Thứ năm, 29/9/2016, 20h16

Văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định: Dấu ấn tự hào!

Văn học nghệ thuật (VHNT) yêu nước, cách mạng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là một bộ phận trong dòng chảy của VHNT Việt Nam. Qua năm tháng, VHNT của giai đoạn này vẫn còn nguyên những giá trị ý nghĩa, mang tầm vóc lớn.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Sức sống bền vững

Ngày 28-9, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Hội đồng lý luận phê bình VHNT TP phối hợp với Liên hiệp Các hội VHNT TP đã tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của VHNT và văn nghệ sĩ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước”. Hội thảo kỷ niệm 40 năm TP Sài Gòn - Gia Định vinh dự chính thức được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2-7-1976/ 2-7-2016).

Hội thảo cũng nhằm hướng tới đánh giá tương đối đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về những đóng góp của văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đối với công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó cũng là sự ghi nhận những nỗ lực, tinh thần bất khuất, ngoan cường, sự hy sinh xương máu của các thế hệ văn nghệ sĩ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến cứu nước. Bên cạnh đó, việc tôn vinh những giá trị cao đẹp của văn học, nghệ thuật yêu nước, cách mạng của Sài Gòn trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc, chống văn hóa nô dịch của thực dân, đế quốc góp phần vào sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là điều hết sức cần thiết.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã chia sẻ, phân tích, làm rõ về tính chiến đấu, giá trị tư tưởng và tác động xã hội của dòng văn học, nghệ thuật yêu nước, cách mạng, các tác phẩm tiêu biểu, có tác động lớn trong dư luận xã hội tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trước 30-4-1975. Trong bài tham luận của mình, GS.TS Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW khẳng định: “VHNT yêu nước cách mạng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã đi cùng cuộc kháng chiến của cả dân tộc không chỉ trong chiến tranh mà cho đến hôm nay. Sức sống của nó là bền vững, trở thành tài sản quý báu của dân tộc ta - không chỉ hôm nay mà cả mai sau”.

GS.TS Đinh Xuân Dũng trình bày tham luận tại hội thảo
GS.TS Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW khẳng định: “VHNT yêu nước cách mạng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã đi cùng cuộc kháng chiến của cả dân tộc không chỉ trong chiến tranh mà cho đến hôm nay. Sức sống của nó là bền vững, trở thành tài sản quý báu của dân tộc ta - không chỉ hôm nay mà cả mai sau”.

Các đại biểu đã thống nhất rằng VHNT yêu nước, cách mạng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là một bộ phận trong dòng chảy của VHNT Việt Nam nhưng đó là một “nhánh” thể hiện sự tập trung, cô đọng nhất khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. “Những năm tháng ấy, đâu đâu cũng có đờn ca, hát hò, múa kịch, cải lương đờn ca tài tử trong những buổi lao động hay sinh hoạt bình thường. Báo chí, xuất bản là kênh truyền thông phổ biến nhất từ những truyện ngắn, bài thơ... trên báo chí hàng ngày... in đậm ảnh hưởng kháng chiến”, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM kể lại. Tất cả đã trở thành một hành trang tinh thần vững chắc, tiếp sức cho toàn Đảng, toàn dân.

Trân trọng đi đôi với bảo tồn

Ở mỗi lĩnh vực cụ thể như văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc… đều có đóng góp, thành tựu, những giá trị to lớn mà các văn nghệ sĩ - chiến sĩ đã làm được ngày đó vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay. Hơn 70 nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình, giảng viên đại học, nhà báo, tác giả… tham gia viết bài tham luận cho hội thảo đã một lần nữa khẳng định điều này. Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng bày tỏ niềm trăn trở, băn khoăn trước thực trạng VHNT hiện nay. “Khi bom đạn kết thúc, cuộc chiến vẫn tiếp diễn một cách tinh vi và thâm độc hơn bằng vũ khí văn hóa. Chúng ta phải luôn nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy là “phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, “Dân ta phải biết sử ta” để chống lại sự xâm nhập của văn hóa ngoại bang đang tấn công giới trẻ hết sức báo động hiện nay”, nhà văn Vũ Hạnh cho biết.

Từ kết quả hội thảo, công trình tổng hợp các tư liệu, bài nghiên cứu, bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình, các văn nghệ sĩ, nhà báo và các tư liệu có giá trị sẽ được xuất bản để phục vụ mục đích lưu trữ, nghiên cứu, học tập. Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP nhấn mạnh: “Hội thảo có vai trò xốc lại đội ngũ văn nghệ sĩ TP bước vào thời kỳ mới, đóng góp cho sự phát triển chung của TP.HCM hôm nay và mai sau”.

Trân trọng đi đôi với các giải pháp bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của các tác phẩm VHNT yêu nước, cách mạng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Trách nhiệm đó đặt lên vai những văn nghệ sĩ TP hiện nay để xứng đáng với truyền thống của dân tộc, để xây dựng, bảo vệ, phát triển TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Bài, ảnh: Thục Quyên