Thứ ba, 9/1/2018, 21h19

Viết tiếp bài Dạy học… cũng lắm công phu (ngày 5-1): Lưu ý khi dạy từ ngữ địa phương

Chương trình Ngữ văn lớp 8 (học kỳ 1) có bài Từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội, tuy ngắn nhưng khá hay, bởi cung cấp cho học sinh (HS) những khái niệm về loại từ này và những từ ngữ cụ thể. Trong đó, học về từ ngữ địa phương để cho thấy tiếng Việt rất đa dạng và phong phú, càng giúp HS dùng đúng tiếng Việt và yêu quý tiếng Việt hơn.

Học sinh tiểu học được chia nhóm thảo luận về viết câu (ảnh minh họa)Ảnh: N.Trinh

Dạy cho HS dùng đúng

Từ ngữ địa phương là từ ngữ chỉ sử dụng ở một hoặc một số địa phương nhất định. Việc nắm bắt từ ngữ địa phương không chỉ để hiểu được những từ ngữ riêng có của một địa phương, vùng miền nào đó, từ đó để dùng đúng mà còn góp phần tạo điều kiện cho HS thấy được sự giàu đẹp của tiếng Việt. Việc hiểu đúng là hiểu chính xác nghĩa của nó, bởi có những từ ngữ với nghĩa toàn dân thì mang nghĩa khác nhưng nghĩa địa phương lại mang nghĩa khác. Chẳng hạn, “ba” ở tiếng toàn dân (tiếng phổ thông) có nghĩa là số ba, thứ ba nhưng ở tiếng địa phương chỉ cách gọi cha (ở miền Nam); hay “tía” là màu tím đỏ ở tiếng toàn dân nhưng cũng là từ gọi cha ở một số tỉnh miền Nam, nhất là miền Tây Nam bộ… Có hiểu đúng thì mới dùng đúng, nhất là khi làm văn, viết văn, viết các tác phẩm văn học, báo chí… và đặc biệt là sử dụng trong giao tiếp hàng ngày. Bởi xét cho cùng, học văn, học tiếng Việt không phải chỉ để dùng trong văn bản mà chính là dùng trong đời sống.

Muốn giúp HS dùng đúng từ ngữ địa phương thì bản thân giáo viên phải hiểu và dùng đúng, nhất là với những giáo viên (GV) là người ở vùng khác. Chẳng hạn, GV là người miền Bắc, miền Trung mà dạy học ở miền Nam thì ít nhiều sẽ thiếu những vốn từ ngữ của miền Nam, nên phải chịu khó đọc, tìm hiểu. Thí dụ, với từ “bỏ thăm”, không phải ai cũng rõ nghĩa; cách hiểu thông thường là “bỏ phiếu bầu hoặc thăm dò ý kiến” (tương đương với nghĩa “bỏ phiếu” hoặc “bỏ phiếu bầu”), ngoài ra còn có nghĩa là “bỏ phiếu ghi số tiền tham gia cho một đợt mở hụi (khui hụi)”, mang nghĩa như là sự đấu giá. Hay từ “hai” có nghĩa là số hai trong nghĩa toàn dân, nhưng với nghĩa của miền Nam thì có nghĩa là “thứ bậc đứng đầu trong quan hệ anh chị em ruột” (gọi “anh Hai” có nghĩa là người anh lớn nhất trong gia đình), đồng thời là “cách gọi ai đó để thể hiện sự tôn trọng, đánh giá cao” hoặc “cách gọi mỉa mai người thể hiện mình là người đứng đầu” (Như câu: Mày làm giọng anh Hai người ta hả?)… Do đó, GV nên có một bảng từ địa phương và từ toàn dân tương ứng để tự mình nâng cao vốn từ và giúp HS học tốt bài học này cũng như biết thêm nhiều từ mới.

Chú ý mở rộng hơn tùy theo địa phương, vùng miền

Sự mở rộng phạm vi bài giảng so với sách giáo khoa là sự linh hoạt của GV, nhằm giúp cho HS có thêm nhiều thông tin, kiến thức, từ ngữ địa phương ở gần với khu vực các em đang sống. Ở một vùng miền, từng địa phương lại có những từ ngữ khác nhau hoặc chỉ dùng riêng cho từng khu vực. Do đó, sự mở rộng của GV có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng vốn từ cho HS. Chẳng hạn, một số tỉnh có đông người gốc Hoa thường dùng từ các “ý” (dì), “chế” (chị), “cố” (anh)… và những từ này được cả cộng đồng người Hoa, người Việt đều dùng, trở thành những từ ngữ địa phương chứ không phải từ của riêng một dân tộc nào.

Bên cạnh đó, sự mở rộng của GV còn không chỉ nằm riêng trong bài học này mà còn ở những bài khác, trong phần dùng từ, đặt câu, làm văn… hoặc gợi ý sáng tác những tác phẩm văn học. Sự thực hành nhuần nhuyễn của HS sẽ giúp câu, bài văn có sắc thái riêng, vừa mang tính địa phương phù hợp với nhân vật, bối cảnh câu chuyện vừa thể hiện sự phong phú trong cách diễn đạt, đồng thời có cách giao tiếp tinh tế hơn, hấp dẫn hơn. (Thí dụ: có thể so sánh: “Anh tôi là một nhà báo. Anh ấy đi công tác suốt” với “Anh tui là một nhà báo. Ảnh đi công tác suốt”…). Qua đó, giúp HS có thể giao tiếp, ứng xử phù hợp hơn, thuyết phục hơn.

Tránh lạm dụng

Từ ngữ địa phương nếu dùng hợp lý sẽ tạo nên sự sinh động và mang bản sắc đặc trưng của tác giả, của câu chuyện, của nhân vật… Tuy nhiên, việc sử dụng phải phù hợp văn cảnh, hoàn cảnh, đối tượng, câu chuyện, thể loại văn bản… Chẳng hạn: “Gia đình tôi có bốn người, tía, má, chế và tôi”, nếu là một câu trong đoạn giao tiếp (nói chuyện giữa những người ngang hàng với nhau) thì phù hợp, nhưng nếu trong một bài văn giới thiệu về gia đình thì lại không ổn. Trong một số văn bản như khoa học, hành chính…, gần như tuyệt đối không được dùng từ ngữ địa phương mà dùng các từ, thuật ngữ phù hợp và các từ toàn dân.

Sách giáo khoa mới cần thống nhất cách dùng từ

Bản thân tôi nhiều năm phụ trách chuyên môn ở trường tiểu học, do đặc thù công việc nên thường xuyên tiếp cận nghiên cứu chương trình và nội dung sách giáo khoa (SGK) - sách cải cách giáo dục năm 2000, đến giờ đã áp dụng được trên 17 năm. Tôi nhận thấy các tác giả biên soạn SGK cho bậc tiểu học, nhất là sách Tiếng Việt, thường dùng phương ngữ thông dụng giao tiếp ở miền Bắc. Trong khi SGK được giảng dạy trên toàn quốc, áp dụng cho học sinh mọi vùng miền nên khi giáo viên giảng dạy gặp phải các từ này thì ít nhiều gặp khó khăn trong việc giải nghĩa từ, nói chi đến việc mở rộng vốn từ. Tôi lấy thí dụ trong sách Tiếng Việt 1 (Nhà xuất bản Giáo dục, tháng 5-2002) có các từ: “trỉa đỗ”, “hai con trâu húc nhau”, “xâu kim”... là từ được dùng ngoài miền Bắc, vì vậy khi dạy giáo viên phải chuyển sang phương ngữ miền Nam có nghĩa gần giống từ đó, như: trỉa đỗ = trỉa đậu hay gieo đậu, trâu húc nhau = trâu dùng sừng chém với nhau, xâu kim = xỏ chỉ vào lỗ ở đuôi cây kim… để diễn đạt cho học sinh hiểu rõ. Tuy nhiên, với các từ “cá diếc” (không có hình minh họa trong SGK) và “gà gô” (có minh họa) rất nhiều giáo viên không thể giải thích cho rõ nghĩa được.

Tóm lại, tác giả soạn SGK không chú ý đến từ ngữ phổ biến thường dùng cho toàn quốc, mà dùng từ phương ngữ hay từ không rõ nghĩa, thì khi dạy giáo viên rất khó khăn trong việc truyền thụ kiến thức, mở rộng vốn từ. Mong ý kiến nhỏ này được các nhà biên soạn sách chú ý khi đưa ngữ liệu vào nội dung sách mới sắp tới.

Trần Văn Tám (Củ Chi, TP.HCM)

Dĩ nhiên, cần phân biệt từ ngữ địa phương với “tiếng lóng” và “biệt ngữ xã hội”. “Tiếng lóng” là một dạng biệt ngữ xã hội, là cách nói những từ ngữ riêng của một tầng lớp hoặc một nhóm người nào đó, nhằm chỉ để cho trong nội bộ hiểu được với nhau mà thôi; biệt ngữ xã hội không nhất thiết là tiếng lóng mà là từ ngữ chỉ được dùng trong một tầng lớp xã hội nhất định. Biệt ngữ xã hội ít theo địa phương, vùng miền, dù rằng ở từng địa phương, vùng miền cũng có biệt ngữ xã hội riêng, mà thường theo giới, tầng lớp xã hội.

Từ ngữ địa phương mang đậm sắc thái địa phương, còn biệt ngữ xã hội mang màu sắc tầng lớp xã hội, do đó GV phải dạy cho HS biết rằng khi sử dụng phải cân nhắc thận trọng để dùng đúng, hợp lý, thuyết phục. Sự tùy tiện hay lạm dụng đều ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt!

Trúc Giang