Thứ sáu, 1/7/2016, 09h41

Ủng hộ đề án xây dựng Trường ĐH trọng điểm Nguyễn Tất Thành

GS.TSKH Đào Trọng Thi (Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) phát biểu trong buổi gặp gỡ ban giám hiệu Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Văn phòng Thành ủy TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại buổi làm việc với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trong đó nêu rõ, Thành ủy, UBND TP.HCM luôn ủng hộ, đồng tình Trường ĐH Nguyễn Tất Thành về định hướng phấn đấu trở thành trường ĐH trọng điểm quốc gia ngoài công lập trong hệ thống các trường ĐH ở nước ta.

Bí thư Thăng đề nghị Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chuẩn bị chu đáo đề án xây dựng trường thành trường ĐH trọng điểm quốc gia trình Bộ GD-ĐT cho phép thành phố thí điểm theo tinh thần Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020.

Lãnh đạo thành phố giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố có văn bản gửi Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được thí điểm xây dựng trường ĐH trọng điểm ngoài công lập theo tinh thần Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị: “… Tiếp tục cho phép thành phố được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn thành phố đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp. Khi thực hiện thí điểm, thành phố phải có đề án xin Chính phủ cho thí điểm về từng vấn đề cụ thể và chịu sự theo dõi, giám sát của Chính phủ, đặc biệt với những vấn đề lớn, nhạy cảm”; chỉ đạo các sở ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ nhà trường hoàn chỉnh Đề án xây dựng thành trường ĐH trọng điểm ngoài công lập.

Cũng về định hướng phát triển thành trường ĐH trọng điểm ngoài công lập, GS.TSKH Đào Trọng Thi (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) trong buổi gặp gỡ Ban giám hiệu Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ngày 30-6 cho rằng, hơn 20 năm trước, chúng ta có khái niệm trường trọng điểm đầu ngành, tức chỉ có những trường đầu ngành trong các lĩnh vực được coi là trọng điểm. Những trường ĐH trọng điểm được Nhà nước ưu tiên đầu tư. Khi đó, chưa có trường ngoài công lập, trường trọng điểm ở nước ta đều nằm trong khối công lập.

Về sau, khi phát triển mạng lưới giáo dục đã xuất hiện tình trạng các trường ĐH được đầu tư dàn trải, thiếu chất lượng. Vì vậy, nhà nước chủ trương hình thành một số trường ĐH có chọn lọc để đầu tư trọng điểm ưu tiên, đủ mức phấn đấu thành những trường đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và khu vực. Những trường được chọn làm trọng điểm cũng đều thuộc khối công lập, đến nay là 21 trường. Tuy nhiên, theo ông Thi, số trường trọng điểm này khó đảm nhiệm hết nhiệm vụ quan trọng là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cần thu hút các trường ngoài công lập cùng tham gia. Nhưng nếu chúng ta vẫn giữ khái niệm trường trọng điểm là trường được Nhà nước ưu tiên đầu tư thì khó mở rộng ra các trường ngoài công lập được, vì trường ngoài công lập không nhận đầu tư của Nhà nước.

Ông Thi cho rằng, bên cạnh các trường công lập trọng điểm cần mở rộng thêm khái niệm trường ngoài công lập trọng điểm và không dành cho các trường này ưu tiên đầu tư như đối với trường công, thay vào đó, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi về vay vốn, cơ chế hoạt động, tự chủ…

Mê Tâm