Thứ ba, 27/9/2016, 22h09

Văn sáo rỗng

Trước hết, cần khẳng định lỗi viết “sáo rỗng” này không phải của thầy cô, của học sinh mà lỗi thuộc về cuốn sách giáo khoa ngữ văn hiện hành! Bởi cuốn sách ấy đã bắt buộc thầy cô phải sáo rỗng, phải nói những điều xa rời thực tế như vậy! Bây giờ thầy cô dạy làm sao thì học trò phải học và làm theo như vậy; có em nào dám làm ngược lại đâu. Môn ngữ văn trong nhà trường đã tự “thoát ly” khỏi cuộc sống nên không còn hấp dẫn người dạy lẫn người học. Người dạy toàn nói về những chuyện đâu đâu, không đả động gì đến cuộc sống hiện tại, những biến đổi xung quanh mình.

Mặt khác, với khả năng của học sinh phổ thông (16, 17 tuổi) mà phải phân tích, bình luận, bình giảng đúng sai; cái được, cái chưa được; nhận xét những áng văn thơ của các tác giả sống cách đây cả mấy trăm năm, thậm chí cả ngàn năm về trước! Vậy thì không sáo rỗng, không trung thực, nói không phải lời từ tim mình trong quá trình bình luận, phân tích thì lấy đâu ra sự cảm thụ thực tế để làm bài. Vì vậy, thầy cô cũng phải làm điều bất cập là cho điểm, là chấm bài ý này hay, ý này tốt! Cứ thế, trò và thầy cứ phải viết, phải chấm trong sáo rỗng, không thực tế, viết trong sự không trung thực để có điểm số.

Không phải một vài trường hợp sáo rỗng, không trung thực mà điều này đã trở thành việc xảy ra hàng ngày trong quá trình dạy và học ngữ văn trong nhà trường. Biết là học sinh viết sáo rỗng, biết là học sinh viết không trung thực nhưng giáo viên vẫn phải chấm bài theo biểu điểm, đáp án có sẵn.

Từ chỗ môn ngữ văn là dạy chữ, dạy người theo định hướng tốt đẹp thì nay môn này dạy cho học sinh cách giả tạo, cách sáo rỗng; nói lời nói không phải của bản thân; không xuất phát từ trái tim mình. Thiết nghĩ bộ môn ngữ văn cần có sự đột phá thực sự thì mới mong có sự chuyển biến về nhận thức, về phương pháp để việc dạy chữ và dạy người luôn đúng ý nghĩa của nó.

Hồng Lam Sơn