Thứ hai, 19/9/2011, 05h09

Về bài “Nên học sử ta” của Hồ Chí Minh

Cuối tháng 12-1940, sau ngót 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5-1941, thay mặt Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng - một hội nghị có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đề ra các chủ trương của Đảng, trong đó có việc thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội (tức Mặt trận Việt Minh) để đoàn kết toàn dân đánh Pháp đuổi Nhật, dẫn đến thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám - 1945. Trong bộn bề công việc hết sức khẩn trương để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng, năm 1941 Bác đã viết cuốn “Sử nước ta” (theo thể lục bát). Và tháng 2-1942, Bác viết bài “Nên học sử ta” (bằng văn xuôi) nhằm động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết, để đánh thắng ngoại xâm. Bài viết này của Bác về sau được đưa vào “Hồ Chí Minh - Toàn tập”, tập III, NXB Sự thật, Hà Nội, 1983, trang 426 và in lại trong cuốn “Hồ Chí Minh - Về vấn đề giáo dục”, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1990, tr.34 - 35. Nguyên văn bài  “Nên học sử ta” như sau:

                             “Dân ta phải biết sử ta,
                   Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam
1 - Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước, tiếng để muôn đời.
2 - Trước khi vua Gia Long bán nước ta cho Tây, nước ta vẫn là nước độc lập. Đời nào cũng có người anh hùng mưu cao, võ giỏi, đứng ra đoàn kết nhân dân đuổi giặc cứu nước.
Đời Trần, quân Nguyên đánh đâu được đấy, chiếm được nước Tàu và nửa châu Âu, thế mà ba lần bị ông Trần Hưng Đạo đánh tan. Bình dân như ông Lê Lợi và ông Nguyễn Huệ đã đánh đuổi quân Tàu làm cho nước ta độc lập.
Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa (Đồng Hới, Quảng Bình). Trong chiến tranh phá hoại, giặc Mỹ đã san phẳng Đồng Hới, chỉ còn lại Tháp chuông này là chứng tích chiến tranh.Ảnh: X.B
Người già như ông Lý Thường Kiệt quá 70 tuổi mà vẫn đánh đông dẹp bắc, bao nhiêu lần đuổi giặc cứu dân.
Thiếu niên như Đổng Thiên Vương, chưa đến 10 tuổi mà đã ra tay cứu nước, cứu nòi. Trần Quốc Toản mới 15, 16 tuổi đã giúp ông Trần Hưng Đạo đánh phá giặc Nguyên.
Phụ nữ thì có Bà Trưng, Bà Triệu ra tay khôi phục giang sơn.
Những vị anh hùng ấy vì nước, vì dân mà làm nên sự nghiệp kinh thiên động địa. Nhờ những vị dân tộc anh hùng ấy mà nước ta được tự do độc lập, lừng lẫy ở Á Đông.
Vì muốn giành làm vua mà Gia Long đem nước ta bán cho Tây. Thế là giang sơn gấm vóc tan tác tiêu điều, con Lạc, cháu Hồng hóa là trâu ngựa.
Từ đó đến nay biết bao nhiêu người oanh liệt đứng lên khởi nghĩa đánh Tây, như ông Phan Đình Phùng, ông Hoàng Hoa Thám v.v..
3 - Sử ta dạy cho bài học này:
Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do.
Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn.
Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây-Nhật, khôi phục lại độc lập, tự do”.
Cuối bài viết, Bác có ghi thêm: “Vừa mới xuất bản cuốn “Sử nước ta” bằng thơ, hay lắm, giá mỗi quyển 1 hào, ai muốn mua, hỏi cán bộ địa phương”.
(Toàn văn - Theo cuốn: “Hồ Chí Minh - Về vấn đề giáo dục”, Sđd, tr.34 - 35. Chủ biên: GS Hà Thế Ngữ).
Có thể xem đây là bài Bác Hồ viết để giới thiệu cuốn “Sử nước ta” do Bác viết năm 1941, khi Người đang hoạt động cách mạng tại căn cứ địa Cao Bằng, được Việt Minh Tuyên truyền bộ xuất bản và dùng làm tài liệu tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Cuốn “Sử nước ta” của Nguyễn Ái Quốc, đến năm 2009 được NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội in sách, với tên “Lịch sử nước ta” của tác giả Hồ Chí Minh. Cuốn “Sử nước ta” (tức Lịch sử nước ta”) Bác viết rất ngắn gọn, kể chuyện lịch sử dân tộc từ thời Hồng Bàng (năm 2879 - TCN) đến Nam Kỳ khởi nghĩa - 1941; và Bác dự đoán đến năm 1945, Việt Nam sẽ độc lập. Mở đầu cuốn “Lịch sử nước ta”, Bác viết: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” và kết thúc bằng câu: “Dân ta xin nhớ chữ đồng/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.
Bài viết “Nên học sử ta” và cuốn “Sử nước ta” (“Lịch sử nước ta”), Bác viết với mục đích ôn lại truyền thống yêu nước, oanh liệt chống ngoại xâm của dân tộc; từ nam phụ lão ấu, người bình dân hay tầng lớp phú hào, quý tộc đều có lòng yêu nước nồng nàn, anh dũng chống ngoại xâm, để giành lấy độc lập cho nước nhà. Từ đó, Bác khích lệ nhân dân ta đoàn kết đứng lên chống Pháp-Nhật, giành độc lập tự do. Đứng về phương pháp viết sử mà nói, Bác Hồ đã viết một cách ngắn gọn, súc tích, không sa đà vào các chi tiết lịch sử, mà giúp người đọc rất dễ nhớ, dễ thuộc. Đặc biệt, Bác chú trọng việc nhận định, đánh giá khái quát các sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu. Thiết nghĩ, đấy là bài học quý giá mà những người biên soạn sách giáo khoa Lịch sử phổ thông cần học tập, để có một bộ sách Lịch sử tốt cho các cấp học phổ thông và phổ biến sâu rộng trong nhân dân.
Theo ĐÀO NGỌC ĐỆ
QĐND