Thứ bảy, 4/11/2017, 22h55

Vào trường… học làm nông

Những khoảng trống trong sân trường được tận dụng, phủ kín bằng những vườn rau mướt mát không khác gì một nông trại nhỏ. Rau xanh thu hoạch được đưa vào nhà bếp, số còn lại bán cho phụ huynh để quay vòng.

Em Nguyễn Ngọc Bảo Châu (bên phải) trong vai “nhà khoa học nhí” tại vườn rau của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi

Đó là cách mà nhiều trường tiểu học tại TP.HCM áp dụng để đưa mô hình tiết học trải nghiệm cho học sinh ngay trong sân trường. Đồng thời, giáo dục cho các em tinh thần yêu lao động, trân trọng giá trị cuộc sống.

Nông dân thực thụ

Trống ra chơi vừa điểm, nhóm học sinh tổ 1 lớp 2/3 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) đã í ới gọi nhau, náo nức cùng cô giáo chủ nhiệm lên sân thượng thu hoạch rau. Bữa nay, những hộp xốp trồng rau muống của lớp đã vươn cao quá gang tay, thành quả của gần nửa tháng các em tỉ mẩn chăm sóc. Hai em Thảo Mi và Duy Khương, bạn cầm kéo bạn cầm rổ, chăm chú cắt rau. “Cắt rau xong chúng em sẽ mang cho các cô cấp dưỡng trong nhà bếp. Em thích ăn món rau muống nấu canh chua nhất”, Thảo Mi thích thú nói.

Cô Phạm Thị Ngọc Phượng (giáo viên chủ nhiệm lớp 2/3) cho biết mỗi tuần sẽ có một tổ lên chăm sóc rau. Học sinh lớp 1, lớp 2 phụ trách 9 thùng rau. Các em lớp lớn hơn sẽ phụ trách gấp đôi. “Các em rất háo hức khi được tận mắt chứng kiến quá trình phát triển của rau từ khi gieo hạt, nảy mầm, ra lá lớn lên từng ngày. Khi được làm việc nhóm, các em biết đoàn kết và gắn bó hơn. Nhiều em trước giờ không thích ăn rau nhưng rau mình trồng ra thì các em lại thi nhau ăn không bỏ cọng nào”, cô Phượng cho hay.

Mô hình trồng rau trong trường học được Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm phát triển gần 4 năm nay. Tận dụng khoảng sân thượng rộng 400m2, những kệ rau muống, cải, rau dền, mồng tơi, những giàn bầu bí…  chưa khi nào thôi xanh tươi. “Ngay cả kỳ nghỉ hè, mô hình rau xanh vẫn được duy trì. Khi đó, các câu lạc bộ của học sinh trên địa bàn thành phố sinh hoạt tại trường sẽ tiếp nhận”, cô Tống Thị Mai Hương (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm thích thú chăm sóc rau

Cô Hương cho biết thêm: “Rau thu hoạch sẽ được đưa vào nhà bếp, phục vụ bữa ăn sạch cho các em. Nếu nhiều, trường sẽ tổ chức ngày hội rau sạch, bán cho phụ huynh. Số tiền đó sẽ được quay vòng đầu tư vào vườn rau, số còn lại để hỗ trợ các em học sinh khó khăn. Hai năm qua, số tiền bán rau cũng lên đến gần 40 triệu đồng”. Không chỉ trên sân thượng, ngay cả những khoảng trống trong sân trường cũng được trường tận dụng. Những mô hình độc đáo được học sinh và giáo viên trong trường thực hiện, không chỉ giúp tạo không gian xanh trong trường mà còn là nơi hỗ trợ học tập. “Mô hình được áp dụng từ năm ngoái, các em học sinh lớp 1 sẽ được chọn bất cứ loại cây nào mình thích, trồng, dán tên và tự chăm sóc. Năm nay, khu kệ gỗ treo tường này sẽ trồng những loại cây mà các em ít có cơ hội được nhìn thấy như lúa, bắp, mía. Những lốp xe sơn màu kia sẽ dùng để trồng các loại rau thơm. Không chỉ giúp các em trải nghiệm mà còn giúp học sinh lớp 4, lớp 5 học các tiết học về nông nghiệp”, chỉ tay về phía khu đất trống gần cổng, cô Ngô Thị Nam Phương (người phụ trách khu cây xanh dưới đất của trường) chia sẻ.

Nhà khoa học nhí

Khoảng sân sau của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) được xẻ làm đôi, phần trồng rau bằng thùng xốp, phần trồng trong nhà kính hiện đại với trên cùng là giàn bầu, bí, giữa là xà lách, cải… và dưới cùng là cá tung tăng. “Mô hình trồng rau trong thùng xốp đã được duy trì từ rất lâu, mỗi lớp sẽ được giao phụ trách 9 thùng, chủ yếu trồng những loại mồng tơi, rau muống, rau dền...  Còn mô hình trồng thủy canh trong nhà kính mới được nhà trường đưa vào từ năm học 2015-2016. Vừa tạo không gian xanh, vừa phục vụ công tác nghiên cứu khoa học của học sinh lớp 4, lớp 5 trong trường”, cô Phạm Thúy Hà (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết.

Đi tiên phong áp dụng phương pháp hiện đại vào trồng rau, nuôi cá, theo cô Hà, sau những bỡ ngỡ ban đầu, học sinh đều được trải nghiệm công việc của một nhà khoa học nhí, cũng với áo trắng, sổ tay ghi chép. “Từ hệ thống làm mát, phun sương, đo nhiệt độ, độ ẩm, đưa cây lên giàn, cho cá ăn… đều do các em học sinh tự tìm hiểu, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của thầy cô phụ trách. Tùy từng đợt rau trồng sẽ có những nhóm nghiên cứu khoa học khác nhau, nhưng đảm bảo học sinh lớp 4 và lớp 5 đều được trực tiếp tìm hiểu. Các em rất hứng thú trong vai của một nhà khoa học. Cứ giờ chơi là tự giác xách dụng cụ đi. Qua những trải nghiệm này, các em sẽ thấy mình tự tin hơn và bước đầu khơi lên niềm đam mê khoa học, mày mò nghiên cứu sáng tạo trong chính các em”, cô Hà cho biết thêm.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm hào hứng với phiên chợ rau sạch

Em Nguyễn Ngọc Bảo Châu (học lớp 5/1) theo trực nhà kính từ năm học lớp 4 với công việc theo dõi, đo đạc dự báo thời tiết trong nhà kính và lượng nước trong bồn. Theo đó, tuần 3 lần, Châu ghi chép số liệu thời tiết để điều chỉnh hệ thống phun sương, làm mát và nộp cho thầy cô phụ trách. “Ngoài trời 30 độ và trong nhà kính 24 độ là nhiệt độ thích hợp nhất cho rau xanh phát triển, đặc biệt là xà lách. Độ PH của nước từ 5-7 là ổn định đối với cá”, Châu nhận định.

Gắn bó với nhà kính, Châu cho biết bản thân cảm thấy đam mê và mong muốn trở thành một nhà nghiên cứu khoa học thực thụ.

Yến Hoa