Thứ năm, 26/11/2015, 21h09

Vẫn nên tiếp tục kỳ thi THPT quốc gia

Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Trung học Bộ GD-ĐT trao đổi với các đại biểu tại hội nghị

Tại Hội thảo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016 do Vùng VII (5 thành phố trực thuộc Trung ương) được tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), đại diện các sở GD-ĐT đều thống nhất việc tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia như năm 2015 nhằm giảm tải những áp lực về thi cử, thời gian và tiền bạc cho cả thí sinh (TS) và phụ huynh.

Tuy nhiên, để kỳ thi THPT quốc gia 2016 diễn ra được thuận lợi, Bộ GD-ĐT cần phải tính toán, cải tiến nhiều vấn đề để tạo điều kiện tốt nhất cho cả TS lẫn đơn vị tổ chức.

Chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu vào CĐ, TCCN

Ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Hà Nội - đánh giá: Dù kỳ thi được lãnh đạo bộ đánh giá là thành công, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề gây khó khăn cho đơn vị tổ chức cụm thi. Cụ thể là cơ sở hạ tầng về CNTT còn yếu nên trong quá trình triển khai còn nhiều bất cập, tắc nghẽn, không tải được dữ liệu. Việc bộ cho phép bổ sung đăng ký dự thi quá nhiều đợt, thậm chí đến gần sát ngày thi vẫn được bổ sung gây khó khăn cho nhiều sở GD-ĐT và các trường ĐH, đồng thời tạo thói quen tùy tiện cho các HS. Ở khâu đăng ký xét tuyển, việc thay đổi nguyện vọng ở những ngày cuối đã gây áp lực cho cả TS lẫn phụ huynh, gây bức xúc dư luận.

Bàn về vấn đề xét tuyển, ông Nguyễn Văn Từ - Trưởng phòng GDTX, chuyên nghiệp và ĐH Cần Thơ - cho rằng, bộ cần tổ chức một đợt khảo sát xem có bao nhiêu TS trúng tuyển ĐH kỳ thi THPT quốc gia 2015 đúng với nguyện vọng của mình. Vấn đề xét tuyển ĐH bằng học bạ cũng cần phải xem xét lại vì điều này gây rất nhiều khó khăn cho các trường CĐ, TCCN, trường nghề khi tuyển sinh. “Tính đến ngày kết thúc xét tuyển 30-10, nhiều trường trung cấp, CĐ tại Cần Thơ chưa đạt được 50% học viên so với chỉ tiêu đăng ký. Trong khi đó, rất nhiều em khác chạy nháo nhào chỉ để vào được cánh cửa ĐH, gây lãng phí và ảnh hưởng đến việc đào tạo nhân lực của từng vùng”. Ngoài ra, đại diện thành phố này cũng đề nghị bộ nên xem xét cự ly di chuyển của các TS ở những tỉnh có địa giới gần nhau để các em thuận tiện trong việc di chuyển. Thay vì phải đi hàm trăm kilômét để tới cụm thi địa phương, các em có thể đăng ký dự thi ở cụm thi địa phương thuộc tỉnh khác nhưng có địa điểm thi gần chỗ mình ở.

Nên tổ chức kỳ thi sớm hơn

Tại buổi hội thảo, đại diện Sở GD-ĐT 5 thành phố cũng cho rằng, bộ cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế thi để cơ sở chủ động trong hướng dẫn TS làm thủ tục đăng ký dự thi. Việc tổ chức kỳ thi vào tháng 7 khiến công tác tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ gấp gáp, gặp nhiều khó khăn vì các đợt xét tuyển kéo dài, còn TS thì mệt mỏi vì thời gian ôn thi quá dài. Ông Hồ Phú Bạc - Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT TP.HCM - cho rằng thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia cần được điều chỉnh, ngày thi nên được tổ chức vào đầu tháng 6 và cần phải làm tốt công tác truyền thông để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, kịp thời chủ trương chính sách của bộ về kỳ thi tới TS, phụ huynh và xã hội.

Mặt khác, ông Thái Quang Bình - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng) - cũng kiến nghị bộ nên cho TS đăng ký trước môn thi xét tuyển ĐH. “Việc không đăng ký trước các môn tham gia xét tuyển dẫn đến TS thi quá nhiều môn khiến chất lượng môn thi không cao và dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong chọn ban xét tuyển ĐH, CĐ sau kỳ thi. Và để hạn chế trường hợp TS đăng ký quá nhiều môn (có em thi tới 7 môn nhưng khi nộp hồ sơ xét tuyển ĐH chỉ được nộp một, hai tổ hợp môn, dẫn đến thừa các môn còn lại), bộ nên dựa vào tổ hợp các môn xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ để nghiên cứu sắp xếp lại lịch thi phù hợp, có thể thi 3 môn/2 buổi nhằm giảm áp lực cho TS”, ông Bình đề xuất.

Bài, ảnh: Ngọc Anh