Thứ năm, 17/8/2017, 21h52

Vang vọng vần thơ lịch sử

Năm 1945, ngày 19-8 đã trở thành thời khắc lịch sử của dân tộc Việt Nam khi ngày tổng khởi nghĩa thắng lợi, cách mạng đã về với nhân dân. Những vần thơ ra đời trong không khí sục sôi trong cả nước đến nay vẫn còn vang vọng mãi.

Các cu chiến binh tưng nh các anh hùng lit sĩ hy sinh trong cuc tng khi nghĩa ngày 19-8-1945

1. Ngay từ những ngày tiền khởi nghĩa, ngọn lửa đấu tranh cách mạng đã bắt đầu được nhen nhóm. Đó là khí thế hào hùng của các cuộc khởi nghĩa của nhân dân mà đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh tạo thành cuộc tổng diễn tập đầu tiên cho đêm trước của ngày tổng khởi nghĩa. Trong bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” nhà thơ Tố Hữu đã hồi tưởng, phác họa lại không khí đấu tranh dưới ngọn cờ đỏ búa liềm do Đảng lãnh đạo: “Trống Xô viết, Nghệ An vang động/ Bắc Trung Nam làn sóng đấu tranh/ Hầm than, xưởng máy, lều gianh/Đứng lên tự cứu mà giành ấm no”. Lời kêu gọi không chịu sống quỳ những con người “thân cỏ thân rơm” đứng lên bất chấp súng đạn chỉ với mưu cầu giành lại quyền sống tự do độc lập đã bị thực dân đế quốc cướp mất: “Đứng lên cứu tự do độc lập/ Đứng lên giành ruộng đất áo cơm”. Đỉnh cao của phong trào đấu tranh của lực lượng “áo nâu cùng với áo xanh” đã trở thành một tượng đài sừng sững trong bài thơ khuyết danh mang tên “Bài ca cách mạng” giai đoạn 30-31: “Trên gió cả cờ đào phất thẳng/ Dưới đất bằng giấy trắng tung ra/ Giữa thành một trận xông pha/ Bên kia đạn sắt bên ta gan vàng”. Mỗi câu thơ là một tiếng kèn xung trận thôi thúc những người quần nâu áo vải quyết một trận sống mái với quân thù: “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước/ Nọ Thanh Chương tiếp bước bước lên/ Nam Đàn, Nghi Lộc. Hưng Nguyên/ Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi” (Bài ca cách mạng). Tất cả như dự báo một trận cuồng phong của lịch sử sẽ đến vào một ngày mai khi lực lượng cách mạng đã thực sự chín muồi: “Không có lẽ ta ngồi chịu chết/ Phải cùng nhau cương quyết một phen/ Tổng này xã nọ kết liên/ Ta hò ta hét thét lên thử nào” (Bài ca cách mạng). Trong mỗi câu thơ đều in dấu chân của đoàn quân du kích khi nghe Việt Minh nổ súng truyền lệnh, sức càng mạnh bởi quân càng đông ào ào như thác. Hơi nóng cuộc cách mạng giữa ngày thu như ngọn lửa làm bùng cháy cả cánh đồng cỏ khô đang chờ đợi từ lâu: “Đồng cỏ héo đã bừng lửa cháy/ Nước non ơi hết thảy vùng lên/ Bắc Trung Nam khắp ba miền/ Toàn dân khởi nghĩa! Chính quyền về tay!” (Ba mươi năm đời ta có Đảng).

Hơn 70 năm trôi qua, nhng câu thơ dy sóng v ngày tng khi nghĩa vn còn thúc gic nhp th thi đi đ mai sau hiu nhiu hơn v lch s ca mt đt nưc đi ra t đêm trưng nô l

2. Niềm hân hoan đó còn được nhà thơ Tố Hữu reo vang trong một loạt bài thơ ông sáng tác giữa ngày thu lịch sử như: Vui bất tuyệt, Huế tháng Tám, Hồ Chí Minh. Suốt gần một thế kỷ cả dân tộc bị áp bức được dồn nén trong một hình ảnh đầy đau thương nhưng rất đỗi tự hào: “Ngực lép bốn nghìn năm trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên tim bỗng hóa mặt trời”. Đó là ánh sáng của mặt trời cách mạng xua tan đêm tối xóa bỏ xiềng gông đem lại cơm áo cho dân cày. Niềm hạnh phúc viên mãn dâng trào trong ngày thắng lợi không bút nào tả xiết với một tâm trạng náo nức hân hoan trong lòng người nghệ sĩ ngôn từ: “Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiêng gông xưa đã gãy/ Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi/ Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi/ Cổ ta ré trăm trận cười trận khóc” (Huế tháng Tám). Là người trong cuộc giữa không khí sôi sục toàn dân, nhà thơ đã thốt lên rạng rỡ: “Mở mắt trông trời đất bốn phương chào/ Một dân tộc đã ào ào đứng dậy” (Huế tháng Tám). Nguồn cảm hứng từ cuộc khởi nghĩa tưởng như không bao giờ dứt trong tâm hồn thi nhân cách mạng: “Ta đi dưới bốn nghìn năm lịch sử/ Đêm nay tràn hoa đỏ nhụy vàng tươi/ Ta đi đây với thế kỷ hai mươi/ Mạch suối trẻ trong dòng người vô địch” (Vui bất tuyệt). Đó cũng là niềm kiêu hãnh trong bài thơ “Ngọn quốc kỳ” của nhà thơ Xuân Diệu khi rưng rưng nhắc đến lá cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho độc lập tự do tổ quốc: “Cờ bay sáng, cờ bay hồng rạng rỡ/ Hồn dân Việt, cờ của ta vẫy đó/ Tiến lên, tiến lên theo sứ mạng non sông” (Ngọn quốc kỳ). Toàn tác phẩm thơ kéo dài mấy chục khổ bao trùm màu đỏ tươi của ngọn quốc kỳ thắm niềm kiêu hãnh non sông. Trong trường ca “Theo chân Bác”, nhà thơ Tố Hữu đã chép vào cuốn biên niên lịch sử bằng thơ một không khí truyền hịch vang dội non sông: “Tổng khởi nghĩa, lệnh truyền đêm trước/ Sáng quân ra giải phóng Thái Nguyên/ Hà Nội, Huế, Sài Gòn, cả nước/ Đứng lên ta giành hết chính quyền”.

3. Ở một góc nhìn khác, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã vẽ lại lịch sử bằng một tượng đài dân tộc đau thương và anh dũng trong bài thơ giàu bút pháp nghệ thuật tượng trưng: “Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như thác vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Đất nước). Đó không chỉ vẻ đẹp hoàn thiện của cuộc bão táp cách mạng mà còn là vẻ đẹp sáng lòa của một dân tộc biết đứng lên làm chủ vận mệnh. Nhớ on Đảng, ơn Bác Hồ đã làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất để mỗi công dân Việt sung sướng reo vang: “Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta”. Hơn 70 năm trôi qua, những câu thơ dậy sóng về ngày tổng khởi nghĩa vẫn còn thúc giục nhịp thở thời đại để mai sau hiểu nhiều hơn về lịch sử của một đất nước đi ra từ đêm trường nô lệ.

Bài, nh: Quang Phan