Thứ bảy, 12/1/2013, 09h01

Việt Nam tích cực xây dựng xã hội học tập

Ngày 10-1, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT và Hội Nhà văn Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp “Phát triển văn học trong nhà trường và nhà trường với văn học giai đoạn 2013 - 2020”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, cùng với Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ GD-ĐT góp phần vun đắp và xây dựng một cách toàn diện về nhân cách, tình cảm, nhận thức của thế hệ trẻ trong xã hội mới. Với những chương trình hành động cụ thể, chúng ta sẽ cùng khẳng định lại vị trí các môn khoa học xã hội nói chung và bộ môn văn học nói riêng trong nhà trường cũng như trong đời sống xã hội. Bộ GD-ĐT đã ý thức sâu sắc vai trò của ngành giáo dục đối với việc phát triển văn học nghệ thuật, bởi môi trường giáo dục chính là nơi tạo ra công chúng văn học, đồng thời cũng là nơi tạo thành các tác giả văn học…

Cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT, Viện Học tập suốt đời UNESCO (UIL) và UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khung chính sách quốc gia về học tập suốt đời với sự tham dự của đại diện 7 quốc gia khu vực ASEAN.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, xây dựng xã hội học tập gắn với việc học tập suốt đời đã thành xu thế tất yếu của nhân loại, nhất là trong kỷ nguyên kinh tế tri thức, hội nhập, toàn cầu hóa. Tiếp theo Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010, Chính phủ Việt Nam tiếp tục xây dựng Đề án xã hội học tập đến năm 2020 với quan điểm: Trong xã hội học tập, mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt.

Đề án được xây dựng với 4 nhóm mục tiêu cơ bản: xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn; hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn.

Tại hội thảo, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho rằng giáo dục chính là hạt nhân trong quá trình phát triển của ASEAN vì nó sẽ tạo nên một bản sắc chung và “xây dựng một xã hội đoàn kết và nhân văn, mang đậm tinh thần hòa nhập, nơi đó niềm hạnh phúc, sinh kế và phúc lợi của mọi người dân đều được nâng lên”. UNESCO sẽ đặc biệt hỗ trợ Việt Nam trong triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”.

V.Xuân - P.Thảo

(SGGP)