Thứ năm, 17/12/2015, 23h03

Vẻ đẹp tác phẩm văn học trong nhà trường: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” là câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du được bạn đọc vận dụng nhiều nhất trong giao tiếp khi có một hoàn cảnh thích ứng muốn đề cao cái tâm trong cuộc.

1. Trong Truyện Kiều, chữ Tâm được dùng 5 lần ở những ngữ cảnh khác nhau. Chữ Tâm đầu tiên được dùng ở đoạn kể Kim Trọng chia tay Kiều để về hộ tang chú. Tiếp đến là chữ Tâm dùng chỉ họ Chung, một người “được coi” là từ tâm, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn, cụ thể ở đây là giúp nhà họ Vương lo lót “chạy án”. Chữ Tâm tiếp theo dành cho Thúy Kiều hai lần dưới góc nhìn của Tam Hợp đạo cô bán mình đã động hiếu tâm đến trời và của Đạm Tiên tâm thành đã thấu đến trời khi Kiều bán mình chuộc cha và em. Chữ Tâm cuối cùng là của người kể chuyện (tạm hiểu là Nguyễn Du) khi kết thúc thiên truyện: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Một tiết học môn ngữ văn của học sinh lớp 9 (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Trong dòng mạch kể chuyện, mặc dù đã đan xen yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận nhưng chưa hề một lần Nguyễn Du dành chữ Tâm cho Thúy Kiều. Mổ xẻ tác phẩm từ các tình tiết xây dựng truyện theo một hệ thống mang tính logic, ta thấy Truyện Kiều của Nguyễn Du không đề cập chữ Tâm theo cách hiểu xưa nay. Dựa vào nội dung biểu đạt của tác phẩm, ở góc độ nhìn nhận khác, ta thấy bi kịch đầu tiên, cũng là nguyên nhân của chuỗi bi kịch trong cuộc đời Thúy Kiều là bán mình chuộc cha và em. Chỉ nhìn ở hành động, nàng quả là người hiếu nghĩa, sự hy sinh thật đáng ngợi ca! Nhưng xét theo tác động của sự việc thì hành động này là biểu hiện của cách xử sự vội vàng, thiếu suy đoán. Chính cách xử sự nông cạn dẫn đến hành động vô thức, nàng đã trở thành kẻ tiếp tay cho những thế lực có nguy cơ làm bộ máy Nhà nước nhiễu loạn.

Trong khi đó chữ Tài trong Truyện Kiều được dùng cho nhiều nhân vật ở các phương diện khác nhau. Đạm Tiên nổi danh tài sắc một thì; Kim Trọng phong tư tài mạo tót vời, là kẻ thiên tài; Thúc Sinh thực là tài tử; Từ Hải lược thao gồm tài, thiên tài; Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài. Riêng với Thúy Kiều, chí ít cũng 17 lần ông nói về chữ Tài ở nhiều khía cạnh khác nhau. Không dành cho Thúy Kiều một chữ Tâm nhưng Nguyễn Du đã rất khách quan khi ca ngợi tài đàn, hát, thơ, họa của Kiều.

2. Xây dựng nhân vật Thúy Kiều, một bậc tài sắc có một không hai nhưng trước thử thách chông gai đã không thể vượt qua, Nguyễn Du bộc lộ một thái độ rất rõ ràng khi tài năng đang bị phí phạm: “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Một người tài năng mức ấy, vậy mà nàng đã để cho lãng phí, chỉ đưa đơn thuần cái tâm đối phó thử thách để rồi nhận lấy thất bại cay đắng giữa cuộc đời. Đọc Truyện Kiều, ta thấy một cái tâm cứu cha, nhưng cái tâm đặt không đúng chỗ nên không được Nguyễn Du đề cao: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa”. Đối phó hoàn cảnh bằng sự lựa chọn bán mình nên chính cái tâm vội vã, không suy nghĩ đắn đo sâu sắc đã gieo nên nghiệp chướng đầu tiên của đời nàng. Thật đáng tiếc cho nhân vật Thúy Kiều, một bậc tài sắc, thông minh nhưng chẳng thắng nổi tai ương, chướng ngại giữa cuộc đời, rốt cuộc chỉ chuốc lấy những tai họa vào mình.

Ngoài tài năng trời ban, có năng khiếu về nhiều lĩnh vực, con người cần phải có tài ứng xử để khi tai ương ập xuống sẵn sàng đối phó nhằm bảo vệ chính mình và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống.

Không đồng tình về Thúy Kiều nhưng Nguyễn Du đã đề cao tiểu thư họ Hoạn. Một Hoạn Thư không có lợi thế như Thúy Kiều, vậy mà trước thử thách, khi cái chết kề tận cổ vẫn biết cách đấu tranh giành giật sự sống trong kiêu hãnh. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” qua cách so sánh ấy, phải chăng Nguyễn Du đã ca ngợi, trân trọng người phụ nữ có những phẩm chất tốt đẹp, sống có hiểu biết và biết cách đối nhân xử thế giữa cuộc đời? Như thế, ngoài tài năng trời ban, có năng khiếu về nhiều lĩnh vực, con người cần phải có tài ứng xử để khi tai ương ập xuống sẵn sàng đối phó nhằm bảo vệ chính mình và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống.

3. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” chắc Nguyễn Du rất đau lòng khi không còn hy vọng về sự chứng tỏ tài năng của Thúy Kiều trước cuộc sống! Giá như Thúy Kiều biết cách ứng xử giữa cuộc đời để giành lấy những gì tốt đẹp cho mình? Cứ nghĩ câu thơ: “Chữ tài, chữ mệnh dồi dào cả hai” ta lại tiếc cho một bậc tài năng xuất chúng nhưng chỉ biết sử dụng bó hẹp trong giới hạn trời ban để rồi trước những vấn đề xảy ra trong thực tế chỉ giải quyết như một công cụ. “Chữ tài, chữ mệnh dồi dào cả hai” câu thơ đầy tính triết lí gợi cho chúng ta một ý thức sống tích cực, một thái độ sống đúng đắn để giành lấy điều tốt đẹp nhất trong những điều kiện, hoàn cảnh có thể.

Phan Thị Thanh Thủy
(Giáo viên Trường THCS Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh)