Thứ năm, 29/9/2016, 20h09

Vận chuyển cồng kềnh: Hại mình, hại người

Vừa qua chỉ trong 3 ngày, ở Hà Nội đã xảy ra 2 trường hợp tử vong do xe chở tôn gây ra. Tại TP.HCM, tình trạng vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng cồng kềnh, thiếu an toàn cũng diễn ra nhan nhản khiến người dân lo ngại mỗi khi lưu thông trên đường.

Phương tiện được sử dụng để vận chuyển vật liệu có thể là chiếc xe đạp - loại xe thô sơ nhất. Trong ảnh là một thanh niên vác trên vai phải những thanh nhôm dài, tay trái điều khiển xe đạp lưu thông từ hướng Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) ra ngã tư Hàng Xanh. Nhìn thấy cảnh tượng này, hầu hết những người lưu thông bên phải, bên trái và phía sau đều lập tức nhường đường để tự bảo vệ mình.

So với các khu vực khác, tuyến đường Lý Thường Kiệt (P.6, quận Tân Bình) là nơi có chợ đầu mối về hàng may mặc và tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Do đó, lượng hàng hóa được vận chuyển lúc nào cũng tấp nập. Mục sở thị ở đoạn đường đối diện Trường THCS Nguyễn Gia Thiều trong khoảng 15 phút vào chiều ngày 28-9, chúng tôi đã chứng kiến hơn 20 lượt phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải. Trong đó có nhiều trường hợp chỉ để hờ các kiện hàng có khổ lớn lên nhau mà không sử dụng dây chằng, hoặc chỉ dùng loại dây chằng rất nhỏ. 

Không nặng như kiện hàng quần áo, nhưng khi thấy cách người đàn ông này chở bao hàng cao quá đầu người, không một sợi dây ràng, một tay lái xe, một tay giữ kiện hàng là đã thấy khiếp. 

Không thua kém cách vận chuyển các loại hàng hóa khác, vật liệu xây dựng hoặc đồ trang trí nội thất trên tuyến đường này cũng được chuyên chở bằng đủ mọi cách. Chỉ cần nhìn thấy mấy sợi dây chằng bé tí cột sơ sài cuộn tôn mica trên chiếc xe máy thong dong trên đường là đã thấy ngán. Giả sử trong trường hợp dây bị đứt hay bị tuột, cuộn tôn mica bung ra thì không dám chắc là những người cùng lưu thông sẽ không bị ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, nguy hiểm nhất có lẽ là tình trạng chở các loại vật liệu sắc nhọn. Trong ảnh là người tài xế xe ba bánh chở một bó cây sắt dài, vừa hút thuốc lá vừa điều khiển xe lưu thông trên đường Lý Thường Kiệt hướng ra đường Bắc Hải với tốc độ nhanh, trong khi cả hai đầu bó sắt đều không được che chắn gì. 

Tương tự, trên đường Đất Thánh (cùng địa bàn phường) có diện tích mặt đường rất hẹp, ngoằn ngoèo, nhiều khúc cua gắt, nhưng người đàn ông này vẫn ung dung chở hai thanh sắt to, dài được cột dọc theo thân xe máy. Phía sau là xe ba gác được chất lên cả trăm thanh gỗ mà không có bất kỳ sợi dây ràng nào. 

Cũng trên tuyến đường này, do có một vài cửa hàng chuyên gia công, cắt tôn rất lớn nên việc vận chuyển cũng diễn ra thường xuyên. Có tài xế chở tôn bằng xe máy, để lộ đầu tôn sắc nhọn, cũng có người chở tôn bằng chiếc xe ba gác nhưng cẩn trọng hơn bằng cách che chắn cả hai đầu bằng loại giấy tương tự như vỏ bao xi măng.

Theo chuyên gia giao thông - tiến sĩ Phạm Sanh, tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Bằng chứng là trên đường đi làm chỉ khoảng 3km trên địa bàn quận Gò Vấp, ông đã gặp ít nhất 5 xe chở tôn và khoảng 10 chiếc chở vật dụng nhọn. Theo ông Sanh, việc che chắn tôn ở hai đầu bằng giấy, bao nilon hay carton đều không đủ an toàn. Hiện nay nhu cầu xây cất và sửa chữa trong đô thị rất nhiều, ở nước ta chưa có loại xe tải nhỏ chuyên dụng vận chuyển vật liệu, nên khi khách hàng có nhu cầu, thì cửa hàng thường thuê xe ôm, xe xích lô, xe ba gác để giao chở vật liệu. “Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố, với những lỗi thông thường thì phạt hành chính, nhưng khi gây ra chết người, trọng thương thì phải xử theo dân sự và hình sự. Do đó, để hạn chế tình trạng trên, từng địa phương phải có những văn bản hướng dẫn cụ thể về quy cách ràng buộc, bao bọc cho từng loại vật liệu sao cho an toàn, chuyên chở bằng loại phương tiện chuyên dụng, thậm chí quy định giờ giấc lưu thông cụ thể nhằm góp phần chấn chỉnh dần thực trạng trên, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”, tiến sĩ Phạm Sanh nói.

Bài, ảnh: Đinh Vũ