Thứ tư, 11/11/2015, 08h50

Vai trò của phụ huynh

Hình ảnh người cha chăm sóc con trong buổi lễ tri ân và trưởng thành tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM). Ảnh: A.K

Nhà trường, xã hội và gia đình là các yếu tố có những tác động đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Trong đó, yếu tố gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình xã hội hóa ban đầu của cá nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành phẩm chất, nhân cách gốc của đứa trẻ. Do vậy, trong công tác giáo dục luôn đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, mà ban đại diện cha mẹ học sinh là chiếc cầu nối...

Phụ huynh “quay lưng” với nhà trường

Nhiều giáo viên làm công tác chủ nhiệm ở trường phổ thông đã chia sẻ với chúng tôi nhiều câu chuyện không vui từ phía phụ huynh trong quan hệ với nhà trường để giáo dục học sinh. Một giáo viên lớp 10 ở một trường THPT tại quận Tân Bình (TP.HCM) buồn bã nói với chúng tôi: Có nhiều phụ huynh rất nhiệt tình, tuần nào cũng gọi điện cho tôi để hỏi han việc học của con họ. Nhưng cũng có nhiều người chẳng đoái hoài gì đến con mình. Mỗi lần họp phụ huynh là phải mời lần hai, lần ba mới chịu hợp tác với nhà trường. Nhiều phụ huynh suy nghĩ rằng con mình đã lớn, nên nó tự quyết mọi việc học hành của nó. Ngược lại, có những người không chịu cho con trưởng thành, nhất nhất cái gì cũng làm thay cho con. Nhiều giáo viên thường nói vui với nhau rằng không phải chỉ có học sinh “cá biệt” mà còn có cả những phụ huynh “cá biệt” nữa. Thực tế là có nhiều bậc cha mẹ “khoán trắng” việc học hành của con cho nhà trường. Cũng có nhiều phụ huynh quay lưng với nhà trường, thiếu hợp tác đúng mực, thường thể hiện sự bất đồng quan điểm với giáo viên, thậm chí còn lớn tiếng hăm he, hù dọa, tố cáo... Những biểu hiện ấy cho thấy rằng chiếc cầu nối giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh hiện nay còn một số chỗ chưa đồng nhịp, vẫn còn nhiều bất trắc... 

Nhiệm vụ cần kíp

Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của giáo dục THCS và THPT năm 2015 mà Bộ GD-ĐT ban hành, có một điểm chú ý về cách thức đánh giá học sinh. Theo đó, khi đánh giá để xếp loại người học, cần dựa vào nhiều yếu tố: Sự nhận xét, đánh giá của giáo viên; sự tự nhận xét và sự góp ý đánh giá lẫn nhau của học sinh; sự đánh giá của cộng đồng và cha mẹ học sinh.

Đây là yêu cầu mới mẻ. Nếu từ trước đến nay chỉ có giáo viên - nhà trường đánh giá người học, thì cách yêu cầu đánh giá này cần kíp, rất có ý nghĩa giáo dục. Bởi lẽ, một mặt, sẽ tránh được sự chủ quan, phiến diện, đơn phương của giáo viên trong việc đánh giá xếp loại đối với học sinh. Một mặt, nó đặt đối tượng người học trong sự ràng buộc, trong mối quan hệ đa dạng của quá trình học tập, trong cuộc sống, gia đình, xã hội. Và mặt khác, nó thể hiện sự cộng hưởng về trách nhiệm cộng đồng trong việc giáo dục thế hệ trẻ.

Một thực tế từ bấy lâu nay trong suy nghĩ chung của nhiều phụ huynh việc giáo dục học sinh là của nhà trường, của giáo viên, của ngành giáo dục. Và khi có những biểu hiện sai trái, hư hỏng của học sinh, thì thường quy lỗi cho giáo dục của nhà trường. Chứ ít người thấy được rằng, để làm nên một nhân cách con người, nhà trường chưa đủ mà cần sự chung tay của nhiều người. Trong đó có vai trò rất lớn từ phía gia đình.

Để mối quan hệ nhà trường - phụ huynh hiệu quả

Nhiều cuộc họp phụ huynh hiện nay chưa phát huy hết vai trò, tác dụng của mối quan hệ nhà trường và gia đình. Nó chủ yếu được triển khai một hướng từ giáo viên đến phụ huynh. Ít có phản hồi từ vai trò của phụ huynh trong việc giáo dục học sinh. Buồn nhất là nhiều cuộc họp không có một ý kiến nào của phụ huynh. Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, của lớp chủ yếu lo chuyện tài chính. Ít thấy trao đổi, bàn luận về việc giáo dục con cái. Nhiều ban đại diện hoạt động thủ tục, chiếu lệ... Rất ít chi hội lớp có sự quan tâm sâu sát đến từng hoàn cảnh về học tập, đạo đức của con em trong lớp mình. Vì thế, để nhiệm vụ mà Bộ GD-ĐT đề ra trở thành hiện thực, cần phải có sự tính toán, cân nhắc, cách làm cụ thể... Quan trọng nhất là cần có các quy định hợp lý, có sự vận động hợp tình để kéo gia đình, phụ huynh vào cuộc.

Trước mắt là “lột xác” nội dung, bản chất của các cuộc họp phụ huynh. Phải có yêu cầu cụ thể thêm vào nội dung các cuộc họp để phát huy vai trò của họ. Gợi mở cho họ bàn luận về phương pháp tự học của học sinh, cách quản lý việc học con em của họ ở nhà như thế nào? Cho họ có trách nhiệm trong việc đánh giá, xếp loại đạo đức con em mình... Làm sao để chiếc cầu nối giữa nhà trường và gia đình phát huy được hiệu quả giáo dục con trẻ.

Trần Ngọc Tuấn (Giáo viên THPT)

Ban đại diện hội cha mẹ học sinh của trường, của lớp chủ yếu lo chuyện tài chính. Ít thấy trao đổi, bàn luận về việc giáo dục con cái.