Thứ ba, 24/11/2015, 22h04

Vẫn còn gần 288.000 hộ dân chưa có nước sạch

Người dân khu phố 4, phường 12, quận Bình Thạnh (TP.HCM) ngày nào cũng mang can, xô chậu đi mua nước chủ yếu để nấu ăn. Ảnh: I.T

Ngày 24-11, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã có buổi làm việc với các sở, ngành, quận, huyện về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn TP. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 28 của HĐND TP đến ngày 31-12-2015, 100% hộ dân trên địa bàn TP phải được cung cấp nước sạch.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP, tính đến nay trên địa bàn TP vẫn còn 287.705  hộ dân chưa có nước sạch. Trong đó nhiều nhất là Củ Chi với 95.389 hộ, tiếp đến là Bình Chánh - 76.193 hộ, Hóc Môn - 61.939 hộ, Q.12 - 46.292 hộ... Để đảm bảo đến cuối năm 2015, những hộ dân này có nước sạch, Công ty Sawaco, Công ty SII và các quận, huyện có trách nhiệm gắn 128.752 đồng hồ nước tới từng hộ dân. Đồng thời gắn 395 đồng hồ tổng để cung cấp nước sạch cho 41.423 hộ. Bên cạnh đó xây dựng 24 trạm cung cấp nước cho 13.310 hộ; lắp đặt 1.139 bồn cung cấp nước cho 89.900 hộ và lắp đặt thiết bị lọc nước cho 14.320 hộ.

Với một khối lượng công việc khổng lồ như thế này nhưng thời gian để các sở, ngành và quận, huyện hoàn thành chỉ còn hơn 5 tuần. Điều đáng nói là mặc dù đã được phát hồ sơ đăng ký gắn đồng hồ nước nhưng vẫn còn tới 95.214 hộ chưa nộp lại. Trong đó tập trung chủ yếu ở Củ Chi - 50.646 hộ, Q.12 - 39.689 hộ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo: “Đối với những hộ dân đã nộp hồ sơ đăng ký gắn đồng hồ thì gắn cho dân. Với những hộ chưa nộp hồ sơ thì tiếp tục vận động, tuyên truyền để người dân đồng ý. Nếu người dân không muốn gắn đồng hồ lẻ thì gắn đồng hồ tổng, phải linh hoạt. Qua kiểm tra thực tế, tôi thấy có nhiều nơi làm khá máy móc. Có nơi bắt dân phải sử dụng nước máy để tưới cây, rửa chuồng bò. Dân họ kêu trời vì tiền đâu mà đóng tiền nước. Cũng có nơi người dân phải đi một quãng đường dài để tới trạm lấy nước. Họ nói mất thời gian quá, thà đào giếng còn hơn... Chính những cách làm, cách hiểu sai này đã dẫn đến phản ứng của người dân”.

Ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP - cho biết: Ở một số nơi như Củ Chi, Hóc Môn mặc dù bồn chứa nước đã lắp đặt xong nhưng số hộ dân sử dụng chỉ chiếm từ 9% đến 24% so với kế hoạch. Trong khi đó ở Bình Chánh, người dân tại 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B chỉ muốn sử dụng nước giếng khoan. Do ở đây chỉ cần khoan 20 mét là có nước và nước ở đây khi đem đi kiểm nghiệm 6 mẫu thì có 5 mẫu đạt. Từ thực tế này UBND H.Bình Chánh muốn giảm số lượng bồn nước cần lắp đặt vì nếu lắp trên 900 bồn như kế hoạch thì sẽ rất lãng phí.

Tuy vậy, đại diện UBND H.Bình Chánh cũng cho biết: “Khi vận động người dân lắp thiết bị lọc nước, họ nói miễn phí sẽ làm, còn đóng tiền thì không”.

Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định: “Giá mua thiết bị lọc nước gắn cho hộ dân, Nhà nước lo. Người dân chỉ phải trả 5.300 đồng/m3 nước sử dụng như người dân ở nội thành. Riêng các hộ gia đình nghèo thì có chính sách riêng, thậm chí có hộ không phải trả tiền...”.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh: “TP đã giải phóng được 40 năm nhưng chúng ta vẫn chưa lo được nước sạch cho tất cả người dân. Đây là một việc làm rất khó nhưng vẫn phải làm. Trong đó lãnh đạo quận, huyện phải biết và chịu trách nhiệm tới từng hộ dân chưa có nước sạch. Từ nay đến ngày 31-12, hạn cuối cùng để đảm bảo 100% hộ dân có nước sạch không còn nhiều, vì vậy các quận, huyện, sở, ngành và Công ty Sawaco, SII phải cố gắng hơn nữa để hoàn thành công việc được giao”.

Hòa Triều