Thứ tư, 21/10/2015, 08h41

Vĩnh biệt cô Hai Hồng

Sáng nay (21-10), đồng đội, đồng nghiệp, nhiều thế hệ học trò, đã đến tiễn đưa linh cữu tiến sĩ vật lý Trương Thị Hồng (Hai Hồng), nguyên Thành ủy viên, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tin bà ra đi, ai nghe cũng bàng hoàng, choáng váng dẫu biết bệnh tình bà không có dấu hiệu khả quan, lại nằm viện suốt hai năm ròng. Đồng chí, đồng nghiệp, những thế hệ học trò cũng đã về đông đủ để thắp nén nhang tiễn biệt người cách mạng lão thành, người thầy, người chị mà họ hết lòng tôn kính. Trong buổi gặp gỡ chẳng ai muốn ấy, họ nhắc lại những câu chuyện xưa cũ, gần như bị xóa nhòa bởi thời gian. Câu chuyện ấy không thể thiếu bà, một lãnh đạo ngành giáo dục thành phố trong thời kỳ còn nhiều khó khăn.

Lợi danh như bóng mây

Bà ra đi nhưng nhân cách của bà vẫn còn mãi trong trái tim của nhiều thế hệ ngành giáo dục TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Bà Phạm Thị Cúc, đồng đội cũ của bà Hồng bồi hồi nhớ lại: Tôi, Hồng và Hạnh (em gái Hồng, đã mất vì bệnh sốt rét - NV) ở cùng đơn vị, lúc bấy giờ là văn phòng của Ban Tác huấn Phòng Tham mưu. Ba mẹ tôi với ba mẹ của chị Hồng cũng là những người đồng chí với nhau nên tình cảm rất khắng khít, 15-16 tuổi đã ăn ở cùng và xem nhau như chị em trong gia đình. Điều tôi cảm kích ở chị Hồng là đức hy sinh, luôn sống vì người khác”.

Nhắc đến bà Hồng là nhắc đến một con người chân tình, giản dị và giàu lòng vị tha. Dù đã về hưu 21 năm nhưng bà Lê Thị Thu Nguyệt, nguyên cán bộ Phòng Hành chính Tổng hợp (Sở GD-ĐT TP.HCM) vẫn không thể quên, dù chỉ là một chuyện rất nhỏ về cấp trên của mình. “Chị Hồng hiền hậu, hết lòng với bạn bè, đồng chí và đồng nghiệp. Chị luôn tận tâm dìu dắt thế hệ sau, quan tâm, chia sẻ, lo lắng cho mọi người, sống không màng lợi danh. Còn bà Lê Ngọc Thu (nguyên Phó phòng Hành chính Tổng hợp Sở GD-ĐT TP.HCM) cho rằng mình học tập cách sống của chị Hồng: “Sống cho người tức là sống cho mình”.

Chồng hy sinh, cú sốc tinh thần khiến bà sinh non chị Trần Đức Hạnh (người con gái duy nhất của bà sinh 1955, tại Thanh Hóa), lúc ấy bà ngoài 20 tuổi. Bà ở vậy, lặng lẽ một đời. Trong ký ức của chị Hạnh vẫn còn hình bóng má mấy mươi năm về trước: Đó là những ngày tập kết ở Sư đoàn 330, lúc đó má là cô giáo, mình còn chập chững. Những trưa hè nóng bức sau giờ lên lớp, má tranh thủ ru con ngủ trong lòng, tay cầm sách học ôn thi vào ĐH Trường Sư phạm Hà Nội. Má đỗ vào Khoa Vật lý của trường. Má xin thêm một cái ghế kê bên chiếc giường cho con. Hình ảnh cô sinh viên bộ đội đi đâu cũng dắt theo đứa trẻ là hình ảnh quen thuộc với nhiều người. Gian khổ và thiếu thốn nhưng má vẫn tích cực tham gia hoạt động xã hội, trở thành sinh viên giỏi. Nhớ những chiều má tập xe cho tôi, hay lần má nằm trạm xá nhiều ngày sau trận Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, lần đầu tiên con biết nấu chè đậu đen. Rồi những ngày sơ tán, má đạp xe hàng chục kilômét để thăm con…

NGƯT Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) tâm sự: Từ lúc tôi còn là Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu đã có dịp tiếp xúc với chị Hồng. Sau này về công tác tại sở, chị em có dịp gần và hiểu nhau hơn. “Chị là một nhà giáo tâm huyết, gần gũi quan tâm đến đồng nghiệp và cấp dưới về cả vật chất lẫn tinh thần. Ở chị có đức tính tốt, là tấm gương trong ngành học tập. Tính tình dễ mến, hiền dịu nhưng cũng rất nghiêm khắc, đặc biệt là không sử dụng quyền uy mà bằng sự thuyết phục, trách nhiệm của mình để uốn nắn.

Sống cho người

Những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống của CB-GV-NV còn nhiều khó khăn, bà Hồng cải thiện đời sống bằng cách cho xây dựng bếp ăn tập thể, nấu tiệc đám cưới. Lúc bấy giờ, bà Nguyệt là người đưa ra ý tưởng và cũng là đầu bếp. “Đời sống của CB-GV-NV được cải thiện đáng kể, mỗi tháng chia 600.000 đồng - 700.000 đồng/người, khoảng 5 năm sau ai cũng có tiền mua nhà hóa giá…”, bà Nguyệt kể lại.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM các thời kỳ đến chia buồn cùng gia đình

“Kể từ ngày có bếp ăn, cơ quan sở hầu như ai cũng lên cân, trừ tôi. Thấy tôi ốm yếu, chị Hồng thường nhắc nhở chuyện ăn uống, quan tâm lo lắng hàng ngày như một người chị trong gia đình”, thầy Ngai xúc động, nói. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng GS. Cao Minh Thì, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT cũng có mặt để thắp nén nhang cho người chị đã có quãng khó khăn, vui buồn có nhau. GS. Thì chia sẻ: “Trên bước đường đời này, tôi và chị đã cùng nhau đi trên nhiều đoạn đường”.

Đến viếng bà Trương Thị Hồng, ông Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy viết trong sổ tang: Vô cùng thương tiếc đồng chí Trương Thị Hồng (cô Hai Hồng) kính mến, nguyên Thành ủy viên, người cán bộ đảng viên mẫu mực, đã dành tất cả tâm hồn, trí tuệ, sức lực cống hiến cho sự nghiệp trồng người, cho công tác giáo dục đào tạo của thành phố. Đồng chí luôn để lại ấn tượng tốt đẹp với tổ chức, đồng chí, đồng nghiệp.

Cảm kích về tấm gương của người thầy mẫu mực, ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM viết trong sổ tang: Vô cùng thương tiếc đồng chí Trương Thị Hồng, người cách mạng lão thành, người thầy, người chị, người đồng chí yêu quý của ngành giáo dục đào tạo thành phố. Tập thể CB-GV-NV ngành giáo dục kính cẩn trước trái tim nhân hậu, tâm huyết cả đời của cô Trương Thị Hồng dành cho ngành giáo dục và Nhân dân thành phố. Vô cùng thương tiếc đồng chí Trương Thị Hồng, người lãnh đạo đáng kính của ngành GD-ĐT TP.HCM. Chúng tôi là thế hệ đàn em, được kế thừa những đức tính tốt của đồng chí: Tâm huyết, trách nhiệm, thương người, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, có nếp sống giản dị, thân tình, được đồng nghiệp quý trọng thương kính.

Bài, ảnh: Trọng Tri

Bà Trương Thị Hồng (Phan Trưng Trắc, sinh 1932 tại An Nhơn, Gò Vấp, TP.HCM). Có thời gian bà đi học ở Nga; sau đó làm Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn. Dù ở đâu, sống ở hoàn cảnh nào bà vẫn là người đảng viên gương mẫu, người thầy mẫu mực, được Đảng, Nhà nước khen thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba; Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc; Huy chương Vì thế hệ trẻ; Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

Sau thời gian lâm bệnh, bà đã từ trần lúc 17 giờ ngày 18-10-2015. Sáng nay (21-10), linh cữu của bà được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Thành phố, Q.Thủ Đức.