Thứ hai, 26/11/2012, 10h11

Vì sao trường ta “sính” thầy Tây?

Không chỉ có các trường quốc tế, các trung tâm ngoại ngữ, mà gần đây, các trường công lập cũng đã hợp đồng giảng dạy tiếng Anh với người nước ngoài. Mục tiêu của các trường là giúp học sinh tăng cường phần giao tiếp với người bản xứ, rèn kỹ năng nghe nói.
Có cầu, ắt có cung

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đến hết tháng 6/2012, nếu áp dụng khung tham chiếu châu Âu, toàn quốc chỉ có 1.062/11.784 giáo viên tiếng Anh tiểu học đạt trình độ B2; 2.785 GV đạt trình độ B1. Con số này là quá ít ỏi so với tỉ lệ 60,17% giáo viên tiếng Anh hiện nay có trình độ đại học (ĐH) và sau ĐH trên cả nước.
Kết quả khảo sát trình độ giáo viên tiếng Anh ở 30 tỉnh, thành phố vừa qua cho thấy: 97% giáo viên THPT và 93% giáo viên THCS không đạt mức chuẩn của đề án xây dựng. Đáng lo ngại hơn, ở bậc Tiểu học có tới 17% giáo viên trên toàn quốc chỉ đạt trình độ A1, tức là tương đương về trình độ với người vừa nhập môn tiếng Anh.
Điều này khiến phần lớn phụ huynh và các cơ sở giáo dục “giật mình” trước chất lượng của giáo viên ngoại ngữ Việt Nam, đặc biệt khi số liệu 30% giáo viên nghe không hiểu được tiếng mình đang dạy được đưa ra.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu được va chạm, tiếp xúc với những nền văn hóa khác càng mạnh mẽ, do vậy, ngoại ngữ là thứ không thể thiếu với những “công dân toàn cầu”. Tuy nhiên, quan sát một giờ học tiếng Anh hiện nay cho thấy cả phương pháp dạy-học và độ chuẩn xác kiến thức của người dạy đều có vấn đề, đặc biệt phát âm và kỹ năng diễn đạt nói.

Việc dạy - học ngoại ngữ hiện nay còn rất thụ động.
Thiếu những cố gắng cần thiết, cứ theo quán tính này, chỉ một vài năm nữa Việt Nam sẽ có một loại tiếng Anh riêng mà không ai hiểu ngoài chính người nói: Vinglish (tiếng Anh Việt Nam). Chính những điều này đã thúc đẩy việc tìm thầy “ngoại” để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của phụ huynh và học sinh.
Giáo viên bản ngữ có rất nhiều lợi thế, phù hợp với yêu cầu của học sinh cũng như phụ huynh Việt Nam, trước hết, họ nói ngoại ngữ “xịn” và phát âm chuẩn. Đây được coi là điểm yếu của giáo viên ngoại ngữ Việt Nam mà giáo viên bản ngữ dễ dàng khắc phục.
Thầy tây cũng có đặc điểm chung là rất nhiệt tình. Họ biết cách làm cho mối quan hệ thầy trò trở nên thân thiện, cởi mở bằng những hành động khuyến khích học sinh chủ động tìm đến mình.
Họ sẵn sàng là người đến lớp sớm nhất và về muộn nhất để có thời gian giải đáp thắc mắc của học sinh sau khi đã hoàn thành bài giảng. Với phong cách luôn cởi mở và chủ động của người châu Âu, họ luôn biết cách sáng tạo ra những tình huống mang tính tập thể để lôi kéo học sinh tham gia. Nhiều giáo viên còn nhiệt tình giảng dạy ngoài giờ cho những học sinh có nhu cầu học thêm.
Với những giáo viên đã từng có thời gian sống và làm việc ở Việt Nam trước khi bước vào giảng dạy, họ đã có cơ hội tiếp xúc với người Việt nên luôn hiểu bản chất của người Việt là ngại tiếp xúc, hạn chế trong lối phát âm.
Làm cho bài giảng sinh động, "thầy Tây xịn" thường bày trò chơi và các hoạt động lôi kéo sự tham gia của tập thể. Phương pháp này nhằm tăng tính tương tác của các học viên, nâng cao khả năng phản xạ ngôn ngữ... Với đối tượng là những học sinh nhỏ tuổi như mẫu giáo, tiểu học, THCS thì lối giảng dạy trên được áp dụng triệt để.
Cần “chuẩn hóa” giáo viên bản ngữ
Việc thuê thầy Tây dạy cho học sinh ta không còn là hiện tượng lạ trong ngành giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích thì cũng có một số vấn đề cần phải điều chỉnh cho phù hợp với môi trường giáo dục nước ta.
Tuy nhiên, nguồn giáo viên được sử dụng để giảng dạy trong các chương trình ngoại ngữ cũng rất đa dạng, có người có bằng chứng nhận ĐH, CĐ sư phạm nhưng cũng có những người học các trường ngoại ngữ, không có nghiệp vụ sư phạm, thậm chí cũng có những đối tượng Tây “balo”. Và tất nhiên, các trường học đều không thể đảm bảo chất lượng của giáo viên liệu có đạt trình độ B2 như yêu cầu của Bộ GD-ĐT hay không.
Bên cạnh những ưu thế tạo tâm lý thoải mái cho học viên để tiếp thu bài giảng một cách hiệu quả thì việc quá "linh động" của "thầy Tây" cũng ảnh hưởng rất nhiều tới phong cách sống của học trò.
"Thầy Tây" bê nguyên thói quen sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày của người châu Âu, châu Mỹ vào trong việc giảng dạy. Họ ít chú ý đến văn hóa học đường Việt Nam nên khá tùy tiện trong ứng xử, ngôn từ. Với thói quen sinh hoạt tự do nên "thầy Tây" cũng tạo ra xu hướng tự do nhằm tạo tâm lý thoải mái cho học viên.
Phần lớn phương pháp học từ những trò chơi áp dụng cho tập thể, tạo được sự sôi nổi ở trên lớp nhưng khi về nhà, việc ôn luyện bài của học viên gặp nhiều khó khăn. Vì chỉ có một mình nên nhiều học viên ngượng nghịu, cười trừ khi được hỏi đến phương pháp tự ôn luyện ở nhà.
Nhiều học viên lười học còn chống chế, ở lớp, "thầy Tây" tổ chức cho từng cặp đôi hoặc thảo luận nhóm về một chủ đề nào đó, hoặc trao đổi, về nhà không có ai "tung hứng" cùng nên không thể ôn được bài.
Thực hiện đề án dạy học chương trình tiếng Anh giai đoạn 2008-2020 của Bộ GD-ĐT, giải pháp sử dụng người nước ngoài dạy học là một hướng đi được các thành phố lớn trực thuộc TW chú ý và ủng hộ. Tuy nhiên, thay vì để các trường, các tổ ngoại ngữ linh động hợp đồng thầy “Tây” sau khi thỏa thuận với phụ huynh, các nhà quản lý giáo dục cũng cần chú ý tới yếu tố quản lý chất lượng và tư cách nhà giáo của người đứng lớp.
Việc quản lý chặt chẽ chất lượng giáo viên ngoại vừa đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất, vừa tránh những trường hợp “tiền mất, tật mang”.
Theo Vương Tâm
Petrotimes