Thứ ba, 19/9/2017, 19h58

Ứng xử với tật ăn cắp vặt của trẻ

Vi nhng tr li có hành vi “tt mt” như thế, ph huynh phng x ra sao đ ci thin tt xu đó cho con?

Ph huynh phng x tht khéo léo vi hành vi “tt mt” ca con (nh minh ha). Ảnh: IT

Chị Hà An (Q.2, TP.HCM) phàn nàn về đứa con trai lên 8 tuổi của mình: “Gia đình tôi không để con cái phải thiếu thốn thứ gì, chúng tôi đã lo cho chúng bằng tất cả khả năng có thể của mình, vậy mà thỉnh thoảng cháu lại nhặt nhạnh về nhà một món đồ cũ từ đâu đó, khi thì là đồ chơi, khi thì món đồ không có giá trị gì, thậm chí là lấy về rồi vứt ngay vào xó, không màng tới món đồ ấy. Lại có trường hợp cháu lấy mấy đồng tiền lẻ của bạn, có khi lấy cả quỹ lớp. Vợ chồng tôi rất bức xúc và lo lắng về hành vi của con”.

Dưới góc nhìn tâm lý trẻ em, có 3 trường hợp trẻ “tắt mắt” cha mẹ cần lưu ý:

1. Trẻ rất thích lấy đồ của bạn: Có thể đó là đồ chơi hoặc là đồ dùng học tập. Trẻ dưới 10 tuổi có hành vi này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đa số trẻ có hành vi như vậy bởi chúng còn hạn chế về nhận thức chưa phân biệt được việc sở hữu, chuẩn mực và điều cấm không được lấy đồ của người khác là xấu. Khả năng kiềm chế của trẻ còn thấp nên chúng chỉ làm theo sự thôi thúc từ nhu cầu của bản thân, khi trẻ thích món đồ chơi và trẻ chưa thể có được (vì cha mẹ chưa mua, vì gia đình hoàn cảnh khó khăn không có được…), vì quá ham thích món đồ chơi hoặc đồ dùng học tập (cục tẩy, ngòi bút… có hình dáng xinh xinh) đó nên trẻ đã lấy của người khác mà không suy nghĩ đến điều gì nữa.

Với trường hợp này cha mẹ cần làm: Trẻ từ 3 tuổi trở lên, khi bắt đầu tham gia vào các mối quan hệ xã hội, cha mẹ cần chỉ rõ giới hạn rõ ràng cho bé hiểu cái gì của mình - cái gì của bạn. Nhắc nhở con nhẹ nhàng nhưng cương quyết và dứt khoát để trẻ hiểu là hành vi lấy đồ của người khác là không thể chấp nhận trong bất cứ tình huống nào. Có không ít bậc cha mẹ, khi con đến nhà người khác lúc về cứ đòi cầm cái này cái kia. Vì chiều con đã dung túng cho con cầm những thứ dù rất nhỏ nhặt. Hành vi đó lặp đi lặp lại nhiều lần là mầm mống của hành vi ăn cắp vặt khi không có sự cho phép của người khác. Cha mẹ hãy kiên quyết nói cho con hiểu rằng dù con rất muốn món đồ chơi hay đồ dùng đó và rất muốn có nó nhưng mong muốn đó hiện tại chưa thể thực hiện được, nếu con cố gắng chăm ngoan hơn, lúc khác cha mẹ sẽ mua cho. Sau đó, cha mẹ nên động viên trẻ mang đồ chơi hoặc đồ dùng trả lại cho bạn và xin lỗi bạn vì mình đã trót cầm nhầm của bạn. Cha mẹ nên lưu ý, không nên đáp ứng nhu cầu bằng cách mua ngay món đồ đó cho trẻ. Điều đó sẽ khiến trẻ nhầm tưởng rằng những thứ trẻ ước muốn đều được thỏa mãn và lần sau trẻ muốn món đồ chơi nào đó thì chỉ việc lấy của bạn thì cha mẹ phải lo mua cho mình. Nếu cha mẹ khéo léo có thể thuyết phục được bạn cho trẻ mượn món đồ chơi đó một thời gian ngắn để giúp bé đỡ ấm ức, hẫng hụt. Rồi sau đó, đợi đến cơ hội thích hợp, như sinh nhật của con, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu… tặng cho con món đồ chơi đó mới có ý nghĩa thiết thực.

2. Trẻ không kiềm chế được hành vi lấy đồ ở tiệm tạp hóa và siêu thị. Có không ít trường hợp, cứ vào cửa hàng là trẻ phải đút túi một thứ gì đó. Những thứ trẻ lấy rất đa dạng và thường là chúng chẳng cần lắm, có thứ trẻ lấy nhưng không bao giờ dùng đến. Khi bị phát hiện trẻ cũng có cảm giác hối lỗi, ân hận và thẹn thùng, xấu hổ nhưng vẫn không kiềm chế được mình mỗi khi có cơ hội. Các nhà tâm lý học trẻ em cho biết, trẻ mắc chứng “cầm nhầm” này thường là những đứa “thiếu thốn” hơi ấm tình cảm gia đình, cuộc sống hằng ngày luôn chịu sự cô độc, đau buồn và thiếu vắng sự quan tâm của người thân. Trẻ muốn làm điều gì khác người để lấp đầy sự thiếu vắng tình cảm. Lấy đồ ở siêu thị hay tiệm tạp hóa luôn khơi dậy cho những trẻ này những lôi cuốn một cách vô thức không thể cưỡng lại được. Nguyên nhân sâu xa của hành vi này là để chống lại sự cô đơn, trầm cảm, u uất trong tận đáy lòng. Trong trường hợp này, cha mẹ nên gần gũi, quan tâm, chia sẻ những băn khoăn, những mong muốn, nguyện vọng của con. Nếu con vẫn thu mình, không muốn chia sẻ và chứng “tắt mắt” vẫn còn thì cha mẹ nên cho trẻ gặp gỡ một chuyên gia tâm lý hoặc một người nào mà trẻ kính trọng, tin tưởng nhất. Từ đó, trẻ sẽ giãi bày, thổ lộ những ấm ức, nỗi đau trong lòng để làm chủ các hành vi của mình tốt hơn. Nếu có điều kiện, gia đình hãy cho con tham gia các chuyến thiện nguyện, tham quan các khu vui chơi, gia nhập các lớp học về kỹ năng sống… Điều đó sẽ giúp trẻ thấy cuộc sống có nhiều thú vị cần khám phá từ đó sẽ kiểm soát tốt các hành vi tiêu cực của bản thân mà từ bỏ chứng “tắt mắt” không đáng có.

3. Trẻ lấy tiền quỹ nhóm hoặc quỹ lớp. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ có hành vi lấy tiền quỹ chung của nhóm hoặc của lớp, nhưng nguyên nhân đáng lưu tâm nhất xét ở góc độ tâm lý là đối với những đứa trẻ gặp những chuyện buồn trong gia đình. Chẳng hạn có sự xáo trộn với người thân, cha mẹ đánh nhau, ly hôn, hoặc quá bận rộn không ai quan tâm, chăm sóc, lắng nghe trẻ. Trẻ mất đi phương hướng và muốn làm điều gì đó trái với chuẩn mực đạo đức để gây sự chú ý của mọi người. Những đứa trẻ có tâm trạng như bị bỏ rơi, bầu không khí lạnh lùng vây quanh thôi thúc trẻ làm điều gì đó để thu hút sự chú ý của cha mẹ và xem cha mẹ sẽ ứng xử ra sao. Vì thế, dù đang rất bận rộn với những mối quan tâm của bản thân, nhưng cha mẹ cũng nên bớt chút thời gian tâm sự với con, khuyên con nên trả lại tiền. Phải hết sức bình tĩnh không được sỉ nhục con dưới mọi hình thức, tuyệt đối không dung túng cho trẻ với bất cứ lý do nào. Cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với thầy cô ở trường. Nếu con đã trót tiêu số tiền đó, hãy yêu cầu trẻ dùng số tiền tiết kiệm của mình để trả lại. Nếu trẻ không có tiền tiết kiệm, cha mẹ hãy trả lại giúp con và tạo cơ hội cho con làm những việc có ích để con nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của mình. Hãy đừng nhắc lại những hành vi chưa tốt của trẻ, tạo cơ hội cho con khắc phục những hạn chế của bản thân.

Lê Phm Phương Lan
(Ging viên tâm lý hc)