Thứ hai, 30/11/2015, 10h38

Vì nhịp đập trái tim trẻ em

PGS.TS.BS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM trao bằng tiến sĩ danh dự cho ông Erich Johann LeJeune (bìa phải)

“Nếu ai cũng có một trái tim biết chia sẻ sẽ cứu vớt được nhiều trái tim bệnh tật cho trẻ em nghèo không may mắn”. Đó là thông điệp và cũng là cơ duyên Hiệp hội “Trái tim vì trái tim” ra đời. Đặc biệt trong 9 năm qua, hội thiện nguyện đến từ Cộng hòa Liên bang Đức đã trở thành cầu nối đào tạo nâng cao tay nghề cho nhiều bác sĩ, tài trợ trang thiết bị y tế hiện đại và hỗ trợ điều trị miễn phí bệnh tim bẩm sinh cho hàng ngàn trẻ em nghèo ở Việt Nam.

Chân dung người sáng lập

Đó là ông Erich Johann LeJeune, 71 tuổi, người đã thành lập Hiệp hội “Trái tim vì trái tim” và cũng là Chủ tịch của tổ chức thiện nguyện này. Erich Johann LeJeune được biết đến là một doanh nhân nổi bật ở Đức với vai trò là người sáng lập Công ty Consumer Electronic (CE) ở Munich năm 1976 và được vinh danh doanh nhân của năm 1999. LeJeune còn là phát thanh viên phỏng vấn những nhân vật nổi tiếng cho ba chương trình truyền hình TV station Muenchen ở Munich. Ông cũng hợp tác với Trường triết học Munich từ năm 2008 và là tác giả của 21 cuốn sách triết học.

Năm 2003, một lần vào phòng mổ của giáo sư Heinrich Netz - chuyên gia phẫu thuật tim, cũng là bạn thân của ông, trái tim LeJeune đau đớn đến độ như muốn tan vỡ ra khi chứng kiến khoảnh khắc các bác sĩ dùng biện pháp can thiệp y tế cho tim bệnh nhân ngừng đập để bước vào ca phẫu thuật nhằm giành lại sự sống cho họ. Lúc ấy, trong tâm trí người đàn ông nhân hậu đã nghĩ ngay đến việc mình phải làm gì cho bệnh nhân tim. Nghĩ là làm, trong năm này, LeJeune và vợ ông đã mạnh dạn thành lập Hiệp hội “Trái tim vì trái tim” với thông điệp “Nếu ai cũng có một trái tim biết chia sẻ sẽ cứu vớt được nhiều trái tim bệnh tật cho trẻ em nghèo không may mắn”.

Từ năm 2002 đến nay, ông LeJeune nhận được nhiều giải thưởng danh giá vì những cống hiến của ông cho khoa học, y tế và giáo dục. Tiêu biểu như giải Great Federal Merit Cross do cựu Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức trao tặng (2007), bằng tiến sĩ danh dự của Trường triết học Munich (2010), giải thưởng King Fellow từ Chủ tịch ĐH châu Âu (2011), Huân chương Bavaria (2012)…

Cơ duyên đến với trẻ em Việt Nam

Một người có tâm và đầy nhiệt huyết cống hiến, cơ duyên nào đã đưa ông LeJeune đến hỗ trợ cho trẻ em bệnh tim của Việt Nam, có lẽ đó là hình ảnh một cô bé Kim Phúc, người được đưa sang Đức vào năm 1982 để chữa trị các vết sẹo do bị thương trong vụ ném bom tại Trảng Bàng vào năm 1972, gây khó khăn cho em trong việc vận động của cuộc sống thường nhật. Đó là hình ảnh của 3 em bé gồm Ngọc Anh (7 tuổi), bé Phương 6 tuổi và một em bé 1 tuổi, là những bệnh nhân tim đầu tiên ở Việt Nam được chữa trị tại một bệnh viện nổi tiếng của Pháp. Đó là tình bạn với bác sĩ Lê Trọng Phi - một bác sĩ hàng đầu chuyên về tim mạch trẻ em của Việt Nam. Tất cả những yếu tố đó khiến LeJeune cùng vợ ông là tiến sĩ Irene LeJeune, giáo sư Heinrich Netz, bác sĩ Lê Trọng Phi và đặc biệt là bà Evi Brandl - một nhà hảo tâm - quyết định hỗ trợ điều trị cho trẻ em bị bệnh tim ở Việt Nam trong 9 năm qua.

Ông Erich và các đại biểu tham quan hệ thống máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền DSA tại Bệnh viện ĐH Y dược

Nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của ông LeJeune trong lĩnh vực tim mạch cho ngành y tế Việt Nam nói chung và ĐH Y dược TP.HCM, bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM nói riêng, vào ngày 12-11 vừa qua, ông đã được Trường ĐH Y dược, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM phong tặng bằng tiến sĩ danh dự.

Cảm kích trước tấm lòng của vị Chủ tịch hiệp hội và những đóng góp của hiệp hội, PGS.TS.BS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM khẳng định: “Hiệp hội “Trái tim vì trái tim” không chỉ đem đến sự sống khỏe mạnh cho hàng ngàn trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh trên thế giới cũng như tại Việt Nam, hiệp hội này còn là cầu nối cho sự hợp tác giữa ĐH Y dược và ĐH Ludwig Munich (Cộng hòa Liên bang Đức) trong công tác huấn luyện giảng viên, trao đổi chương trình đào tạo y khoa nhằm xây dựng và phát triển một đội ngũ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Việt Nam”.

Theo PGS.TS.BS Trương Quang Bình, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Phó Giám đốc Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện ĐH Y dược là một trong những trung tâm tim mạch chuyên sâu của phía Nam. Mỗi năm, trung tâm tiếp nhận và điều trị cho hơn 3.000 trường hợp bị bệnh tim và tim bẩm sinh. Theo đó, trung tâm đã thực hiện xuyên suốt nhiều chương trình mổ tim miễn phí như “Trái tim cho em”, “Trái tim Hằng Hữu”, “Tiếp sức hồi sinh”… Nhờ đó mà hàng ngàn trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn đã có được trái tim khỏe và cuộc sống khỏe mạnh.

Bài, ảnh: Bích Vân

Hiệp hội “Trái tim vì trái tim” từ khi được thành lập cho đến nay đã hỗ trợ cứu chữa hơn 3.000 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Riêng ở Việt Nam, hiệp hội đã hỗ trợ điều trị bệnh tim bẩm sinh miễn phí cho hàng ngàn trẻ em nghèo ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và vùng sâu xa.