Thứ hai, 13/12/2010, 16h12

Văn học trong nhà trường: Đến lầu Hoàng Hạc hiểu bài Hoàng Hạc lâu

Lầu Hoàng Hạc - nơi hơn 1.500 năm trước bài thơ Hoàng Hạc lâu ra đời

Trên tàu liên vận quốc tế từ Hà Nội đến Bắc Kinh, khi đến thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) nhìn qua cửa sổ đã thấy thấp thoáng bóng dáng danh thắng lịch sử, văn hóa và trọng điểm du lịch nổi tiếng lầu Hoàng Hạc cùng với lầu Nhạc Dương (tỉnh Hồ Nam) và lầu Đằng Vương (tỉnh Giang Tây). Nơi này, nhà thơ Đường Thôi Hiệu đã “tức cảnh sinh tình” họa lên bài thơ Hoàng Hạc lâu trải qua hàng ngàn năm bài thơ này vẫn “bất tử” và hiện được đưa vào giảng dạy trong chương trình lớp 10 phổ thông ở Việt Nam.
1. Đứng trên lầu Hoàng Hạc nhìn xuống dòng sông Trường Giang mênh mông nước cuộn và cầu Trường Giang hùng vĩ vươn mình vắt ngang dòng sông Dương Tử. Toàn bộ thành phố công nghiệp Vũ Hán gồm ba thành phố là Vũ Xương, Hán Khẩu và Hán Dương với hàng loạt căn nhà chọc trời, người và xe tấp nập, hối hả không còn dấu vết gì về cảnh thời buổi xa xưa của lầu Hoàng Hạc với mây trắng nhởn nhơ bay, chiếc lầu trống trên bãi đất vắng sông trôi. Ngày nay lầu Hoàng Hạc là một thắng cảnh du lịch thu hút rất nhiều du khách đến từ mọi miền và người nước ngoài đến đây cũng rất đông, nhất là người Hoa ở hải ngoại, người Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan... Du khách nườm nượp đổ về lầu Hoàng Hạc, từng bước leo lên lầu cao, ngắm nhìn những công trình nghệ thuật đặc sắc của lầu Hoàng Hạc, tận mắt đọc bài thơ Hoàng Hạc lâu nổi danh của thi hào Thôi Hiệu (?-754) từ xưa được vua cho khắc ở mặt tiền của cửa lầu. Đã hơn 1.700 năm nhưng lầu Hoàng Hạc vẫn còn giữ được vẻ cổ kính, trang nghiêm và dáng vẻ thanh thoát lạ kì của nó. Ngoài tòa lầu chính (tức lầu Hoàng Hạc) còn có hai lầu phụ ở hai bên, thấp hơn (chỉ có hai tầng) và một nhà nghỉ. Toàn bộ lầu là một quần thể kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống Trung Hoa.
2. Lầu Hoàng Hạc được xây năm Ngô Hoàng Vũ thứ 2 (tức năm 223) thời Tam Quốc, trên núi Rắn (xưa là Hạc sơn hay Xà sơn) bên đầu cầu bờ Bắc của sông Trường Giang - thời xưa ở phía tây nam huyện Vũ Xương. Lúc đầu lầu Hoàng Hạc được xây với mục đích là vọng gác quân sự. Năm 625 nhà Đường xây dựng lầu Hoàng Hạc trên nền di chí thời Tam Quốc với mục đích văn hóa. Sở dĩ có tên lầu Hoàng Hạc vì tương truyền thời xưa có một tiên nhân tên là Tạ An đã từng cưỡi chim hạc qua đây và Phí Văn Vi lên tiên cưỡi chim hạc từ lầu này nên đặt tên là lầu Hoàng Hạc. Truyền thuyết cổ đại nói rằng thời xưa có người tên là Tân Gia bán rượu trên núi Hoàng Hạc, có người đạo sĩ tới uống rượu nhưng Tân Gia không lấy tiền, trước khi ra về đạo sĩ liền lấy vỏ quýt vẽ lên tường hình con chim hạc, khách hàng lập tức vỗ tay nhảy múa. Từ đó cửa hàng rượu của Tân Gia ngày càng đông khách, buôn bán rất đắt hàng. Hơn 10 năm sau đạo sĩ lại đến nơi này thổi sáo ngọc cỡi hạc du tiên. Tân Gia xây lầu Hoàng Hạc tại nơi này để kỉ niệm.
3. Có đến lầu Hoàng Hạc, tận mắt nhìn cảnh vật và con người chiêm ngưỡng nó hôm nay mới hiểu thấu và nhận thức về sự thâm thúy bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu. Sự tích tiên nhân Tử An cỡi hạc ghé qua lầu Hoàng Hạc được ghi chép trong Tề hài chí. Truyền thuyết Phí Văn Vi lên tiên cỡi hạc tại lầu Hoàng Hạc ghi chép trong sách Thái bình hoàn vũ ký. Lầu Hoàng Hạc sở dĩ có tên như vậy vì lầu xây trên núi Hoàng Hạc (sau đổi tên là núi Xà sơn – núi Rắn) thuộc huyện Vũ Xương (nay là thành phố Vũ Xương thuộc Vũ Hán). Câu thơ “Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ” nghĩa là “con sông sau cơn mưa tạnh ráo nhìn thấy rõ cây cối bên bờ Hán Dương” thì “Tình xuyên” ngày nay là gác Tình Xuyên (Tình Xuyên các) bên này sông mà bên kia là lầu Hoàng Hạc. Hán Đường là tên đất ở phía đông cách Vũ Xương bằng sông Trường Giang, phía bắc cách thị trấn Hán Khẩu (nay là thành phố Hán Khẩu) bằng sông Hán Thủy (nay là thành phố Hán Dương). Bãi Anh Vũ nằm giữa sông Trường Giang về phía tây nam thành phố Vũ Hán. Cuối thời Đông Hán và đầu thời Tam Quốc Hoàng Tố làm thái thú ở miền Giang Hạ, con trưởng của ông ta tên là Xa mở tiệc trên bãi sông này, mời thuộc hạ và danh sĩ cùng dự, trong đó có Nể Hành mà Nể Hành là muôn hạ của Tào Tháo có tài biện luận, tính khí lại ương ngang, Tào Tháo ghét nên mới đày ông ta ra Giang Hạ. Giữa tiệc có người dâng chim anh vũ (con vẹt) nên từ đó bãi sông này có tên là bãi sông Anh Vũ.
Lầu Hoàng Hạc là một danh thắng “thiên hạ giang sơn đệ nhất lầu” tuyệt hảo thì bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu được coi là “vi đệ nhất” (bài thơ số 1) của thơ thất ngôn luật thi đời Đường (lời Nghiêm Vũ - đời Tống). Bài thơ thất ngôn luật thi chỉ có 56 chữ mà có đầy đủ “tình” và “cảnh” miêu tả theo thủ pháp “tức cảnh sinh tình”, có đầy đủ các yếu tố con người, truyền thuyết, không gian, thời gian và địa danh (bốn đại danh). Con người có người xưa (cố nhân) và người nay (nhân sầu).
Cảnh trong bài thơ Hoàng Hạc lâu rất đầy đủ có bầu trời, mây trắng, đất trống, lầu trơ, con sông sau cơn mưa tạnh ráo, cây xanh, cỏ non, khói và sóng, rồi cảnh hoàng hôn trời chiều và nổi bật là nỗi trăn trở, khắc khoải về quê hương (hương quan). Cảnh ở đây là cảnh của nơi đất khách chứ chẳng phải là cảnh của quê hương mình và lầu Hoàng Hạc cũng chẳng là của quê hương.
Cảnh đẹp và bài thơ Hoàng Hạc lâu hay đến nỗi nhà thơ lừng danh Lý Bạch có lần đến thăm chơi lầu Hoàng Hạc đành gác bút mà than rằng: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thương đầu” (Trước mắt mình có cảnh đẹp mà không diễn tả được, vì có thơ Thôi Hiệu để trên đầu).
4. Đến viếng lầu Hoàng Hạc hôm nay chúng tôi nhớ lại thời xưa các thi nhân Việt Nam mặc dù muôn trùng xa xôi, cách trở nhưng cũng đã đặt chân đến lầu Hoàng Hạc khi mỗi lần đi sứ. Nhà thơ Phạm Sư Mạnh đã làm thơ nói đến bãi Anh Vũ, lầu Hoàng Hạc. Phan Huy Tích có bài thơ nói về lầu Hoàng Hạc. Ngô Thời Nhậm khi đến Yên Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay) đã làm bài thơ Chu trung vọng Hoàng Hạc lâu (Trong thuyền ngắm lầu Hoàng Hạc) và khi trở về lại làm bài Đăng lầu Hoàng Hạc (Lên lầu Hoàng Hạc). Năm 1813 đại thi hào Nguyễn Du đi sứ sang Trung Quốc và cũng ghé thăm cảnh đẹp lầu Hoàng Hạc và ông đã làm bài thơ Hoàng Hạc lâu “phỏng” theo bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu. Bài thơ của Nguyễn Du làm bằng chữ Hán theo thể thơ Đường luật bát cú. Nhà thơ mới của Việt Nam 30-45 Vũ Hoàng Chương cũng đã làm bài Hoàng Hạc lâu để “phản biện” lại hai bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu và Nguyễn Du.
PGS. Hồ Sĩ Hiệp