh không cho con đội mũ bảo hiểm khi đến trường trên xe máy

Con số này được Ban ATGT TP đưa ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông, trong đó có việc thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

Phụ huynh đội MBH nhưng không đội cho con

Dạo qua các trường tiểu học trên địa bàn thành phố, chúng tôi không khó bắt gặp hình ảnh phụ huynh (PH) đưa đón học sinh (HS) bằng xe gắn máy nhưng không đội MBH cho các em. Giờ tan trường tại Trường Tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh), nhiều HS được PH đón về với đầu trần, trong khi PH có đội MBH. Qua quan sát chúng tôi thấy, sau khi rời khỏi cổng trường, PH lưu thông ngay ra các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ - đây là những tuyến đường có nhiều xe gắn máy, ô tô lưu thông.

Cách đó không xa, nhiều HS Trường Tiểu học Phù Đổng (Q.Bình Thạnh) nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng được PH đón về bằng xe gắn máy nhưng đầu không đội MBH.

Tại Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo (Q.3), số lượng PH không đội MBH cho con em khi đưa đón về bằng xe gắn máy cũng rất nhiều. Các xe gắn máy này được vào tận sân trường đón HS ra về nhưng không hề có sự nhắc nhở nào mặc dù ngay cổng trường học có bảo vệ giám sát trật tự, an toàn. Vừa ra khỏi cổng trường là đường Võ Văn Tần, dày đặc phương tiện xe gắn máy, ô tô các loại lưu thông trong giờ tan tầm. Một số PH đón cùng lúc 2 con nhưng cả 2 cũng đều không đội MBH.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng - Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Nhiều năm trở lại đây, ngành Giáo dục Thành phố đã có nhiều hoạt động tuyên truyền PH, giáo dục HS trong việc đội MBH khi tham gia giao thông, thậm chí yêu cầu PH cam kết trong vấn đề này bên cạnh luật xử phạt không đội MBH cho trẻ 6 tuổi trở lên đã được các cơ quan chức năng ban hành, thực hiện. Tuy nhiên, do chưa thấy được vai trò quan trọng của MBH, còn chủ quan và nhận thức chưa cao nên một số PH vẫn không đội MBH cho con khi tham gia giao thông”.

Chính phủ cần ban hành thêm văn bản chỉ đạo

Có thể thấy, sau khi Nghị quyết 32 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, Ban ATGT TP đã phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức phi Chính phủ như Handicap, Quỹ AIP... và ban ATGT các quận, huyện tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật quy định đội MBH cho HS. Tổ chức nhiều sự kiện thu hút sự quan tâm của hàng chục ngàn HS, PH, giáo viên và cộng đồng như “Ngày hội gia đình”, triển lãm tranh an toàn giao thông “Bé yêu MBH”, lắp nhiều pa-nô, phát tờ rơi, tặng hàng chục ngàn MBH, trình chiếu nhiều clip, phát hành đĩa DVD… tuyên truyền việc đội MBH cho trẻ.

Trước kết quả đạt được và chưa đạt được, theo ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó trưởng ban chuyên trách - Ban ATGT TP, Ban ATGT TP đã có kiến nghị Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với các bộ ngành Trung ương, nghiên cứu đề xuất Chính phủ tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng nhằm nâng cao tỷ lệ đội MBH hơn nữa, nhất là đối với trẻ em. 

Và sau 10 năm thực hiện đến nay, thông qua tuần tra, kiểm soát, công an thành phố đã phát hiện, xử lý 216.690 trường hợp vi phạm không đội MBH, đội MBH không đúng quy định. Theo đó, tỷ lệ đội mũ ở người lớn đạt trên 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ đội ở trẻ từ 4-16 tuổi mới chỉ đạt từ 50-60%. Trong đó, nội thành, khu trung tâm đạt 70-80%, khu vực khác đạt 40-50%. Đặc biệt, trẻ càng nhỏ tuổi, khu vực xa trung tâm hoặc không có cảnh sát giao thông thì tỷ lệ đội MBH càng thấp.

Ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á (Quỹ AIP) cho rằng, ý thức trách nhiệm của PH, nhà trường cũng như mức xử phạt của lực lượng chức năng chưa cao. Riêng các chiến dịch truyền thông, chương trình quảng cáo trên ti-vi cũng chưa được chú trọng đầy đủ. Hiện thành phố có 7.415.051 xe mô tô, gắn máy và hàng ngày có khoảng 2 triệu xe mang biển số tỉnh, thành khác lưu thông trên địa bàn thành phố. Kết quả từ Ban ATGT TP đưa ra, trên 80% tai nạn giao thông đường bộ có liên quan đến xe gắn máy. Trên 80% tai nạn có nguyên nhân do lỗi của người tham gia giao thông. Hầu hết trẻ từ 1-14 tuổi bị tai nạn giao thông đều do ngồi trên xe máy.

Nhằm nâng cao việc đội MBH và đảm bảo an toàn cho trẻ, ông Greig Craft cho biết, những chiến dịch tuyên truyền đội MBH cần hướng tới hơn nữa các bậc PH, giáo viên, cơ quan chức năng - đặc biệt là cảnh sát giao thông. Nhà nước đã triển khai kế hoạch “Tăng cường thực hiện quy định của pháp luật đối với việc đội MBH cho trẻ em” nhằm tập trung vào việc nâng cao tỷ lệ sử dụng MBH của trẻ em. Nhưng cưỡng chế thi hành chỉ là một yếu tố cuối cùng trong việc thay đổi hành vi của người dân, và sẽ không có kết quả lâu dài nếu không đi kèm với giáo dục nâng cao nhận thức.

Bài, ảnh: Minh Phương