Thứ ba, 20/3/2018, 20h28

Vận dụng kinh nghiệm quốc tế biên soạn SGK

Ngày 20-3, NXB Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội thảo sách giáo khoa (SGK) theo định hướng phát triển năng lực: Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các trường học thuộc 24 quận, huyện.

Tại đây, các chuyên gia đến từ Viện Bồi dưỡng giáo dục thuộc Trường ĐH Potsdam (Đức) và chuyên gia của ĐH Timepere (Phần Lan) đã nêu lên vấn đề khái niệm và bản chất của phát triển năng lực trong giáo dục; Quy trình biên soạn SGK phát triển năng lực; Mối quan hệ giữa SGK phát triển năng lực và các bài tập đặt ra cho HS trong quá trình dạy học; Cấu trúc của SGK với các vấn đề dung lượng, trình tự của các chương bài; các phương pháp dạy học, cách thức kiểm tra, đánh giá, ứng dụng CNTT trong SGK; kinh nghiệm chuyển đổi biên soạn SGK từ định hướng dạy học kiến thức sang định hướng phát triển năng lực.

Tại Phần Lan, SGK là sản phẩm của những công ty xuất bản tư nhân. Tuy sách không được kiểm soát bởi cơ quan chức năng nhưng GV phải tuân theo chương trình giảng dạy toàn quốc. Theo đó, GV và nhà trường được tự do chọn tư liệu giảng dạy. Quy trình xuất bản bắt đầu từ đội ngũ tác giả là những GV có bề dày kinh nghiệm sư phạm, trực tiếp giảng dạy tại trường THPT hoặc những viện sĩ thông qua xem xét, phân tích chương trình giáo dục quốc gia và đặt ra những nguyên tắc, mục tiêu cho bộ sách. Khi bản thảo hoàn thành sẽ gửi đến nhóm GV, HS, chuyên gia, viện sĩ... góp ý đưa ra phản hồi để chỉnh sửa, hoàn chỉnh và xuất bản.

Đại diện của ĐH Timepere (Phần Lan), cho rằng đối với nguyên tắc về cấu trúc SGK, việc phân bổ giờ học được quyết định bởi chính quyền. Trình tự chương được sắp xếp theo độ tuổi và dựa trên cơ sở sư phạm như ưu tiên đề tài gần gũi với đời sống của HS, tiếp theo là những đề tài mang tính khái niệm nhiều hơn... Đặc biệt, để đạt được mục tiêu chương trình giáo dục, các tác giả biên soạn nhấn mạnh vào khả năng hiểu biết chứ không phải chỉ là kiến thức.

Theo đại diện NXB Giáo dục Việt Nam, hội thảo diễn ra nhằm mở rộng, nâng cao hiểu biết về cơ sở lí luận của việc phát triển SGK theo định hướng phát triển năng lực và các cách tiếp cận hiện đại về lí luận dạy học. Qua đó xây dựng các tiêu chí làm cơ sở cho việc soạn thảo, đánh giá sách SGK các môn học phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Và vận dụng các lí thuyết, kinh nghiệm quốc tế trong việc biên soạn SGK đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngc Trinh