Thứ sáu, 5/11/2010, 15h11

Vệ sinh cho trẻ: chuyện không dễ

Tiếp tục câu chuyện giáo viên mầm non, xin giới thiệu ý kiến của một người từng là giảng viên chuyên đào tạo giáo viên mầm non xoay quanh chuyện vệ sinh cho trẻ.

Cô giáo chăm sóc trẻ ở Trường mầm non Hoa Lư (Q.1, TP.HCM) 
Tôi đã gặp vài giáo viên rất cẩn thận, tắm rửa cho các bé mỗi buổi chiều. Tuy nhiên số này rất ít, đa số ngại rửa cho các bé, thậm chí khi tắm cũng để các bé tự rửa, cô chỉ xối nước. Một tình huống rất thường xảy ra là bé nào đi vệ sinh xong cứ ngồi mãi trong nhà vệ sinh, khi nào cô cảm thấy phải rửa cho bé thì mới vào làm (có thể do cô bận hoặc cũng có thể hai cô đùn đẩy nhau, mình không rửa thì cô kia sẽ phải rửa?!).
Thậm chí với các bé lớp lớn, khi bé chờ không nổi nữa, nhờ bạn bè nói với cô, gọi cô nhiều lần nhưng cô vẫn không vào. Nhất là giờ ăn trưa, đa số các bé phải ngồi chịu trận trong nhà vệ sinh đợi các cô ăn xong, nói chuyện xong thì mới vào rửa. Cách rửa cũng đa dạng, có cô dùng chân, có cô xịt nước cho bé tự rửa, có cô tự tay rửa cho bé nhưng làm đại khái, rửa cho bé trai và bé gái giống nhau, đợi có 3-4 bé thì rửa một loạt, thậm chí có cô vừa rửa vừa chửi rủa bé vì cái tội đi vệ sinh trong lớp...
Trong khi đó, một giáo viên mầm non bình thường khi có bé vào nhà vệ sinh thì phải canh chừng và hễ bé vừa xong là vào rửa cho bé ngay. Cô giáo thường phải rửa cẩn thận, bé gái rửa từ trước ra sau, vừa rửa vừa thủ thỉ với bé cách giữ vệ sinh... Để bé ngồi càng lâu trong nhà vệ sinh thì càng nguy hiểm, trước hết bé phải ngồi hít những mùi hôi thối, không có lợi cho sức khỏe.
Tiếp đó bé có thể bị lạnh, hơn nữa trẻ em không thể ngồi im để chờ đợi nên bé có thể nghịch ngợm đủ trò, mà nhà vệ sinh là nơi có nguy cơ tai nạn cao nhất cho các bé. Thực tế có nhiều bé đi vệ sinh mùi rất hôi, nhất là những bé nhỏ mặc tã. Bé đi trong tã, mùi và hơi bị bí nên khi thoát ra thì phải vừa làm vừa nín thở, đến mức có cô giáo muốn ói.
Kỷ niệm ấn tượng nhất của tôi về vệ sinh cho bé là khi đến một lớp mầm non nào đó cũng diễn ra cảnh các bé rồng rắn xếp hàng rủ nhau đi vệ sinh với gương mặt tươi rói, hớn hở như nhận quà. “Các bạn ơi, đi vệ sinh đi, cô A rửa cho, sướng lắm các bạn ơi...”. Ngày đầu đến lớp, tôi quan sát chỉ có vài bé đi vệ sinh, nhưng khi tôi chính thức ở đó thì ngày nào cũng vậy, các bé cứ rủ nhau đi vệ sinh cho tôi rửa, thậm chí có bé không đi nhưng cũng xếp hàng để được tôi rửa...
Dù tôi biết giáo viên trong lớp không thích tôi làm như thế, tôi biết các cô không hài lòng khi tôi phá vỡ “nội quy” của các cô nhưng tôi thấy ấm lòng và thương các bé lắm. Tôi trở nên nổi tiếng và tự dưng trở thành thần tượng của các bé nhờ có tài “rửa đít” dù mỗi trường mầm non tôi chỉ đến một thời gian ngắn, một lớp tôi chỉ ở nhiều lắm là ba tháng.
Tôi kể ra chuyện này để mọi người có cái nhìn công bằng hơn, giáo viên mầm non có người này người kia. Thật ra cũng khó trách các cô, vì tôi biết thậm chí là mẹ đẻ của các bé vậy mà có người vẫn gớm, đẻ con đó, chăm sóc con đó nhưng cái khoản “tiêu tiểu” là có người khác làm, không hề đụng tay vào.
Mẹ đẻ còn thế, làm sao có thể đòi hỏi 100% giáo viên mầm non làm tốt chuyện này? Tuy nhiên, thật lòng tôi vẫn mong hễ ai đã là giáo viên mầm non thì hãy có trách nhiệm hơn, chịu khó hơn, thương trẻ hơn để làm việc “rửa đít” cho trẻ một cách thoải mái và đầy yêu thương.
Theo Tuổi Trẻ