Thứ sáu, 4/6/2010, 09h06

Vi phạm giảm, bỏ thi tăng

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT và TP.HCM thăm hỏi thí sinh trước khi bước vào phòng thi, tại HĐT Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: T.T.Q

Gần 1,1 triệu TS (TS) đã tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc. Trong 2 ngày thi đầu (2 và 3-6), số TS bị xử lý do vi phạm quy chế đã giảm so với năm trước nhưng số TS bỏ thi lại tăng.
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, ngày thi đầu tiên đã kết thúc với 1.046.051 TS tham gia dự thi trong tổng số 1.053.439 TS đăng ký dự thi.
Môn văn: Không khó
Kết thúc môn thi văn và hóa, cả nước có 4.663 TS bỏ thi, 34 em bị đình chỉ vì vi phạm quy chế thi. Trong đó, riêng môn văn có 4.300 TS bỏ thi (chủ yếu là TS tại các TTGDTX). Trong đó, 11 em đến sau giờ làm bài thi, 35 em bị tai nạn giao thông, 250 em bị ốm không thể dự thi...
Đến môn thi thứ 2, môn hóa có thêm 363 TS bỏ thi, nâng tổng số TS bỏ thi cả hai môn trong ngày thi đầu tiên lên 4.663 TS. Trong đó đến sau thời gian làm bài là 27 em, bị tai nạn giao thông là 47 em. Thời tiết nắng nóng đã làm gần 400 TS không thể dự thi.
So với năm 2009, số TS bỏ thi trong ngày đầu có tăng hơn 160 em nhưng số TS bị đình chỉ lại chỉ bằng 1/3.
Tại Hà Nội, Sở GD-ĐT cho biết, trong ngày thi đầu tiên, toàn thành phố có 198 TS bỏ thi. Dù đã được chỉ đạo phải có máy phát điện dự phòng nhưng trong ngày thi đầu tiên, tại một số hội đồng thi của Hà Nội vẫn bị mất điện. Cụ thể tại Trường THPT Quang Trung, Hà Nội, trong buổi thi văn xảy ra tình trạng mất điện khoảng 20 phút. Tương tự tại điểm thi THCS Trung Văn - Từ Liêm, Hà Nội bị mất điện trong buổi thi đầu tiên.
Theo đánh giá của nhiều TS tại Hà Nội, môn văn không khó nhưng lệch “tủ”. Đề thi môn văn năm nay gồm 4 câu, trong đó có 2 câu bắt buộc và 2 câu tự chọn. Phần văn học nước ngoài yêu cầu TS nêu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà văn M.Sô-lô-khốp. Văn học Việt Nam có hai đề cho TS lựa chọn, hoặc phân tích nhân vật Việt trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình của nhà văn Nguyễn Thi, hoặc phân tích một đoạn trong bài thơ Sóng của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Tuy nhiên, đa số TS tỏ ra hào hứng với phần nghị luận với yêu cầu “trình bày suy nghĩ của anh/ chị về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay”.
Không có chuyện lộ đề thi

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận thăm hỏi thí sinh trước giờ thi

Tại TP.HCM, hầu hết TS đều cho rằng, đề thi môn địa lý năm nay không quá hóc búa, những TS không có điều kiện ôn tập kĩ nhưng nếu biết cách sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam vẫn có thể làm tốt bài thi. Rất nhiều TS khẳng định, mình có thể đạt được điểm 7-8 cho môn thi. Tuy nhiên, TS cũng cho rằng, đề thi môn địa lý năm nay khá dài, phải tăng tốc “vét” tối đa thời gian mới có thể làm hết lượng câu hỏi trong đề.
Buổi chiều thi môn sử, nhiều sĩ tử đã không kịp ăn trưa, ở lại trường để ôn tập. Tại HĐT Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, mới 12 giờ trưa, hàng trăm TS đã tập trung tại các dãy hành lang để dò lại bài.
Mặc dù 16 giờ mới hết giờ làm bài nhưng mới 15h30, nhiều TS ở HĐT Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã rời khỏi phòng thi. Đa số các em đều cho rằng môn lịch sử cũng “dễ thở” chứ không đáng lo ngại như lúc chưa bước vào phòng thi. Nguyễn Quốc Huy (học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn) cho biết: “Đề thi lịch sử năm nay chỉ có câu 2 là hơi khó vì phải vận dụng nhiều kiến thức nhưng hầu hết các bạn trong phòng thi đều làm được bài và ra sớm trước thời gian quy định. Nếu bạn nào học bài chắc chắn sẽ làm tốt”. Tuy nhiên, rất nhiều TS rời khỏi phòng thi sớm nhưng chỉ làm được khoảng 50%. Riêng TS Nguyễn Thanh Thúy (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, thi tại HĐT Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3) nói: “Em làm được khoảng 50% nhưng vì không nhớ sự kiện, ngày tháng nên nếu có ở lại thì cũng không thể làm thêm được gì”.
Trước thông tin đề thi bị lộ, TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: “Đây là thông tin năm nào cũng xảy ra. Các giáo viên thường dựa vào kinh nghiệm của mình phán đoán và hướng dẫn HS ôn tập và có xác suất đúng. Nếu nói lộ thì đề thi phải giống nhau từng câu, từng chữ chứ không thể giống ngẫu nhiên về tác giả, tác phẩm…”.
Trao đổi với báo chí chiều 3-6, ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo kì thi tốt nghiệp THPT 2010, cho biết: Trong hai ngày thi vừa qua, số lượng TS tới các HĐT tại TP.HCM không khớp với số lượng đăng kí. Ngay trong ngày thi thứ nhất, có hơn 700 TS bỏ thi không lý do. Trong đó, hệ THPT là 37 TS và GDTX là 679 TS. Sang đến ngày thi 3-6, có thêm 49 TS thuộc hai hệ THPT và GDTX bỏ thi.
Dù đã được hướng dẫn và phổ biến quy chế thi vài ngày trước kì thi tốt nghiệp nhưng hiện tượng TS vi phạm quy chế thi vẫn xảy ra. Trong hai ngày thi, có 2 TS thuộc hệ THPT tới chậm so với thời gian tính giờ làm bài, 2 TS bị kỉ luật do mang theo tài liệu và điện thoại vào phòng thi. Tại HĐT Trường THPT Phú Nhuận, có 2 TS tới trễ 45 phút (quy định 13h30) so với quy định vào buổi thi môn hóa. Cũng tại HĐT này, ngay trong ngày thi đầu tiên đã có 2 TS đến nhầm địa điểm thi nhưng do thời gian còn nhiều nên các TS đã nhanh chóng trở về địa điểm thi đúng nơi quy định. Hiện tượng “phao” thi, tài liệu vẫn còn xuất hiện tại một số HĐT hệ GDTX. Ở HĐT THPT Phan Đăng Lưu có xuất hiện một số tài liệu thi thu nhỏ bị xé nát trong các thùng rác được đặt trước mỗi cửa phòng thi trong buổi thi môn địa lý. Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Bình, Phó chủ tịch HĐT Phan Đăng Lưu cho biết: “Đây là chuyện vẫn diễn ra hằng năm trong các kì thi tốt nghiệp THPT. Khi đi thi, TS thường kèm theo tài liệu để phòng trường hợp HĐT dễ. Chúng tôi không thể khám xét thân thể TS, chỉ có thể thực hiện đúng theo quy chế thi và tinh thần tự giác làm bài của các em”.
Cũng theo đánh giá của Ban chỉ đạo kì thi tốt nghiệp THPT 2010, kì thi năm nay diễn ra nghiêm túc. Các HĐT tổ chức an toàn, trật tự và chưa xảy ra sự cố cũng như bất trắc xung quanh. Duy chỉ có trường hợp HĐT Trường Tiểu học Trần Quang Khải (Q.1) có xảy ra sự cố mất điện do việc đảo tải điện trong ngày thi đầu tiên. Tuy nhiên sự cố chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy năm phút và trước khi bóc đề thi, điện đã được cung cấp trở lại. Ở phía ngoài, nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng cảnh sát giao thông, dân phòng nên tại các HĐT không xảy ra hiện tượng ách tắc, đảm bảo thông suốt trong thời gian trước và sau khi thời gian thi diễn ra.
ĐBSCL: Đề sử, địa vừa sức TS

Giám thị coi thi đang kiểm tra thông tin của thí sinh trước khi bước vào phòng thi. Ảnh: T.T.Q

Hôm qua (3-6-2010), cùng với TS cả nước, TS của TP. Cần Thơ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục thi hai môn địa lý và lịch sử. So với ngày thi đầu tiên, số lượng TS bỏ thi tăng 1 TS, nâng tổng số TS bỏ thi lên 14 TS. Trong các TS bỏ thi ở hệ phổ thông, có 2 TS bị bệnh; những TS còn lại bỏ thi vì lý do khác hoặc không lý do. Còn ở hệ bổ túc trung học, số lượng TS bỏ thi tăng lên 9 TS, nâng tổng số TS lên 58 TS, trong đó, có 1 TS vi phạm quy chế bị đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi ở HĐT Trường THCS phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn.
Cũng như ngày thi đầu tiên, phần lớn TS rời phòng thi với tâm lý khá thoải mái. Theo nhiều cán bộ, giáo viên và TS, đề thi môn địa lý khá hay nằm trong chương trình lớp 12, có tính chất phân loại TS, có khả năng lấy điểm 7, 8. Đề thi môn lịch sử không dài nhưng khá bao quát chương trình lớp 12. Nhìn chung, nếu TS có học bài, khả năng kiếm được điểm 6, 7 là không khó.
Tại Vĩnh Long, trước khi kỳ thi diễn ra, có 2 TS bị bệnh không thể đến phòng thi và 2 TS bị tai nạn giao thông sau buổi đầu tiên đến ra mắt HĐT nên không thể thi. Như vậy, qua hai ngày thi, TS bỏ thi ở tỉnh Vĩnh Long là 18 người. Ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long cũng đang hoàn tất các thủ tục để đặc cách cho các TS này (nếu đủ điều kiện).
Ở An Giang, ngày thi đầu tiên, tại HĐT Bình Khánh - HĐT bổ túc trung học có một TS mang điện thoại di động vào phòng thi và bị lập biên bản dù chưa hề sử dụng điện thoại. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, cho biết: “Qua gần 2 ngày thi, số lượng TS vắng là 28 TS, trong đó, có 3 TS bị bệnh, 1 TS đi trễ, còn lại không lý do”.
Miền Trung: Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra
Trong mùa thi năm nay, trải qua 2 ngày thi tốt nghiệp đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra ở khu vực miền Trung. Quảng Ngãi có 137 TS bỏ thi không có lý do, trong đó hệ THPT có 88 TS và 49 TS hệ giáo dục thường xuyên. Có 96 TS đã vắng mặt tại tỉnh Bình Định, trong đó hệ THPT là 66 TS và 30 TS hệ GDTX. Còn tỉnh Quảng Nam, có 168 TS vắng mặt, trong đó có 104 TS thuộc hệ THPT và 64 TS hệ GDTX.
Tại Quảng Ngãi, một cán bộ làm công tác coi thi tại HĐT Trường THPT số 1 Sơn Tịnh (huyện Sơn Tịnh) bị đột quỵ dẫn đến tử vong ngay trong rạng sáng ngày thi đầu tiên (ngày 2-6). Đó là thầy giáo Dương Văn Phương, 42 tuổi, giáo viên dạy môn lịch sử Trường THPT Lý Sơn, huyện Lý Sơn. Theo lời kể của thầy giáo cùng phòng tại nhà nghỉ Cây Đa (thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh): “Vào khoảng 2h sáng cùng ngày, thầy Phương có biểu hiện khó thở và bị sùi bọt mép, sau đó tôi đưa thầy Phương bằng taxi đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tịnh, nhưng khi đến nơi thì thầy Phương ngừng thở”. Trước sự mất mát đau lòng trước ngày thi, ngành giáo dục đã kịp thời hỗ trợ cho gia đình thầy Phương 6 triệu đồng, để lo việc an táng. Trước một ngày, một TS trên đường đến điểm thi đã bị tử vong do tai nạn giao thông.
Tại Quảng Nam, có một TS bị tai nạn giao thông, tay phải bị gãy và đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Duy Xuyên (huyện Duy Xuyên). Nạn nhân là em Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, huyện Duy Xuyên), số báo danh 040642, phòng thi số 27, thuộc HĐT đặt tại Trường THPT Sào Nam (cùng huyện). Ông Nguyễn Tất Thắng - Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết: “Trường hợp em Nguyệt là TS có học lực trung bình cả năm học lớp 12, hạnh kiểm đạt loại khá nên sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp, nếu em tiếp tục thi các môn còn lại và đều đạt từ 5 điểm trở lên (diện đặc cách thứ 2)”.
Giám thị Trịnh Thị Kim Chi - giáo viên Trường THPT số 1 Phù Cát trên đường đến HĐT đặt tại Trường THCS Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định thì té xe. Cô Kim Chi bị sây sát nhẹ, bong gân và không thể đảm nhiệm công tác coi thi. Đáng thương hơn, TS Lê Thị Hoa sau khi thi xong môn hóa tại HĐT Trường THPT Nguyễn Trong, huyện Hoài Nhơn và đi về, trên đường đi thì bị tai nạn giao thông; hậu quả em Hoa bị chấn thương sọ não và đang nằm mê man tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định nên phải bỏ thi.
Nhóm PV

Sau 2 ngày thi, cả nước đã có 5.245 TS bỏ thi. Trong đó, số TS đến chậm quá thời điểm tính giờ làm bài là 35 TS, 54 TS bị tai nạn giao thông, 540 TS ốm không thể tham gia dự thi.

Số TS vi phạm bị đình chỉ thi sau 2 ngày thi là 62 TS. Sau 2 ngày thi, chưa có giám thị nào bị xử lý, kỷ luật.