Thứ bảy, 27/8/2016, 10h00

Việt Nam đi đầu về đàm phán nhưng thực thi thì kém

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn số liệu cập nhật của Tổng cục Thống kê cho hay, 7 tháng qua, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa VN với ASEAN là 22,8 tỉ USD, giảm hơn 8% cùng kỳ năm trước.

Tại buổi làm việc với Bộ Công thương hôm qua (26.8) về hội nhập kinh tế quốc tế, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn số liệu cập nhật của Tổng cục Thống kê cho hay, 7 tháng qua, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa VN với ASEAN là 22,8 tỉ USD, giảm hơn 8% cùng kỳ năm trước.
Nhưng điều đáng ngại là tỷ trọng xuất khẩu của VN vào các nước trong khu vực lại giảm mạnh hơn, lên tới 12,3%, chỉ đạt 9,58 tỉ USD. Trong quan hệ với các đối tác lớn như Thái Lan, Malaysia, Singapore thì VN đều là nước nhập siêu. Nhớ lại thời điểm trước khi chính thức vào Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) vài năm trước, Phó thủ tướng cho rằng lúc bấy giờ chúng ta từng lo ngại VN sẽ chịu rủi ro trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của khu vực. Đành rằng "đường xa mới biết ngựa hay" nhưng giờ đây, sau 8 tháng vào AEC, theo ông Huệ, nỗi lo ấy đã thành nguy cơ thực sự.

Việt Nam đi đầu về đàm phán nhưng thực thi thì kém

Đáng ngại nữa là, khi tỷ lệ xuất khẩu của VN vào những thị trường chính này chưa tăng như kỳ vọng thì các đối thủ lại đang vượt mặt nhau để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất vào VN trong nhiều lĩnh vực.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán nhiều hiệp định kinh tế thừa nhận, trong giai đoạn đầu, các FTA mà VN tham gia chủ yếu là với các nước trong khu vực, vốn có nhiều nét tương đồng về kinh tế nên tính cạnh tranh với nhau cao rất nhiều hơn là bổ sung cho nhau. Có điều trong lúc doanh nghiệp các nước, hay các công ty FDI ở VN nắm bắt cơ hội nhanh hơn thì phần lớn doanh nghiệp nội vẫn làm ăn theo cách cũ: chờ người ta vào tận cửa mua hàng của mình hoặc ngồi đợi người ta mang thứ mình cần mua đến tận nhà máy. Số công ty biết chớp cơ hội, tự tổ chức được mạng lưới bán hàng ra được với thế giới chưa nhiều.

Chí Hiếu (TNO)