Thứ ba, 23/5/2017, 19h53

Viết về trẻ em: Thông tin sai có thể tạo thêm bi kịch cho các em

Ngày 22-5, tại Vĩnh Phúc, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội thảo “Phóng viên báo chí về truyền thông triển khai Luật Trẻ em và những vấn đề về trẻ em”. Đây là dịp để những người làm công tác truyền thông hiểu rõ thêm về Luật Trẻ em cũng như những lưu ý khi đề cập tới trẻ em trên báo chí.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em thông tin cho các phóng viên những điểm nổi bật trong Luật Trẻ em. Cụ thể, luật sẽ quy định 25 quyền/nhóm quyền của trẻ em với những quyền mới được bổ sung như: quyền của trẻ em khuyết tật; quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền của trẻ em không có quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn... Những bổ sung này xuất phát từ các nảy sinh trong thực tế cũng như hoàn thiện quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ so với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng đề cập tới những trách nhiệm của truyền thông, báo chí được quy định trong luật, trong đó có trách nhiệm cung cấp thông tin cho trẻ em, cung cấp thông tin về trẻ em, trách nhiệm để trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng qua các kênh thông tin phù hợp, trách nhiệm bảo vệ trẻ em thông qua quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, gia đình và bản thân...

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh (Học viện Báo chí và tuyên truyền), cho biết hiện nay có một số nhà báo khi tiếp cận vấn đề liên quan trẻ em chưa có hiểu biết cụ thể và đúng về trẻ em dẫn đến những sai sót không đáng có. Nhiều bài báo khi đưa hình ảnh trẻ em mặc dù với mục đích bảo vệ nhưng cách thức, phương pháp không đúng đã ảnh hưởng tới cuộc sống, thậm chí gây tổn hại cho các em. Do đó khi viết về trẻ em, “các nhà báo cần phải có kiến thức và hiểu biết trẻ em về Công ước quốc tế, về hệ thống luật pháp, đặc biệt là Luật Trẻ em, sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 6-2017. Các nhà báo cần có kỹ năng tác nghiệp và cách tạo ra những sản phẩm báo chí đúng với luật pháp, với chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp đã được Hội Nhà báo ban hành”, PGS.TS Oanh nhấn mạnh.

Nói về sự bảo vệ hiện tại và tương lai cho trẻ em, ông Nam đặt câu hỏi, một trẻ vị thành niên phạm tội, sau vài năm được xóa án tích trở lại cuộc sống đời thường, nhưng vết tích được lưu lại trên internet, trên mạng xã hội, trên báo thì tương lai đứa trẻ sẽ như thế nào? Nhiều trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục, khi bị báo chí khai thác đời tư quá kỹ đã không thể sống ở địa phương, cả gia đình em phải bỏ đi biệt xứ. Như vậy, nếu không cẩn trọng thì báo chí có thể sẽ vi phạm quyền trẻ em ngay khi đang tìm cách bảo vệ trẻ em.

Khuyến nghị cho truyền thông tại hội thảo, ông Nam cho rằng, các cơ quan báo chí cần tham khảo ý kiến tổ chức chuyên môn trước khi nêu hoàn cảnh gia đình, người giám hộ. Đặc biệt lưu ý trường hợp nhạy cảm vì tội phạm, nạn nhân, người giám hộ, người tố cáo… là thành viên gia đình. Thông tin nếu bị sai lệch, nhạy cảm có thể tạo thêm bi kịch cho cuộc đời các em.

“Chúng tôi khuyến nghị báo chí cần nghiên cứu kỹ hơn về quyền trẻ em vì đã có một số báo, một số kênh truyền thông đại chúng mong muốn bảo vệ trẻ em nhưng vi phạm quyền khác của trẻ em, đặc biệt là quyền bảo vệ bí mật đời sống riêng tư. Quyền này quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài và toàn diện của trẻ em. Đừng chỉ vì yêu cầu bảo vệ trẻ em mà quên đi các quyền khác của trẻ”, ông Nam bày tỏ.

T.Ban