Thứ năm, 6/10/2016, 15h08

Vinamilk tiên phong triển khai chương trình “Sữa học đường”

Ngày 05/10/2016 tại Tuyên Quang, Vinamilk đã tổ chức lễ phát động chương trình "Sữa học đường" năm 2016, đồng thời trao tặng 14 tỷ đồng cho học sinh của 14 tỉnh khó khăn nhất Việt Nam gồm Tuyên Quang, Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Kon Tum, Hòa Bình, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Yên Bái, Gia Lai, và Ninh Thuận.

Trước đó, trong những ngày cuối tháng 9/2016, với kinh nghiệm gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình “Sữa học đường” thành công, Vinamilk phối hợp cùng sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Đồng Nai, Bắc Ninh và Bà Rịa Vũng Tàu đã chính thức làm lễ phát động chương trình “Sữa học đường” năm học 2016-2017 tại các địa phương này.

Sau gần 10 năm thực hiện chương trình "Sữa học đường", tổng số học sinh được thụ hưởng là 380 ngàn em và tổng ngân sách trợ giá từ Vinamilk là 92 tỷ đồng.

Với khoảng nửa triệu học sinh sẽ được uống sữa tại nhà trường ở mỗi tỉnh trong suốt năm học, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm hưởng ứng chương trình “Sữa học đường” quốc gia vừa mới được chính phủ phê duyệt.
Dù thời gian triển khai khác nhau, nhưng chương trình “Sữa học đường” tại các địa phương này đều cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện suy dinh dưỡng, đem lại sự phát triển lành mạnh cho trẻ em về thể chất lẫn trí tuệ.
Với Bà Rịa Vũng Tàu, tỉnh đầu tiên thực hiện chương trình “Sữa học đường” từ năm 2007, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm mạnh từ 10% năm 2006 xuống còn 1,6% vào năm 2015 và suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 4,7% năm 2012 xuống 2.7% năm 2015.
Tại Bắc Ninh, nơi triển khai chương trình đầu tiên ở phía Bắc, tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm từ 6,6% (2013) xuống còn 2,3% (2015); và suy dinh dưỡng thấp còi giảm từ 8% (2013) xuống còn 3,8%.
Đồng Nai hiện là tỉnh thực hiện chương trình “Sữa học đường” có quy mô lớn nhất  cho cả khối mầm non và một phần bậc tiểu học uống sữa. Tuy tại tỉnh Đồng Nai còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng và phức tạp nhưng chương trình cũng đã mang lại những kết quả ấn tượng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân năm 2013 ở mức 9% thì đã giảm còn 6,2%  năm 2015 và suy dinh dưỡng thấp còi giảm từ 10% còn 7,5%.
Bên cạnh đó, Chương trình “Sữa học đường” cũng đã góp phần cải thiện nhận thức của cộng đồng về việc uống sữa đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ, giúp phụ huynh yên tâm về nguồn gốc và chất lượng sữa con uống tại trường, giảm bớt gánh nặng chi phí mua sữa cho phụ huynh./.

(Vietnam+)