Thứ hai, 24/8/2015, 16h47

Vỡ mộng “miền đất hứa”

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân tộc thiểu số xã Ia Le (huyện Chư Pưh, Gia Lai), các đối tượng xấu đã vẽ ra câu chuyện nếu ai vượt biên sang Thái Lan sẽ được một tổ chức đưa đến Mỹ sống cuộc sống giàu sang. Nhiều người nhẹ dạ đã bán bò, rẫy hoặc vay mượn tiền của làm lộ phí qua xứ người. Thế nhưng, điều họ nhận được ở “miền đất hứa” là cuộc sống cơ cực và vỡ lẽ mình bị lừa...

Thiên đường “ảo”

Hai tháng qua, lần lượt 8 người dân ở xã Ia Le gồm: Siu Bêh, Rmah Thoat, Rmah Aloh, Siu Phôi, Siu In, Siu H’Djreo, Siu But và Rmah Brơi đã trở về quê an toàn, chấm dứt chuỗi ngày sống vật vạ ở Thái Lan. Căn nhà của Siu Phôi (36 tuổi, làng Kênh Mek, xã Ia Le) nằm gần cuối con hẻm, xung quanh được bao bọc bởi ruộng bắp xanh tốt. Đến nhà anh, tôi hỏi có muốn sang Mỹ sống sung sướng không, bà Siu H’Bêh, mẹ Siu Phôi tỏ vẻ giận dữ: “Mấy người lại vẽ chuyện để lừa con tôi chứ gì. Nó bị lừa một lần nên khôn rồi, không mắc bẫy nữa đâu. Ra khỏi đây ngay, nếu không tôi báo già làng đến phạt”. Nghe tiếng người lạ, Siu Phôi từ sau nhà bước lên. Nhận ra người quen, anh quay sang trấn an mẹ: “Bạn con đấy. Không phải người từng lừa con đâu”. 

Siu Phôi trở về quê làm nương rẫy sau thời gian bị dụ dỗ sang Thái Lan

Nhắc đến chuyện mình vượt biên ra nước ngoài, Phôi kể: Vào cuối tháng 11-2014, anh đi gặt lúa thì nhận được cuộc điện thoại của người lạ đặt vấn đề: “Có muốn sang Thái Lan không?”. Tôi hỏi đến đó có lợi gì thì người bên kia đầu dây đáp: “Qua đó mấy tháng sẽ có người đưa sang Mỹ”. Chợt thoáng nhớ ở làng có người qua Mỹ, đời sống khá hơn nên tôi cũng ham, đồng ý nhận lời dù chưa biết mặt mũi người dẫn đường là ai. Sau khi thống nhất mức giá 17 triệu đồng tiền lộ phí, như lời hẹn, đầu tháng 12-2014, tôi đón xe vào Bến xe miền Đông (TPHCM). Tại đây, “cò” lái ô tô đến đón, đưa tôi đến cách cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) khoảng 100m thì dừng lại giấu xe rồi dẫn tôi băng cắt rừng để qua Campuchia. Trong rừng, tiếng thú dữ gầm rú, muỗi cắn, gai đâm chảy máu, nhiều lúc làm tôi muốn ngã quỵ, định quay lại nhưng hình ảnh cuộc sống sung sướng cứ bám trong đầu, trở thành liều thuốc kích thích thúc giục tôi đứng dậy đi tiếp. Sau 3 giờ băng rừng lội nước, người dẫn đường giao tôi cho một người đàn ông tuổi tứ tuần, trước khi được người này chở đi trên 2 chuyến xe khác mới đến được Thái Lan, kết thúc chuyến đi 2 ngày 2 đêm đến “miền đất hứa”.

Nhắc đến chuyện trốn vợ, bỏ đàn con để vượt biên sang Thái Lan, anh Rmah Brơi (42 tuổi, thôn kênh Mét, xã Ia Le) nói, do lời “quảng cáo” ở miền đất hứa có sức hút quá lớn. Theo anh Brơi, đầu tháng 1-2015, anh cũng nhận được điện thoại của người lạ đề cập đến chuyện sang Thái Lan rồi sẽ có người đưa đi Mỹ. “Họ nói qua đó sống rất sướng, có ô tô lái, tiền tiêu mãi không hết. Mình sống nửa đời người nhưng chưa có của dư. Cứ nghĩ viễn cảnh giàu sang ở miền đất hứa nên nổi lòng tham. Mình bán bắp, khoai cùng số tiền dành dụm được để lấy 20 triệu đồng đi Thái Lan. Lúc đi mình giấu gia đình, dự định qua đó làm có tiền rồi gửi về cho vợ mua bò, trâu, xây nhà thiệt đẹp. Sau khi đưa tiền, họ cũng dẫn mình trốn chui trốn lủi trong rừng, có đoạn phải đi đò rồi mới đến nơi”, anh Brơi hồi tưởng.

Không đâu bằng quê hương mình

Siu Phôi kể, khi xe dừng ở một thị trấn đông dân cư, tên “cò” bắt anh xuống xe, rồi phóng đi mất dạng chứ không căn dặn sẽ ở đâu, chờ ai đến đón. Phôi phải bắt đầu cuộc nơi xa lạ bằng việc thuê phòng trọ. Chỗ anh ở là khu trọ tồi tàn, hôi hám. Hai ngày đầu, Phôi ở ru rú trong phòng. Cái nắng như thiêu như đốt làm anh khó thở, ngột ngạt. Đến ngày thứ 3, Phôi nghĩ đến chuyện phải đi làm để cầm cự cuộc sống qua ngày. Anh xin làm phụ hồ. “Công việc cực kỳ nặng, nhiều khi làm miết không có thời gian nghỉ tay. Mới đầu người ta còn trả tiền, nhưng cũng có hôm người ta quỵt. Có thời điểm quỵt cả tháng lương làm mình đói, ốm đau không có tiền mua chai dầu bôi, khốn khổ vô cùng”, Phôi kể. Lúc khó khăn ấy, Phôi lại nhớ quê hương. Anh nghĩ về những năm tháng làm rẫy, lúa khoai chất đầy kho. Dù cuộc sống không giàu nhưng ngày nào cũng đủ 3 bữa. Càng nhớ quê hương, Phôi mới “sáng mắt” và giấc mơ giàu sang ở “miền đất hứa” cũng dần tan vỡ. “Rồi mình đi làm, gặp nhiều người cùng làng, họ cũng phản ánh chuyện bị lừa. Lúc ấy mình rất buồn, chỉ trách bản thân nhẹ dạ, thiếu hiểu biết. Mình tự dặn lòng bằng bất cứ giá nào cũng phải trở về quê hương”, Phôi nói. Để có tiền về quê, Phôi làm quần quật cả ngày lẫn đêm. Số tiền có được, anh chi tiêu một cách dè sẻn, số khác bỏ heo đất. Khi đã đủ tiền, Phôi cùng 2 người khác thuê các tay “cò” đưa về Hà Tĩnh, sau đó đón xe về Gia Lai trong niềm vui mừng khôn xiết.
 

Anh Brơi xin lỗi người trong buôn vì trót nghe theo kẻ gian trốn ra nước ngoài

Vào những ngày cuối tháng 7-2015, gia đình Rmah Brơi đã làm thịt con heo 20kg để mừng việc anh trở về an toàn. Buổi tiệc có khoảng 100 người dân đến dự. Tại buổi tiệc, Brơi xin lỗi người trong buôn vì dại dột qua Thái Lan theo sự lừa phỉnh của kẻ gian, khiến người thân, dân làng lo lắng. Brơi cũng kể cuộc sống lam lũ ở đất khách, rằng qua đó phải làm đủ nghề kiếm cơm. Tiền công thì ít, đói khổ triền miên. Có lúc đói phải ăn cơm với muối, thậm chí uống nước cho qua ngày. Cũng vì không chịu được cái khổ nên Brơi ráng tìm việc làm và dành dụm mãi được 10 triệu đồng rồi thuê người đưa trở về. Chị Siu Puh, vợ Rmah Brơi, kể: “Hồi về, người chồng tôi ốm như cái que do ăn uống kham khổ, chỗ ở chật chội. Bây giờ chồng tôi về sống trong nhà to, ăn uống đầy đủ nên người béo trắng hẳn ra. Anh cũng hay nhắc tôi phải biết yêu quý quê hương bởi không đâu tốt bằng quê hương mình”.

Còn nhiều người chưa về

Đến nhà chị Kpăk Hđen (42 tuổi, thôn Ken Xanh, xã Ia Le) vào ban trưa, chúng tôi thấy chị đang tất bật quét nhà, dọn cơm cho các con ăn. Chị Hđen là vợ của anh Siu Thuần (46 tuổi). Họ có với nhau 9 người con. Vào tháng 11-2014, chị Hđen đi làm đồng về không thấy chồng đâu, gọi hỏi thì được bảo đi thăm người thân. Một tuần sau, Hđen sang nhà gia đình chồng tìm, mới biết Siu Thuần đã đi Thái Lan. “Anh ấy gọi về liên tục, kêu sống khổ cực hơn ở quê nhiều lần. Chồng tôi giờ chỉ muốn về nhưng chưa có tiền. Anh cũng nói đang cố gắng đi làm thuê kiếm tiền để về với vợ con chứ không mơ giàu sang nơi đất khách quê người nữa”, chị Hđen nói.

Theo UBND xã Ia Le, từ năm 2010 đến 2015, trong xã có 79 trường hợp bị dụ dỗ sang Thái Lan và Campuchia. Để có tiền, nhiều người phải bán rẫy, bán bò. Ngoài 8 trường hợp trở về, số còn lại vẫn còn ở đất khách. Người thân ở nhà hiện sống trong nỗi nhớ mong khôn xiết. Ông Nguyễn Văn Dạng, Chủ tịch UBND xã Ia Le, cho biết đa phần những người bị dụ dỗ đang sống tại Thái Lan đã nếm trải cực khổ, nhận thức được việc mình bị lừa nên muốn về nhưng chưa có tiền, số ít còn lại vẫn ôm mộng chờ được đi Mỹ. “Để ngăn chặn tình trạng này, chúng tôi nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động bà con không nghe theo lời kẻ gian dụ dỗ. Những người đã trở về, chúng tôi cho viết bản cam kết không tái phạm, đồng thời tạo điều kiện thăm hỏi, giúp đỡ họ tái hòa nhập cuộc sống. Chúng tôi cũng mời họ tham gia các buổi họp dân để kể về quá trình bị dụ dỗ, cuộc sống thống khổ ở đất khách để người dân biết và tránh”, ông Nguyễn Văn Dạng nói.

Theo Võ Phúc/ SGGP