Thứ năm, 18/1/2018, 20h46

Ưu tiên đào tạo nghề gắn với tuyển dụng

Năm 2018, TP.HCM tiếp tục thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các mô hình nông nghiệp, gồm: Kỹ thuật chăn nuôi bò sữa; trồng hoa lan, cây cảnh; trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; kỹ thuật nuôi thủy hải sản; chế biến hải sản khô… Ngoài ra, các mô hình đào tạo phi nông nghiệp cũng được chú trọng như các nghề trong 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, 9 nhóm ngành dịch vụ và 8 ngành tự do dịch chuyển trong Cộng đồng kinh tế ASEAN. Ông Lê Minh Tấn (Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) yêu cầu các đơn vị tham gia đào tạo nghề lao động nông thôn ưu tiên đào tạo nghề gắn với tuyển dụng các ngành may công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, kế toán, điều dưỡng… Đồng thời chú trọng các nghề giúp lao động nông thôn tự tạo việc làm như nghề thẩm mỹ, nấu ăn, sửa chữa xe máy, lái xe, điện dân dụng…

Được biết, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã trình UBND TP về kế hoạch phân bổ kinh phí năm 2018 và cả giai đoạn 2018-2020 cho 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của 4 huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Bình chánh và Hóc Môn với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng (riêng năm 2018 khoảng 25 tỷ đồng). Trước đó, sở này đã rà soát các cơ sở đào tạo nghề lao động nông thôn có đủ năng lực, phù hợp với nhu cầu, khả năng của người lao động và yêu cầu của doanh nghiệp. Theo đó, có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được các quận/huyện đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo; trong đó có 22 cơ sở công lập và 5 cơ sở là doanh nghiệp.

T.An