Thứ tư, 2/9/2015, 15h31

Vào đại học không bao giờ là muộn

Buộc phải rời khỏi ghế nhà trường vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vậy nhưng khi lặn lội mưu sinh, ông Nguyễn Đình Tùng (45 tuổi, ngụ tại Q.Bình Tân, TP.HCM, nguyên là học viên Trung tâm GDTX Q.Tân Phú) mới thấm thía hết nỗi khổ của người lao động không bằng cấp, không vốn liếng. Thế là ông đã quyết chí quay trở lại trường và chứng minh được rằng vào đại học (ĐH) không bao giờ là muộn…

Cha con cùng vào ĐH

Tuổi đã ngoại tứ tuần, ông đến Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH, các giáo vụ tưởng ông là phụ huynh nên cứ hỏi chú nộp hồ sơ cho con à, sao cháu không đến nộp?… Ông cười và trao bộ hồ sơ cho cô giáo vụ, thật ngỡ ngàng khi cô giở ra xem lại chính là khuôn mặt đã đậm bụi thời gian trước mắt mình, đó chính là ông Nguyễn Đình Tùng.

Tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, điểm thi 3 môn văn, sử, địa để xét vào ĐH của ông Tùng là 21,25 điểm, trong đó môn lịch sử ông giành được 8,75 điểm. Với số điểm này, ông có thể trúng tuyển vào rất nhiều trường ĐH có chuyên ngành khoa học xã hội. Tuy nhiên, là người suốt ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” ở ngoài chợ tự phát nên khi so đi tính lại cuối cùng ông quyết định xét học bạ để được học ngành quản trị kinh doanh. Ông Tùng phấn khởi khẳng định: “Điểm số các môn toán, lý, hóa trong suốt ba năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12 của tui đều đạt trên 7 điểm nên tui sẽ có tấm vé vào ĐH này”.

Nhớ lại những giây phút trước khi đăng ký học lại hệ GDTX, ông đã mất ăn mất ngủ mấy đêm liền trước những mâu thuẫn giữa một bên là nỗi sợ tuổi tác, sợ kiến thức đã lọt hẳn vào dĩ vãng và một bên là học để noi gương cho con, để theo dõi con học tập, để xứng đáng là một đảng viên (trước đó vài tháng, ông đã được kết nạp vào Đảng - PV). Cuối cùng, khi vừa bước sang tuổi 43, ông quyết định liều một phen đến trung tâm GDTX đăng ký học lại chương trình phổ thông. “Tối đầu tiên khi đến mua đồng phục để mặc, tui thích lắm. Nhưng những tối tiếp theo mới là muôn vàn những khó khăn. Tui như lạc vào ma trận giữa nhóm công thức toán, lý, hóa. Nghỉ học suốt 26 năm, những công thức đơn giản về cách tính căn thức, vẽ đồ thị, cân bằng phương trình hóa học… tui quên sạch”, ông Tùng nhớ lại.

Ông Nguyễn Đình Tùng ra chợ phụ vợ bán hàng trong niềm phấn khởi vì sắp được đến giảng đường

Vậy là ngày lấy hàng, phụ vợ bán ngoài chợ, tối đến ông lại vào trung tâm học. Kiến thức đã quên sạch nên ông nhờ hai đứa con trai giảng lại (con trai út hiện vừa thi THPT quốc gia xong, con trai lớn thì đang học trường CĐ - PV). Nhiều đêm ông thức trắng để tự ôn tập lại kiến thức cũ. “Tôi còn có hai người thầy đắc lực nữa là vợ chồng nhà hàng xóm là giáo viên vừa nghỉ hưu. Tối đi học về, nhiều khi vợ chồng họ đã tắt đèn đi ngủ nhưng tui vẫn đứng ngoài hiên gọi điện xin được “thỉnh giáo”. Nhờ có con cái và hàng xóm giúp đỡ nên cuối cùng tui đã lấy lại kiến thức, năm lớp 10 và 11 tui còn được học viên tiên tiến, lớp 12 do tập trung vào các môn thi THPT quốc gia nên tui không đạt được thành tích này”, ông Tùng thổ lộ.

Sau nửa năm vừa học vừa ôn, ông lấy lại kiến thức và bắt đầu kiểm tra được bài vở của con trai út. “Hai bố con thường kiểm tra bài cho nhau, nhiều bài tui bắt con làm nộp cho bố. Những bài tui chưa biết làm thì cháu giúp tui hiểu hơn, ngoài ra tui còn kiểm tra xem con có làm được không”, ông Đình Tùng cho hay. Thời gian ôn thi THPT quốc gia, bố con ông nhiều lúc phải học đến 2-3 giờ sáng, thảo luận, kiểm tra bài cho nhau. Cuối cùng, cả hai đều đỗ tốt nghiệp, ông được số điểm khá cao để có thể xét vào ĐH tốp trên, con trai ông được 18 điểm ở toán, lý, hóa nên ông cho con xét tuyển vào ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM. Kết quả cuối cùng là hai cha con tiếp tục khăn gói lên giảng đường ĐH…

Gánh nặng… cuộc đời

Người đàn ông da ngăm đen, bàn tay chai sạn này nghỉ học khi đã hoàn thành xong chương trình THCS. Nhà có 5 anh em, bố mẹ là nông dân nên không thoát khỏi cảnh bữa đói bữa no. Bởi vậy, ông đành nghỉ học để giúp đỡ gia đình. 

Nghỉ học, người con quê hương quan họ Bắc Ninh này phải lặn lội mưu sinh khắp nơi. Ông lấy trái cây bỏ mối từ Bắc Ninh cho đến Hà Nội, Quảng Ninh… Đến năm 1992, ông cưới vợ rồi lần lượt sinh hai đứa con trai. Cuộc sống vốn đã thiếu thốn nay lại còn thiếu thốn hơn, cơm không đủ ăn, có khi phải ăn củ sắn, củ mì thay cơm dù ông đã cố gắng làm việc hết mình.

Trong một lần thu xếp vào thăm chị gái ở Sài thành (đầu năm 1997), ông thấy xứ phồn hoa này có vẻ dễ kiếm tiền hơn ở quê mình nên lập tức về quê bàn bạc với vợ Nam tiến để mưu sinh. Gửi đứa con lớn cho ông bà chăm sóc, vợ chồng ông Nguyễn Đình Tùng mang theo đứa con nhỏ lúc bấy giờ mới 4 tuổi để vào vùng đất mới lập nghiệp khi trong túi cũng chỉ còn ít đồng bạc lẻ.

Đến xứ phồn hoa này, vợ chồng ông mướn một căn nhà trọ ở Q.Bình Tân rồi đạp xe bán trái cây khắp nơi. Thỉnh thoảng thứ bảy, chủ nhật khách hàng của ông lại thấy một cậu nhóc da đen nhẻm ngồi trước giỏ xe đạp, đằng sau là thùng trái cây cao vút. “Vì những ngày đó nhà trẻ nghỉ, vợ chồng tôi không biết gửi con ở đâu nên đành chở cháu theo”, ông kể.

Khổ bao nhiêu, cực nhọc bao nhiêu vợ chồng ông cũng chịu đựng được nhưng việc học của con lại làm ông luôn đau đáu trong lòng, ăn không ngon, ngủ không yên. Ông ngồi trầm tư nhớ lại: “Khi thằng bé tròn 6 tuổi vào lớp 1, vì không có hộ khẩu, cũng chẳng có KT3 nên tôi buộc phải gửi cháu vào lớp xóa mù chữ. Ngày đó, lớp học này còn ngồi tập trung ở lề đường nên hai vợ chồng vừa thương con, vừa tủi thân. Nhìn những đứa trẻ vào lớp 1 phổ thông được mặc đồng phục với gương mặt vui vẻ, vợ tôi len lén lau nước mắt. Đó là động lực thúc đẩy tôi càng phải quyết tâm xây dựng “lộ trình” để kiếm chỗ học tử tế cho con”. Vậy là sau một năm nhịn ăn nhịn mặc, mượn tiền bạn bè, anh em hàng xóm ở quê nhà, vợ chồng ông cũng cất được căn nhà vỏn vẹn 30m2  rồi đăng ký hộ khẩu thường trú. Dù căn nhà trống trơn, chẳng có gì giá trị ngoài hai chiếc xe đạp ọp ẹp để vợ chồng mưu sinh, lại nợ giăng tứ phía nhưng vợ chồng ông rất vui vì năm sau con ông có thể vào lớp 1.

Năm 2006, thấy quần áo bán có vẻ đỡ cực hơn, ông cùng vợ thuê một sạp nhỏ ở khu chợ tự phát trên đường Ấp chiến lược, phường Bình Trị Đông A để buôn bán. Cũng may vợ chồng ông có duyên mua may bán đắt nên cuộc sống dần dần khấm khá, ông cất được nhà to hơn, nuôi con ăn học đầy đủ, đứa lớn ông đang làm thủ tục để con đi Nhật du học.

Về phần mình, lúc đầu ông không có ý định vào ĐH vì sợ không có thời gian đến trường thì lấy gì để nuôi con học tiếp. Nhưng vợ con, bạn bè động viên mãi, cuối cùng ông quyết định tiếp tục cố gắng học tiếp để có thêm kiến thức bổ trợ cho công việc của mình, để làm gương cho con cháu…

Dương Bình