Thứ ba, 16/1/2018, 21h32

Vô tư hát bất chấp bản quyền

Vấn đề bản quyền ca khúc âm nhạc vẫn trong tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” lâu nay. Không ít tác giả ấm ức vì ca khúc bị sử dụng khi chưa xin phép.

Ca sĩ Mỹ Tâm cũng từng dính “lùm xùm” bản quyền với MV Anh thì không. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Vô tư... hát

Chuyện các ca sĩ sử dụng ca khúc khi chưa xin phép bản quyền từ tác giả lâu nay đã không còn là chuyện mới lạ trong làng giải trí Việt. Mới đây, vụ việc nhạc sĩ trẻ Minh Min bức xúc ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Khánh Ngọc sử dụng ca khúc “Chỉ còn những mùa nhớ” đã gây xôn xao. Trong chương trình Gala nhạc Việt, Hồ Ngọc Hà đã trình bày ca khúc “Chỉ còn những mùa nhớ” khi chưa xin phép bản quyền từ nhạc sĩ này. Ngoài ra, nữ ca sĩ Khánh Ngọc cũng sử dụng trái phép ca khúc này khi phát hành single, hòa âm lại, thể hiện bài hát trong liveshow “Bước chân hai thế hệ” và bán ca khúc này trên iTunes trong khi Minh Min không hề được biết điều này.

Có thể thấy, rất nhiều ca sĩ trẻ đã dính những vụ “lùm xùm” quanh chuyện vi phạm bản quyền. Trước đó, Tuấn Hưng và Khắc Việt cũng bày tỏ sự bức xúc và cảm thấy bị coi thường khi ca khúc “Tìm lại bầu trời” bị sử dụng mà không một lời xin phép trong chương trình “Nhân tố bí ẩn”.

Không chỉ ca sĩ trẻ, Mỹ Tâm cũng dính “lùm xùm” bản quyền với MV Anh thì không. Khi bị nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng - người chuyển thể lời ngoại của ca khúc này - tố cáo phát hành MV mà không xin phép ông về bản quyền, ca sĩ Mỹ Tâm cũng đã lao đao. Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đã cho rằng MV này của Mỹ Tâm vi phạm tác quyền khi không xin phép và không ghi tên ông là tác giả lời Việt của ca khúc nhạc Pháp này. Mỹ Tâm đã buộc phải gỡ MV khỏi YouTube dù đã đạt con số triệu lượt xem.

Điều 28 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định, tác giả hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu ca sĩ bồi thường thiệt hại, buộc xin lỗi công khai hoặc chấm dứt hành vi vi phạm đối với tác phẩm. Mức phạt tối đa đối với cá nhân có hành vi vi phạm bản quyền là 250 triệu đồng và đối với tổ chức là 500 triệu đồng. Điều đáng nói là có những ca sĩ hoạt động nghệ thuật lâu năm vẫn “hồn nhiên” làm điều này và cách giải quyết khi bị phát hiện chỉ là một lời xin lỗi. Nhiều tác giả ca khúc cũng không hề biết việc “đứa con tinh thần” của mình bị phát hành và biểu diễn khi chưa có sự xin phép. Có người chọn giải pháp im lặng cho qua, nhưng cũng có người quyết định lên tiếng.

Siết chặt chế tài

Câu chuyện vi phạm bản quyền âm nhạc dường như là bài toán chưa có hồi kết, đã minh chứng hiển nhiên về một sự thật bất công ngay trong giới nghệ thuật. Nhiều tác giả ấm ức vì ca khúc bị sử dụng khi chưa xin phép.

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cùng nhiều văn bản pháp quy khác như Nghị định 61, Nghị định 75 quy định rất rõ về quyền tác giả và nghĩa vụ của người sử dụng bản quyền nhưng Cục Nghệ thuật biểu diễn lại chỉ áp dụng Quy chế 47 - một văn bản dưới luật cần điều chỉnh bổ sung do có nhiều bất cập với tình hình thực tế trong giai đoạn hiện nay. Theo ý kiến nhiều nhà chuyên môn, Quy chế 47 không quy định phải kèm biên lai đóng tiền tác quyền trong hồ sơ xin phép công diễn, sản xuất chương trình không có nghĩa người sử dụng tác phẩm được quyền vi phạm quyền tác giả đã quy định trong luật và các nghị định trên nó. Đây là cách hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai của cơ quan quản lý chức năng để không chịu trách nhiệm khi cấp phép.

Điều 28 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định, tác giả hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu ca sĩ bồi thường thiệt hại, buộc xin lỗi công khai hoặc chấm dứt hành vi vi phạm đối với tác phẩm. Mức phạt tối đa đối với cá nhân có hành vi vi phạm bản quyền là 250 triệu đồng và đối với tổ chức là 500 triệu đồng. Điều đáng nói là có những ca sĩ hoạt động nghệ thuật lâu năm vẫn “hồn nhiên” làm điều này và cách giải quyết khi bị phát hiện chỉ là một lời xin lỗi. Nhiều tác giả ca khúc cũng không hề biết việc “đứa con tinh thần” của mình bị phát hành và biểu diễn khi chưa có sự xin phép. Có người chọn giải pháp im lặng cho qua, nhưng cũng có người quyết định lên tiếng.

Chính vì sự lờ mờ trong quy định mà những người liên đới trách nhiệm đều “ngó lơ” khi vụ việc xảy ra. Mặc dù đã có quy định rõ ràng về việc vi phạm tác quyền nhưng có lẽ ở Việt Nam điều này vẫn chưa được quản lý gắt gao một phần cũng vì luật chưa thật sự đi vào cuộc sống khi còn có những kẽ hở, chế tài chưa chặt chẽ.

Cũng “lùm xùm” chuyện bản quyền, làng nhạc Việt lại thêm xôn xao khi một số MV ca khúc có lượng xem (view) 30-40 triệu lượt trên YouTube buộc phải gỡ xuống do vi phạm bản quyền, buộc phải tính “view” lại từ đầu sau khi khắc phục và đăng tải lại. Chính sự vô tư của ca sĩ và ekip sản xuất đã cho thấy vấn đề bản quyền ca khúc ở Việt Nam sẽ còn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Yên Hà