Thứ ba, 2/12/2008, 13h12

Việc làm cho Lao Động trẻ ở Quảng Bình: Việc ít, tuyển được còn ít hơn

Không ít lao động trẻ nông thôn ở Quảng Bình đi làm phụ hồ - Ảnh L.G.

Một số tỉnh khu vực Bắc Trung bộ vốn không nhiều doanh nghiệp nên nhu cầu tuyển dụng không sôi nổi như nhiều tỉnh thành khác. Tuy vậy, khi có cơ hội nhiều lao động (LĐ) trẻ nơi đây lại chưa đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển LĐ.

Mới đây, ở Quảng Bình một doanh nghiệp sách ở TP.HCM đã tổ chức tuyển nhân viên mới cho cơ sở kinh doanh sách đầu tiên mở tại TP Đồng Hới (Quảng Bình). Sau một ngày thông báo, hơn 200 hồ sơ xin việc của LĐ trẻ trong tỉnh được nộp tại cơ sở. Song theo người quản lý cơ sở của doanh nghiệp sách này tại Đồng Hới, trước mắt chỉ có thể tuyển 30-40 người vào làm việc; phần lớn là LĐ đã qua đào tạo ĐH, CĐ hoặc trung cấp với nhiều nghề nghiệp khác nhau, chưa có việc làm hoặc chỉ có việc làm thời vụ.

Bạn Trần Thị H., quê ở huyện Quảng Ninh, đã tốt nghiệp khoa VN học ở Trường ĐH Quảng Bình, cho biết: “Học xong rồi nhưng lâu nay vẫn không biết đi tìm việc ở đâu. Nay có chỗ đâm đơn cũng mừng, không biết có được làm không...”. Cùng “đâm đơn” với H. là Đinh Thị Hồng Th., quê ở thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, đã học xong trung cấp kế toán ở Đà Nẵng; đã có một chỗ làm tạm ở một công ty bảo hiểm trong tỉnh; giờ muốn tìm một chỗ làm khác “thu nhập khá hơn, ổn định hơn”. Không chỉ H. và Th., hàng trăm LĐ Quảng Bình đã thấp thỏm chờ vì số người tham gia nộp hồ sơ quá đông mà chỉ tiêu nhận việc ít.

Lâu nay nhu cầu việc làm cho LĐ ở TP Đồng Hới (Quảng Bình) cũng như một số tỉnh, thành Bắc Trung bộ hết sức khó khăn. Ở nhiều xã, phường huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, TP Đồng Hới..., LĐ trẻ lũ lượt vào TP.HCM và các tỉnh miền Nam hoặc sang tận nước bạn Lào mưu sinh. Ly hương, người may mắn đậu lại, nhưng không ít bạn đã khăn gói về lại cố hương sau bao năm tháng làm việc vất vả nhưng chỉ đủ ăn, không tích cóp được. Bởi vậy khi có các nhà tuyển dụng việc làm tại chỗ, nhiều LĐ trẻ đã mau mắn tìm đến.

Gần 60% LĐ trẻ thiếu việc làm

Anh Phan Văn Cầu, phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình, cho biết: tháng 10-2008 vừa qua, điều tra LĐ việc làm của tỉnh đoàn cho thấy từ thành thị đến nông thôn, gần 60% LĐ trẻ Quảng Bình thiếu việc dù có thể có nơi tuyển. Vì vậy, nhu cầu học nghề, đào tạo nghề của thanh niên hiện nay là cấp bách. Nếu nhiều bạn trẻ có việc làm sẽ bớt được tệ nạn xã hội đang có chiều hướng phát triển ở lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Anh Dương Văn Hùng, phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu và cung ứng việc làm thanh niên  Quảng Bình (thuộc Tỉnh đoàn Quảng Bình) cho biết thêm: riêng năm 2008 có khoảng gần 18.000 thanh niên trên toàn tỉnh cần việc; trong đó 10.000 thanh niên cần học nghề ngắn và dài hạn. Chỉ tiêu tư vấn việc làm mà trung tâm đặt ra năm nay là tư vấn nghề cho hơn 4.600 thanh niên; cung ứng và giới thiệu việc làm cho hơn 2.400 LĐ; đào tạo nghề tại chỗ và liên kết dạy nghề cho trên 1.100 thanh niên. Hiện trung tâm chỉ cung ứng được 460 LĐ xuất khẩu cho các nước thuộc Đông Âu, Bắc Phi, Đông Nam Á và Nhật, Hàn Quốc... trong khi nhu cầu đi xuất khẩu LĐ gấp 3-4 lần chỉ tiêu trên.

Sắp tới Quảng Bình sẽ có thêm nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu kinh tế đi vào hoạt động... Theo anh Dương Văn Hùng, trung tâm sẽ kết hợp với các tổ chức đoàn cơ sở đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh niên. Cần thiết thì dạy nghề theo kiểu “cầm tay chỉ việc” với những nghề truyền thống có ở địa phương như tiểu thủ công nghiệp, nghề phụ nông nghiệp, ngư nghiệp, kinh doanh... cho thanh niên tại chỗ.

LAM GIANG (TTO)

Hà Tĩnh: đào tạo lao động trẻ theo địa chỉ

Trong hai năm 2007-2008 tỉnh Hà Tĩnh đã thu hút hơn 10 tỉ USD đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh). Ðể đáp ứng LĐ trẻ có tay nghề cho nhà đầu tư, các trường nghề ở tỉnh hiện tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ. Nhiều trường đã liên hệ với các doanh nghiệp, các dự án đầu tư để nắm bắt nhu cầu sử dụng LĐ, qua đó nhận đào tạo nghề cho dự án nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho bạn trẻ thanh niên địa phương. Một số dự án lớn như nhiệt điện Vũng Áng, đóng tàu Vinashin, khai thác mỏ sắt Thạch Khê, nhà máy sản xuất gang thép Hà Tĩnh... sẽ được các trường đào tạo nghề của tỉnh cung cấp LĐ có chuyên môn cao.

Năm 2008, ngoài đào tạo tay nghề cho LĐ phổ thông, các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh cũng đào tạo nghề chuyên sâu bậc cao đẳng, trung cấp cho hơn 2.400 người, đưa tỉ lệ LĐ trẻ qua đào tạo lên 20,5%. Đến năm 2010 dự kiến tỉnh có 40% LĐ có chuyên môn kỹ thuật và đến 2015 là 55%, với chỉ tiêu đào tạo 20.000-25.000 người.

(L.Giang)