Thứ hai, 4/1/2016, 14h08

Ươm mầm sáng tạo

Nhiều đề tài tham gia vòng chung kết hội thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh phổ thông năm 2015 của TPHCM đã tạo sự ngạc nhiên bởi ý tưởng sáng tạo, gần gũi thực tế và tính ứng dụng cao.

Từ những ý tưởng độc đáo…

Là một trong những đề tài thể hiện ý tưởng sáng tạo độc đáo, gian hàng trưng bày máy quét cầm tay chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao do học sinh lớp 8 Trường TH-THCS-THPT Việt - Úc làm chủ đề đã thu hút khá đông học sinh phổ thông tham quan. Để cho ra sản phẩm này, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, Ngô Đức Huy và Võ Trần Công Nguyên đã dày công đầu tư, nghiên cứu về thực trạng gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao diễn ra tinh vi. Theo Ngô Đức Huy, sử dụng máy quét cầm tay này cùng với cổng quét bằng cảm biến từ trường, cảm biến hồng ngoại sẽ phát hiện thí sinh mang theo thiết bị để quay cóp bài. Máy quét này có thể phát hiện cả những thiết bị siêu nhỏ và ở chế độ không hoạt động. So với những thiết bị đang có trên thị trường như camera, máy quan sát… thì sản phẩm này có tính ứng dụng thực tiễn cao, góp phần phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng trong những kỳ thi quan trọng. Tuy kết quả còn hạn chế và phải đầu tư thêm giải pháp công nghệ cao, nhưng ý tưởng độc đáo và sự dấn thân cho đề tài đã giúp học sinh thu thập nhiều kiến thức, trải nghiệm đam mê nghiên cứu khoa học, vận dụng những điều đã học vào thực tế.
 

Đề tài “Xe lăn tích hợp, vượt địa hình lên xuống cầu thang ứng dụng hệ thống cân bằng động mới và bánh dạng xích” của học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong đoạt giải nhất

Tương tự, nhiều đề tài gần gũi với thực tế cũng được các “nhà khoa học trẻ” đầu tư công phu, sưu tầm tư liệu, nghiên cứu vật liệu và ứng dụng công nghệ mới để tạo ra những sản phẩm có giá trị sử dụng cao. Điển hình như chổi phát quang dành cho công nhân vệ sinh; kính tự làm sạch tòa nhà cao tầng; phao cứu sinh gọn nhẹ - thời trang đeo trên tay và đáp ứng mọi lứa tuổi… Tự tin với sản phẩm “Phao cứu sinh mini T&T”, Nguyễn Hoàng Bảo Trâm, Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (học sinh lớp 11D1, Trường THPT Trần Văn Giàu) giới thiệu: “Phao cứu sinh này được thiết kế như chiếc đồng hồ đeo tay, thích hợp khi đi du lịch ở môi trường nước. Khi gặp trường hợp khẩn cấp, người dùng chỉ cần vặn van để bơm khí nén vào phao. Phao sẽ bung ra và chúng ta có thể nổi trên mặt nước bằng cách sử dụng một hoặc hai tay giữ phao”.

Hòa vào niềm đam mê, trải nghiệm nghiên cứu khoa học, nhiều học sinh đã chọn những đề tài khó thuộc lĩnh vực y học, sinh học… Từ những chất liệu, nguyên liệu, dược liệu gần gũi với cuộc sống, các “nhà nghiên cứu trẻ” đã sáng chế ra nhiều sản phẩm, loại thuốc có thể chữa lành vết thương, chữa bệnh xương khớp… Là học sinh lớp 11 chuyên Sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trâm Anh và Thanh Tuấn đã bắt tay nghiên cứu “Ứng dụng máy học trong việc dự đoán nguy cơ mắc ung thư vú từ nhũ ảnh”. Để làm dự án này, ngoài nghiên cứu, tìm dữ liệu, hai em phải nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia khoa học, y khoa ở các Bệnh viện Ung bướu, ĐH Y Dược TPHCM.

Đến dự án mang tính nhân văn

Khởi động từ giữa tháng 6-2015, sân chơi nghiên cứu KHKT dành cho học sinh trung học TPHCM đã thu hút hàng trăm đề tài dự thi từ cấp trường. Ở cấp thành phố, có 450 đề tài được tuyển chọn và 41 đề tài xuất sắc nhất có nội dung mới lạ, ý tưởng sáng tạo cao đã vào đến chung cuộc

Bên cạnh những đề tài gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới…, học sinh còn đầu tư cho những dự án mang tính cộng đồng và thể hiện tính nhân văn cao khi hướng tới những sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật. Từ thực tế giao lưu với trẻ em bị khiếm thính và không hiểu những cử chỉ minh họa bằng tay của các em, hai học sinh Nguyễn Lê Hồng Hằng, Nguyễn Xuân Hoàng Thoa (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) đã chung ý tưởng thực hiện đề tài “Chuyển đổi thành ngôn ngữ thông thường thông qua nhận diện cử chỉ bàn tay”. Mục đích là nhằm đơn giản hóa giao tiếp, giữa người khiếm thính, khuyết tật về ngôn ngữ với người bình thường và giúp họ hòa nhập với xã hội. Đề án đã chuyển đổi thủ ngữ thành dòng văn bản hiện trên màn hình, đồng thời nhận dạng giọng nói, rồi xuất lại thành văn bản. Tính đến nay, chương trình đã nhận diện được 20 chữ cái, đồng thời phát triển thuật toán có thể theo dõi và phân tích chuyển động của đối tượng. Đề tài hướng tới mục tiêu xây dựng thư viện nhận diện cử chỉ bàn tay, với tính ứng dụng rộng rãi, giúp người khiếm thị dễ dàng giao tiếp với máy tính…

Tương tự, nhiều đề tài khác như “Xe lăn tích hợp, vượt địa hình lên xuống cầu thang ứng dụng hệ thống cân bằng động mới và bánh dạng xích”; “Phương pháp viết chữ bằng suy nghĩ”… cũng có ý nghĩa nhân văn, tính sử dụng cao. Trình bày ý tưởng thực hiện đề tài xe lăn tích hợp vượt địa hình lên xuống cầu thang, hai học sinh Phạm Thanh Trúc, Nguyễn Hoàng Ngân, lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết: “Tỷ lệ người già, người khuyết tật vận động ở Việt Nam chiếm tỷ lệ không nhỏ, nhưng cơ sở hạ tầng nước ta chưa phát triển thuận tiện cho họ. Ngoài đường sá gồ ghề, nhiều ổ gà, thì cầu thang bậc ở những tòa nhà cao tầng, bậc tam cấp nơi công cộng… chưa có lối đi riêng biệt dành cho xe lăn. Yêu cầu bức thiết là phải có phương tiện giúp người già, người khuyết tật vận động có thể di chuyển mà không cần sự hỗ trợ của người khác”. Điểm sáng của đề tài là hệ thống cân bằng động, tự động điều chỉnh để trọng tâm ghế luôn đặt trên bề mặt cầu thang, kết hợp với ưu điểm vượt trội của hệ thống bánh dạng xích cùng bộ giảm xóc. Điều mà chủ đề tài tâm đắc là các em đã nghiên cứu rất nhiều để xe lăn này có giá thành phù hợp với người Việt Nam và nếu thành công nó sẽ là món quà không phải xa xỉ với người khuyết tật. 

Theo thầy Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Giáo dục trung học Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi, cuộc thi năm nay đã lan tỏa rộng hơn năm trước và các đề tài ở vòng chung kết có tính ứng dụng cao, sử dụng được ngay, giá thành rẻ hơn so với thị trường. Ở sân chơi trải nghiệm này, học sinh được phát huy ý tưởng sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu KHKT và những hạt mầm này sẽ phát triển tốt hơn ở bậc học tiếp theo.

KHÁNH BÌNH/SGGP