Thứ năm, 8/12/2016, 20h44

Văn chương thần tượng: Thị trường hay “hội chứng đám đông”?

Nhiều tác giả trẻ hiện nay là những gương mặt luôn có tác phẩm nằm ở xếp hạng sách bán chạy. Không ít độc giả tuổi teen xếp hàng rồng rắn trong các chương trình giao lưu ra mắt sách của họ, xem họ là thần tượng.

Độc giả Thục Phương, nhà văn Minh Nhật, TS. Quách Thu Nguyệt (từ trái sang phải) chia sẻ về chủ đề “Văn chương thần tượng”

Văn chương thần tượng tìm được thị trường?

Những cái tên như: Hamlet Trương, Anh Khang, Phan Ý Yên, Thanh Duy, Nguyễn Ngọc Thạch... không còn quá xa lạ với dòng văn học trẻ hiện nay. Họ là những gương mặt nhà văn trẻ nhiều năm liền có tác phẩm nằm ở top sách bán chạy. Tên của họ được độc giả chào đón trong những chương trình giao lưu, ra mắt sách không kém gì một ngôi sao showbiz. Trong một chương trình Book Talk diễn ra gần đây tại TP.HCM, chủ đề “Văn chương thần tượng” với ba vị khách mời diễn giả là TS. Quách Thu Nguyệt, nhà văn Minh Nhật và bạn đọc Thục Phương đã thu hút sự tham gia theo dõi của nhiều người. Điều này cho thấy sự quan tâm của không ít độc giả đối với nhiều dòng văn học trẻ hiện nay.

Có thể thấy trong chương trình giao lưu ở hội sách TP.HCM năm 2016, một số tác giả trẻ phải miệt mài “chạy show” trong các sự kiện do công ty sách và đơn vị phát hành tổ chức. Có hôm, nhà văn trẻ Anh Khang phải ở lại hội sách ký tặng sách cho khán giả đến gần 1 giờ sáng. Với lợi thế về khả năng âm nhạc và ngoại hình “soái ca” cùng những cuốn sách best seller, Hamlet Trương cũng nhận được tình cảm nồng nhiệt từ bạn đọc trẻ. Đây là nỗ lực của những người trẻ đa tài khi họ biết tận dụng hết những thế mạnh của mình để đến gần hơn với độc giả. Họ chăm chút, đầu tư cho ngoại hình mỗi khi xuất hiện trước đám đông. Điều này cũng góp phần không nhỏ để hình ảnh của họ đẹp hơn trong mắt độc giả. Theo TS. Quách Thu Nguyệt: “Hiện nay, văn chương thần tượng hình thành có thể từ việc độc giả yêu thích tác phẩm dẫn đến thần tượng tác giả, hoặc cũng có thể từ chỗ thần tượng tác giả khiến cho mọi thứ của tác giả ấy đều được yêu thích kể cả tác phẩm họ viết ra”.

Một thực tế không thể phủ nhận là trong các hội chợ sách mở ra tại TP.HCM và Hà Nội gần đây, sách của người viết trẻ được bạn đọc trẻ mến mộ, chào đón hơn cả một số nhà văn đã có tên tuổi lâu năm. Trước khi ra mắt một tác phẩm mới, fanpage của những tác giả “văn chương thần tượng” luôn duy trì được độ sức hút của mình bằng những tranh cãi trên các trang đó. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quyết định đến doanh thu của tác phẩm.

Ngày càng nhiều người trẻ tham gia vào “cuộc chơi” ra sách. Xu hướng của các cây bút trẻ lựa chọn hiện nay là tản văn, tự truyện và những câu chuyện tình lãng mạn, sướt mướt. Những cảm xúc và cuộc đời của cá nhân, sự chân thành và bối cảnh trong các tác phẩm ấy được nhiều người trẻ đón nhận vì họ cảm tìm thấy mình thấp thoáng trong mỗi trang sách. Nhà văn Minh Nhật cho biết: “Nhiều tác giả trẻ thường chọn viết tản văn vì ngắn gọn, đỡ mất thời gian theo dõi trong nhịp sống nhanh, sống gấp này. Tôi cũng bắt đầu quá trình viết văn của mình từ những câu chuyện ngắn, buồn thì viết buồn, vui thì viết vui...”. Một số cuốn sách nghiêng về tản văn đứng đầu trên các trang bán hàng online, được xếp vào dạng “best seller” tại các hiệu sách.

Đừng để là “hội chứng đám đông”

Theo TS. Quách Thu Nguyệt: “Hiện nay, văn chương thần tượng hình thành có thể từ việc độc giả yêu thích tác phẩm dẫn đến thần tượng tác giả, hoặc cũng có thể từ chỗ thần tượng tác giả khiến cho mọi thứ của tác giả ấy đều được yêu thích kể cả tác phẩm họ viết ra”.

Thị trường sách muôn hình vạn trạng, nhưng những giá trị đích thực thường nằm ở phần chìm. Bạn đọc Thục Phương chia sẻ: “Tôi có cảm giác không khác gì bị lừa khi mua một cuốn sách được nhiều bạn rủ rê. Khi đọc nửa chừng cuốn sách, tôi tự hỏi vì sao những cuốn sách như thế lại có thể được xuất bản”. Một số bạn đọc cũng có tâm lý bị “mắc lừa” như Thục Phương khi mua phải cuốn sách được tiếp thị tràn lan nên đã nói lời “chia tay” không hẹn ngày tái ngộ với những đầu sách của tác giả này. Chính sự tương tác dây chuyền theo tâm lý đám đông là cơ hội thuận lợi cho các tác giả trẻ tự giới thiệu, PR tác phẩm của mình trên mạng xã hội. “Nếu các tác giả trẻ cứ đi mãi trên con đường tản mạn, lấn sâu vào những nỗi buồn, nỗi cô đơn không lối thoát thì sẽ làm cái nhìn về cuộc sống bi quan hơn. Điều này thật khó để định vị vững chắc trong dòng chảy chung của văn học. Độc giả cũng đừng tung hô càng để ra những giá trị ảo tưởng”, Thục Phương cho biết thêm.

Theo TS. Quách Thu Nguyệt “Thời trẻ, tôi cũng từng mê đắm trong những trang tiểu thuyết sướt mướt, những tủ sách Hoa Tím nhưng tôi đâu có hư hỏng. Chúng ta hãy nhìn vào những khía cạnh tích cực của văn chương người trẻ viết cho người trẻ hiện nay. Về phía tác giả trẻ, sự đổi mới đề tài, khai thác vốn liếng của mình để có những trang viết hay, phù hợp với đời sống mới là vấn đề mấu chốt để duy trì con đường văn chương, kiểu như “đường dài mới biết ngựa hay”. Người viết trẻ tìm được thị trường là đáng khích lệ”.

Một điều tích cực là chính nhờ người trẻ viết cho người trẻ đọc và tạo ra hiện tượng phát hành, giải quyết “cơn khát” và duy trì độ “nóng” của thị trường sách hiện nay. Tuy nhiên, để định hình một xu hướng của văn học trẻ, để có thể lạc quan khi nhìn về văn chương hiện tại cũng không phải là điều đơn giản bởi cần phải có một độ lùi về thời gian, như cách nói trong dân gian thì “đường dài mới biết ngựa hay”...

Bài, ảnh: Thục Quyên