Thứ ba, 16/1/2018, 10h37

Vị thế mới của nhân dân tệ

Bloomberg hôm qua (15.1) đưa tin nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc vừa tăng giá 0,81% đạt 6,4138 CNY đổi 1 USD.

CNY đã có mặt trong rổ tiền tệ quốc tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từ vài năm qua /// Reuters

CNY đã có mặt trong rổ tiền tệ quốc tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từ vài năm qua. REUTERS

Đây là mức giá cao nhất của CNY kể từ tháng 12.2015 đến nay. Việc tăng giá lần này có thể xem là diễn biến mới nhất sau hàng loạt động thái của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh giá trị lẫn vị thế của CNY. Ngày 14.1, Tân Hoa xã dẫn lời một phó thống đốc Ngân hàng T.Ư Trung Quốc phát biểu trong một hội nghị rằng: “Giá trị của CNY trên thế giới chưa tương xứng với vị thế nền kinh tế Trung Quốc”.

Thực tế, nhiều năm qua, Mỹ và không ít nước phương Tây đã chỉ trích Bắc Kinh cố ý định giá thấp CNY nhằm tăng lợi thế cạnh tranh xuất khẩu. Nhưng giờ đây, tình hình có vẻ đã khác. Trung Quốc muốn đẩy giá CNY, nhất là khi CNY đã có mặt trong rổ tiền tệ quốc tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từ vài năm qua. 

Siêu kế hoạch “Vành đai và con đường” sẽ mở ra cơ hội tăng cường thanh toán CNY. Kết quả thống kê năm 2017, Trung Quốc tăng 13% thặng dư thương mại với Mỹ, đạt mức 291 tỉ USD nên Bắc Kinh vẫn còn nhiều không gian để tăng giá CNY mà không quá lo lắng về nguy cơ thay đổi cán cân thương mại.
Mặc dù vậy, quyết định “cởi trói” để tăng giá CNY đồng nghĩa với việc Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh kế hoạch phát triển kinh tế hạn chế dựa vào lợi thế nhân công rẻ.
Thực tế này, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường thải hồi các công nghệ lạc hậu sang một số nước khác. Và đây chính là một trong các nguy cơ mà nhiều nước đang phát triển cần quan tâm.
Ngô Minh Trí/TNO