Thứ tư, 2/5/2012, 10h05

Văn học trong nhà trường

Chữ “sàng” trong bài Tĩnh dạ tư của Lý Bạch

Trong chương trình ngữ văn THCS, bài thơ Tĩnh dạ tư còn vài điểm mà các nhà nghiên cứu cần phải làm rõ (ảnh minh họa). Ảnh: N.Quang

Trong chương trình ngữ văn THCS có giảng hai bài thơ Đường ngắn của Lý Bạch (701-762) là bài Vọng Lư sơn bộc bố Tĩnh dạ tư. Bài Vọng Lư sơn bộc bố đơn giản, dễ hiểu ai nấy đều thống nhất. Riêng bài Tĩnh dạ tư tuy ngắn nhưng ở Việt Nam có vài điểm còn phân vân là đầu đề bài thơ nên đọc là Tĩnh dạ tứ hay Tĩnh dạ tư? Từ “tư” có 3 nghĩa là “suy nghĩ, nhớ nhung và ý tứ”.
Ở đây phải đọc là Tĩnh dạ tư (Tưởng nhớ trong đêm yên tĩnh). Sách giáo khoa dịch là Cảm nghĩ trong đêm yên tĩnh tuy chưa sát nhưng cũng được. Vì vậy không đọc là Tĩnh dạ tứ. Ở Trung Quốc bài thơ này rất nổi tiếng, từ trước đến nay trong các sách Đường thi nhất bách thủ, Đường thi tam bách thủ hay Thiên gia thi đều có bài Tĩnh dạ tư của Lý Bạch và được coi là “vô ý vô công vô bất công” (không khéo mà không phải không khéo) hay “xảo tuyệt cố kim” (tuyệt diệu xưa nay) như lời Hồ Ứng Lân đời Minh đã nói.
1. Tuy là một bài thơ ngắn chỉ 4 câu nhưng ở Trung Quốc hiểu tường tận bài thơ này vẫn có những ý kiến chưa thống nhất. Trước hết về thời gian sáng tác bài thơ này các sách đều ghi là “không xác định” chỉ biết Lý Bạch ban ngày đi chơi, ban đêm ngủ nhìn trăng sáng rồi nhớ quê hương như tứ một câu thơ của Đỗ Phủ “nguyệt thị cố hương mình” (trăng là ánh sáng của quê hương) hay “vọng nguyệt tư hương” (ngắm trăng nhớ quê). Nguyên văn bài thơ bằng chữ Hán như sau: Sàng tiền minh nguyệt quang/ Nghi thị địa thượng sương/ Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương. Dịch thơ: Đầu giường ánh trăng rọi/ Ngỡ mặt đất phủ sương/ Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương (Tương Như dịch).
Mặc dù câu thơ đầu của bài thơ các bản thơ Đường đều chép là “Sàng tiền minh nguyệt quang” nhưng có người cho rằng không phải “minh nguyệt quang” (ánh trăng sáng) mà là “sơn nguyệt quang” (trăng sáng trên núi) vì dựa vào bài thơ Quan sơn nguyệt (Trăng nơi cửa ải) của Lý Bạch mà suy đoán như vậy. Riêng chữ “sàng” (giường) có nhiều ý kiến tranh luận rất khác nhau. Cuộc tranh luận bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước trên những tạp chí ngữ văn.
Dưới đầu đề “ý kiến nhỏ về chữ “sàng” đăng trên tạp chí Ngữ Văn Nguyệt San số tháng 11-1984, tác giả đã giải thích chữ “sàng” trong bài Tĩnh dạ tư của Lý Bạch không phải là “giường nằm” mà là “đắng” có nghĩa là “ghế ngồi” (ghế không có tựa). Sở dĩ tác giả bài báo giải thích từ “sàng” là “ghế ngồi” vì trong Từ thư giải thích chữ “sàng” là “tọa cụ” (vật dụng để ngồi). Vì vậy câu thơ “Sàng tiền minh nguyệt quang, nghi thị địa thượng sương” có nghĩa là “trước ghế ánh trăng rọi, ngỡ mặt đất phủ sương” chứ không thể hiểu là “đầu giường ánh trăng rọi, ngỡ mặt đất phủ sương”. Nếu như chữ “sàng” mà hiểu là giường Lý Bạch nằm ngủ thì ông không thể tỉnh dậy để “ngẩng đầu” (cử đầu) và “cúi đầu” (đê đầu). Trong bài “Sàng” trong câu “Sàng tiều minh nguyệt quangcuối cùng là “vật gì”? đăng trong tạp chí Học Tập Ngữ Văn số tháng 2-1994, tác giả bài viết cho rằng: “Sàng” là một loại “ghế ngồi” vì cùng dựa vào Từ thư giải thích. Tác giả lý luận “nó là một loại ghế sau đời Hán từ Tây vực truyền nhập vào thường gọi là “Hồ sàng”. Hồ là một ngoại tộc của Trung Quốc thời xưa vùng phía Tây. “Hồ sàng” là “ghế của người Hồ”. Loại ghế người Hồ thường dùng này đến thời nhà Nguyên thì phổ biến rộng rãi, đến thời kỳ lịch sử hòa nhập lớn như đời nhà Đường thì được sử dụng nhiều. Trong bài Giải thích chữ “sàng” đăng trên tạp chí Tri Thức Ngữ Văn số tháng 1 năm 1997 tác giả cho rằng: “Lấy chữ “sàng” trong thơ coi là chữ  chỉ “chiếc giường nằm ngủ” thì “thật là một sai lầm lớn”. Tác giả cho rằng nếu như nằm trên giường thì làm thế nào nhìn thấy ánh trăng sáng trên mặt đất rồi sau đó “ngẩng đầu” và “cúi đầu”. Cuối cùng tác giả cho rằng chữ “sàng” nên giải thích là “tỉnh sàng” là một loại “giường giếng”. Loại “tỉnh sàng” thường gọi là “lô lộc sàng” (loại giường lộc cộc)… Ngày nay ở nông thôn vùng Lỗ Bắc, Đại Nam (Trung Quốc) vẫn còn dùng loại giường thô sơ này.
2. Quan điểm của các tác giả trên đây đều dựa vào chữ “sàng” có 3 ý nghĩa: Đó là chỉ “giường” nằm (ngọa cụ), “ghế” ngồi (tọa cụ) và “lan can giếng” (Tỉnh lan). Vì vậy chữ “sàng” trong bài thơ Tĩnh dạ tư của Lý Bạch chỉ còn lại hai nghĩa mà nhiều người thống nhất, đó là “giường” nằm (ngọa cụ) hay “ghế” ngồi (tọa cụ). Giữa “giường” nằm hay “ghế” ngồi thì đa số ý kiến vẫn cho rằng chữ “sàng” mà Lý Bạch dùng trong bài Tĩnh dạ tư là chữ “giường” nằm và đương nhiên Lý Bạch nằm trên giường để “ngẩng đầu” và “cúi đầu” thì cũng khó khăn, do đó cách lý giải này cũng không thỏa đáng. Vì vậy giải thích nghĩa của chữ “sàng” là vật dùng để nằm là sai. Một tác giả khác cho rằng động tác “ngẩng đầu” và “cúi đầu” không liên quan gì đến “giường nằm” (ngọa cụ), “ghế ngồi” (tọa cụ) và “lan can giếng” (tỉnh lan).
Nếu giải thích “sàng” là giường nằm thì thiếu ý vị, vì lúc đó Lý Bạch đang ngủ và không liên tưởng gì đến trăng sáng, sương rơi trên mặt đất. Nếu giải thích “sàng” là ghế ngồi thì lúc đó Lý Bạch chưa nằm có thể là đang đứng trong nhà hay đi lại và cũng có thể ngồi trên ghế tựa mà “tức cảnh sinh tình” ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương”. Nếu như tưởng tượng Lý Bạch nằm ngủ trên giường thì cũng có thể lúc đó ông không chợp mắt và đi ra ngoài. Như vậy “ngẩng đầu” và “cúi đầu” là một biểu hiện tâm tư tự nhiên. Ở đây cần lưu ý đến yếu tố không gian và thời gian trong bài thơ. Liên hệ với bài Tuyệt cú của Đỗ Phủ để hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nguyên văn bài Tuyệt cú của Đỗ Phủ như sau: Lưỡng cá hoàng mi minh thúy liễu/ Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên/ Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết/ Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền. Dịch thơ: Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc/ Một hàng cò trắng vút trời xanh/ Nghìn năm tuyết núi song in sắc/ Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình. (Tản Đà)
Để miêu tả không gian, thời gian Đỗ Phủ nói đến “môn” (cửa), “bạc” (đậu) và “thuyền” (con thuyền). Trở lại bài thơ Tĩnh dạ tư của Lý Bạch cũng có mối liên hệ do không gian và thời gian như thế, đó là trăng sáng và sương rọi trên mặt đất.
3. Cho dù “sàng” giải thích nghĩa của nó là “giường”, “ghế”, “lan can giếng” và Lý Bạch đi, đứng, ngồi, nằm thì vẫn không có liên quan gì đến động tác “ngẩng đầu” và “cúi đầu” để “nhớ cố hương”. Vì vậy, ý kiến tranh luận về chữ “sàng” trong bài Tĩnh dạ tư của Lý Bạch được tạm chấp nhận là “sàng” mà tác giả đặt bút xuống viết có nghĩa là “giường” nằm (ngọa cụ) với tư thế “nằm” rồi bất chợt nhìn lên thấy trăng sáng, cúi xuống thì thấy sương rơi trên mặt đất, để rồi “nhớ cố hương” (tư cố hương). Chữ “tư” (nhớ) ở câu cuối bài càng khẳng định đầu đề của bài Tĩnh dạ tư và đọc như thế là đúng. “Ý tại ngôn ngoại” của thơ Đường là vậy, dễ và khó cả ý lẫn lời. Mặc dù các nhà nghiên cứu Trung Quốc tranh luận như thế nhưng xét về nội dung và hình thức bài Tĩnh dạ tư của Lý Bạch trong sách giáo khoa từ trước đến nay người dạy và người học hiểu như thế là đúng. Bài thơ mặc dù tác giả, cảnh và người là Trung Quốc nhưng nó được người dạy, học trong nhà trường phổ thông Việt Nam cảm nhận sâu sắc, có tác dụng trong việc giáo dục tình cảm yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước trong mỗi người Việt Nam.
PGS. Hồ Sĩ Hiệp