Thứ bảy, 22/10/2016, 22h11

Vì sao ngoại ngữ tốt mà giao tiếp kém?

Từ năm 2008, Việt Nam xây dựng Đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 (gọi là Đề án ngoại ngữ 2020). Đến nay dù đã đi được nửa chặng đường nhưng kết quả, chất lượng đào tạo vẫn không như mong đợi. Do đó, giải pháp cho thời gian tới đó là cần có một trung tâm khảo thí ngoại ngữ cấp quốc gia.

Một tiết dạy học tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ 2020 tại Trường THCS Minh Đức, Q.1 (TP.HCM). Ảnh: N.Trinh

Học và thi phải độc lập

Tại hội nghị về khảo thí ngoại ngữ New Directions tại  Việt Nam được tổ chức vừa qua, bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh (Giám đốc Trung tâm khảo thí Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) cho biết từ năm 2014 bắt đầu có khung đánh giá năng lực 6 bậc dành cho Việt Nam. Đó là khung tham chiếu châu Âu dành cho ngôn ngữ. Vì vậy, đây cũng là bước cơ sở đầu tiên mà chúng ta dần đạt tới được khảo thí chất lượng quốc tế.

Bà Quỳnh cũng cho hay, đến nay Việt Nam mới có 2 bài kiểm tra là bài đánh giá năng lực sử dụng ngoại ngữ bậc 3 đến bậc 5 và bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ bậc 2 dành cho người lớn. Ngoài ra còn có 3 định dạng được Bộ GD-ĐT ban hành dành cho học sinh tiểu học, THCS và THPT. Đó là dạng đề thi đã được xây dựng theo hướng chuẩn hóa, có nghĩa là dựa trên chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, theo bà Quỳnh, năng lực ngoại ngữ của lao động Việt Nam vẫn hạn chế. “Đã có một số quy định về năng lực ngoại ngữ của sinh viên  ĐH nhưng chưa áp dụng bắt buộc trong toàn hệ thống. Cụ thể với sinh viên chuyên ngoại ngữ cần phải đạt trình độ năng lực bậc 5 theo khung 6 bậc - tương đương C1 của khung tham chiếu châu Âu. Sinh viên các chuyên ngành khác chỉ cần đạt cấp độ 3 (B1). Tuy đặt ra mục tiêu đó nhưng mỗi đơn vị đào tạo sẽ có lộ trình riêng để đạt chuẩn này”, bà Quỳnh nêu thực trạng.

Trước câu hỏi có cần phải có một quy định về cơ chế hoạt động của các trường ĐH được phép đánh giá năng lực ngoại ngữ? Bà Quỳnh khẳng định, hiện nay ở các trường chưa đảm bảo hiệu quả như mong đợi về hoạt động khảo thí. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đó cần sự phối hợp của rất nhiều đối tác khác nhau. Cụ thể là phải có chính sách chặt chẽ để giám sát từng bước hoặc từng hoạt động trong công tác khảo thí của 10 trường được tham gia đánh giá. Bản thân các trường cũng phải xây dựng những trung tâm chuyên trách. Thực tế cho thấy không phải trường nào trong số đó cũng có một trung tâm hay đơn vị chuyên trách. Việc rất cần làm ngay là giám sát, kiểm soát về chất lượng, từ đó sẽ tác động tới số lượng. Để giải quyết sự lộn xộn trong cấp chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay, bà Quỳnh cho rằng cần thiết phải tách độc lập giữa đơn vị khảo thí (tổ chức thi đánh giá) và đơn vị tổ chức ôn luyện. “Người tổ chức thi không thể là người tổ chức luyện thi. Có như thế kết quả mới chính xác và khách quan. Ở Trường ĐH Ngoại ngữ, đơn vị tổ chức ôn luyện cho người học khác với đơn vị tổ chức khảo thí”, bà Ngọc Quỳnh cho hay.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng chia sẻ trăn trở trước thực trạng yếu kém ngoại ngữ của học sinh - sinh viên và người lao động Việt Nam. Theo đó cần nâng cao chất lượng khảo thí tiếng Anh, từ đó tác động trở lại vào chất lượng dạy - học ngoại ngữ là một thách thức trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Mong muốn của Việt Nam là sinh viên ở các trường ĐH ngoại ngữ tốt, đặc biệt là các trường ĐH đã sử dụng các chương trình nước ngoài, giảng dạy trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, có đủ trình độ ngoại ngữ để hội nhập, giao lưu với thế giới và sẽ được các trường nước ngoài công nhận văn bằng, tín chỉ.

Nhờ nước ngoài giúp xây dựng trung tâm khảo thí

Lý giải về tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn gặp khó khăn về ngoại ngữ, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng thực trạng học ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam là học từ vựng, ngoại ngữ tốt nhưng kỹ năng giao tiếp trực tiếp với người nước ngoài vẫn khó khăn. Do các em ít có cơ hội giao tiếp với người bản ngữ. Bộ GD-ĐT đã nhận thấy điều này, vì vậy sắp tới, bộ muốn tăng cường thêm giáo viên bản ngữ để sinh viên có thể giao tiếp trực tiếp. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các trường chiêu sinh sinh viên quốc tế đến học, ngoài giao lưu văn hóa thì ngoại ngữ cũng quan trọng. Trong thời gian tới, bộ sẽ có chủ trương khuyến khích các trường tăng cường kỹ năng ngoại ngữ thực tế hơn, nói, nghe, giao tiếp. “Lâu nay chúng ta đánh giá theo truyền thống của Việt Nam. Vì vậy, giờ phải theo chuẩn quốc tế vì ngoại ngữ không chỉ dùng ở trong nước mà mục đích là giao thương, hội nhập với nước ngoài. Bằng cấp về ngoại ngữ của chúng ta phải được nước ngoài công nhận”, ông Ga khẳng định.

Để giải quyết bài toán này, ông Ga cho hay Việt Nam đã có những bài đánh giá A, B, C, D, nhưng làm sao để bài đánh giá đó tương thích với thế giới, làm sao chứng chỉ cấp cho người học cũng được thế giới công nhận. Do đó, phải có sự hợp tác nhất định và Hội đồng Anh đang giúp Bộ GD-ĐT xây dựng trung tâm này.

Thiên Lam