Thứ bảy, 27/1/2018, 22h59

Vì sao sáng chế của HS-SV trùm mền?

Không phải sáng chế nào của học sinh, sinh viên (HS-SV) cũng được ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, mà sau khi đoạt giải thưởng thì thường mang về…trùm mền. Vì sao có tình trạng đó?

Giáo viên và học sinh tìm hiểu một sản phẩm do học sinh chế tạo tại một ngày hội khoa học

Các cuộc thi còn mang tính phong trào

Nguyễn Minh Quang (cựu sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng) chia sẻ, mỗi khi có sáng chế hay công trình nghiên cứu muốn phát triển thành sản phẩm, chúng em đều gặp không ít trở ngại. Khó khăn lớn nhất, theo Quang là tài chính để đầu tư theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, đầu tư rồi thì lo không thương mại hóa sản phẩm được.

Lo lắng của Quang cũng là lo lắng chung không chỉ của HS-SV mà còn của các nhà khoa học. Ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc điều hành Không gian đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp - SIHUB) cho rằng từ một công trình nghiên cứu, hay một sản phẩm đến với thị trường là  khoảng cách quá xa mà không phải cá nhân, tổ chức nào cũng hội đủ các yếu tố để đến với nó. Bên cạnh cơ chế chính sách thoáng, sự hỗ trợ về pháp lý, gọi vốn dễ dàng thì điều quan trọng là doanh nghiệp có đón nhận sản phẩm đó không. Ông Tước chia sẻ thêm, rất nhiều SV có sáng chế cũng như công trình nghiên cứu khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tuy nhiên tỷ lệ ứng dụng vào thực tiễn rất ít. Đây cũng là một cản trở lớn đối với SV có khát vọng khởi nghiệp từ những công trình, sản phẩm của mình. “Khởi nghiệp từ sáng chế không đơn giản chỉ có kiến thức chuyên môn, có tài chính là đủ mà còn nhiều yếu tố khác tác động, trong đó không thể thiếu ý chí”, ông Tước nhắn nhủ.

Làm thế nào để sáng chế của HS-SV đến với cộng đồng, không phải lãng phí về thời gian cũng như chất xám? Ông Lưu Quang Hạ (một Startup tại TP.HCM) khẳng định, sáng chế của HS-SV qua các cuộc thi cho thấy giá trị nghiên cứu là có, đầu tư chất xám là rất lớn song về hình thức thì còn hạn chế. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sáng chế của các em khó đến được với nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM), lâu nay các cuộc thi dành cho HS-SV còn mang vóc dáng phong trào chứ chưa đạt được mục tiêu đề ra. Một sản phẩm đoạt giải từ cuộc thi nào đó đều có ý tưởng tốt, đó là điều ai cũng thừa nhận. Tuy nhiên sự chăm chút từ nhà sáng chế thì chưa làm đến nơi đến chốn. Đó là điểm yếu của HS-SV và cả các nhà khoa học trong nước. Có chất xám công nghệ nhưng làm sao để có một sản phẩm công nghệ cho thị trường thì cần có một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng.

Ông Dũng cũng thừa nhận, lâu nay các sản phẩm hay sáng chế sau khi đoạt giải cuộc thi nào đó rồi thì không phát triển được nữa, chỉ dừng lại ở đó và… trùm mềm, tên tác giả và sản phẩm được nhắc đến vài lần rồi cũng đi vào quên lãng. Đó cũng là lãng phí, cụ thể là về chất xám.

“Sáng chế thế nào là quyền của mọi người, nhưng sáng chế đó có ra được thị trường hay không là chuyện khác, bởi do thị trường quyết định. Sáng chế không có nhà đầu tư thì cũng cần tự xem lại mình”, ông Dũng nói.

Phát triển khoa học công nghệ từ trường học

Đại diện phòng Sở hữu trí tuệ (Sở KH-CN TP.HCM) cho hay, những năm gần đây nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, người làm sáng chế chỉ đứng ở góc độ kỹ thuật là chính, khi đưa ra thị trường cần phải có kiến thức tổng hợp về thương mại, pháp lý… Khi có một sản phẩm, việc đăng ký sáng chế cũng như làm giấy khai sinh cho đứa con của mình, sau đó cần nuôi dưỡng, chăm sóc thường xuyên. Bằng sáng chế chỉ là công cụ kiếm tiền, không là bằng khen hay giải thưởng như nhiều người nghĩ.

Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, để khắc phục những điểm yếu đã nêu, phòng Khoa học công nghệ cơ sở (Sở KH-CN TP.HCM) đã đào tạo 300 giáo viên và 1.400 HS-SV tiếp cận đổi mới sáng tạo, chế tạo đồ dùng học tập. Giáo viên được đào tạo là thầy cô dạy bộ môn kỹ thuật công nghệ, để truyền đạt trong HS. Ngoài ra, sở cũng đã tư vấn thành lập Câu lạc bộ hoạt động đổi mới sáng tạo cho 15 trường THPT, đào tạo 50 giảng viên của 10 trường ĐH-CĐ về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp và có 30 giáo trình online để giảng dạy.

T.Anh