Thứ năm, 5/8/2010, 09h08

Vàng thau chương trình nước ngoài: Nhiều đối tác “dỏm”

Nhiều chương trình đào tạo của các trường ĐH không được các cơ quan kiểm định giáo dục có thẩm quyền của Hoa Kỳ công nhận đang được thực hiện tại VN. Tuy nhiên, những đơn vị liên quan khi được hỏi đều không thừa nhận hoặc đổ cho lý do không biết.
Trong những ngày qua, các học viên theo học tiến sĩ, thạc sĩ của ĐH quốc tế Mỹ và ĐH quốc tế Adam tại Viện Kế toán và quản trị doanh nghiệp (283 Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, TP.HCM) đang rất hoang mang. Cả hai trường trên đều nằm trong danh sách các trường ĐH không được các cơ quan kiểm định giáo dục có thẩm quyền của Hoa Kỳ công nhận.
Tuyển sinh lòng vòng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc tuyển sinh của chương trình này được thực hiện thông qua một công ty. Đó là Công ty đào tạo Việt Á Châu có trụ sở đặt tại B15 Nguyễn Ái Quốc, Biên Hòa, Đồng Nai. Công ty này đứng ra môi giới và gửi thông tin tuyển sinh qua email cho khách hàng.
Sáng 4-8, chúng tôi gọi điện cho nhân viên tư vấn tên Khách của công ty hỏi về các chương trình học thạc sĩ và tiến sĩ. Anh này cho biết hiện có các khóa học thạc sĩ của ĐH quốc tế Adam (học phí 4.800 USD) và tiến sĩ của ĐH quốc tế Mỹ (5.800 USD). Người học có thể đóng tiền làm hai đợt bằng cách chuyển khoản cho công ty hoặc đóng trực tiếp tại Viện Kế toán và quản trị doanh nghiệp. Nơi học là các điểm của Viện Kế toán và quản trị doanh nghiệp tại TP.HCM.
Đa dạng hình thức
Hiện có khá nhiều chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài đang được thực hiện hoặc được tổ chức thực hiện tại VN. Trong đó, phổ biến nhất là các chương trình liên kết. Đây là dạng chương trình được thực hiện bởi một đơn vị của VN liên kết với một trường hoặc một đối tác nước ngoài.
Bên cạnh đó là các chương trình của các cơ sở giáo dục nước ngoài trực tiếp thực hiện tại VN. Ngoài ra, còn có khá nhiều chương trình đào tạo của nước ngoài được thực hiện qua các trung tâm giới thiệu hỗ trợ. Đa số chương trình đào tạo này được thực hiện qua mạng. Cơ sở tại VN chỉ đứng ra đảm nhiệm các thủ tục hành chính, hỗ trợ tư vấn...
Đi kèm với việc mang lại cơ hội học tập cho nhiều người, việc phát triển quá nhanh số lượng chương trình nước ngoài tiềm ẩn nguy cơ phổ biến các chương trình kém chất lượng, dễ dãi trong học tập, đánh giá và cấp bằng “dỏm”.
V.H.
Anh H., một học viên khóa 7 chương trình thạc sĩ của ĐH quốc tế Adam (chương trình hiện đã tuyển đến khóa 8), cho biết đã nhận được email giới thiệu chương trình của công ty trên, đóng học phí và học tại viện. Theo anh H., đầu vào của chương trình khá dễ, không yêu cầu về tiếng Anh. Khóa học có thời gian 14 tháng và học viên này đã học được sáu tháng.
Mỗi tháng học tập trung hai ngày, thời gian còn lại là tự học. Anh H. cho biết lớp có gần 40 người, trong đó có khoảng 10 người tại TP.HCM, phần còn lại đến từ các tỉnh. Thành phần học viên khá đa dạng, từ giảng viên các trường CĐ, ĐH đến nhân viên các ngân hàng, doanh nghiệp tư nhân... Cá biệt có một trường CĐ (sắp lên ĐH) có cả chục giảng viên theo học. Giảng viên đến từ Mỹ và Malaysia, trong lớp có giáo viên chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Trong khi đó, cách đây khoảng hai tháng, Trường Infoworld School (IS), TP.HCM giới thiệu cho các học viên chương trình liên kết đào tạo lấy bằng ĐH của Trường ĐH American Heritage University (AHU), một trường ĐH khác nằm trong danh sách các trường ĐH không được các cơ quan kiểm định giáo dục có thẩm quyền của Hoa Kỳ công nhận.
Theo phụ huynh có con học tại trường này, khi vào đăng ký nhập học, IS hứa sau khi tốt nghiệp sẽ được liên thông lên ĐH. Tuy nhiên do IS chỉ cấp chứng chỉ nên không thể liên thông ĐH trong nước được. Phụ huynh và học sinh đã kéo lên trường chất vấn nhiều lần và cuối cùng được giới thiệu liên thông lấy bằng ĐH của AHU trong thời gian 12 tháng (dự kiến khai giảng ngày 9-8-2010, học tại IS), học phí 1.700 USD; giảng viên hoàn toàn trong nước, thỉnh giảng từ các Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), Bình Dương.
Bên cạnh đó, Trường trung cấp kinh tế kỹ thuật Hồng Hà (TP.HCM) cũng đã tổ chức tư vấn, tuyển sinh và đào tạo tại trường chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh của Trường ĐH Tây Nam Mỹ trong thời gian 10 tháng, học phí 4.000 USD.
Không biết, không làm, không trách nhiệm?
Trong cả hai lần trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Rũng - viện trưởng Viện Kế toán và quản trị doanh nghiệp - liên tục khẳng định không hề tổ chức đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chương trình của các ĐH trên và cho biết chỉ tổ chức đào tạo các khóa ngắn hạn CEO, CFO...
Tại IS, dù đến ngày 2-8 đã có khoảng 40 học viên đăng ký học chương trình liên kết nhưng trao đổi với chúng tôi, ông Trương Quốc Hùng - phụ trách tuyển sinh của trường - thừa nhận trường gần như chưa biết gì về AHU. Ông Hùng nói: “Để đáp ứng yêu cầu về bằng cấp cho học viên, trường đã thực hiện chương trình này. Được một cộng tác viên giới thiệu, IS chỉ liên lạc qua thư từ và ký kết hợp tác chứ chưa có bất kỳ chuyến kiểm tra thực tế nào tại AHU”.
Sau khi có thông tin về danh sách các trường chưa được kiểm định, IS đã tạm ngưng việc khai giảng và cử trưởng khoa Anh văn sang Mỹ để khảo sát thực tế AHU. Điều đáng nói là tại IS có đến bốn giảng viên sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ của các trường nằm trong danh sách 21 trường ĐH chưa được kiểm định. Trong đó có ba bằng tiến sĩ của ĐH quốc tế Mỹ và một bằng thạc sĩ của ĐH quốc tế Adam.
Đối với chương trình liên kết tại Trường trung cấp kinh tế kỹ thuật Hồng Hà, ông Trần Đức Tuyến - hiệu trưởng nhà trường - cho rằng đó là “những người quen... mượn trường để học chứ trường không tổ chức và giờ không cho mượn nữa. Còn việc cô nhân viên tư vấn giới thiệu cho người học có lẽ do chưa hiểu bản chất của Trường Tây Nam Mỹ. Việc thu tiền do cô này tự thu rồi... chuyển cho bên kia, trường không biết!?”.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận lúc đầu có giới thiệu cho học viên nhưng sau đó thấy cần phải xác minh thêm nên không triển khai nữa. Về tài liệu của chương trình có ghi tên Trường trung cấp kinh tế kỹ thuật Hồng Hà, ông Tuyến ấp úng: “Có thể do cô nhân viên nhận tài liệu của bên kia và in ra để chia sẻ với bạn bè”(?!).
MINH GIẢNG (còn tiếp)
Tuoi Tre