Thứ tư, 22/11/2017, 15h22

Vụ 3 thanh niên rủ nhau nhảy cầu: Cảnh báo về lối sống vô cảm

"Có hiện tượng chúng ta đang sống lạnh lùng, cuộc sống của ai người đó biết mà ít quan tâm đến nhau" - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm nêu ý kiến quanh vụ 3 thanh niên rủ nhau nhảy cầu sông Hàn, Đà Nẵng tối 21/11.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, bản chất của những người tìm đến việc tự tử là do họ bế tắc trong cuộc sống và cái chết là con đường thoát tốt nhất đối với họ. “Trước tất cả những sự việc tìm đến cái chết là do họ nghĩ rằng đây là tốt nhất, hay nhất để giải thoát và việc này không loại trừ một ai, làm công việc gì và xảy ra ở mọi lứa tuổi"– TS. Lâm nói.

TS. Lâm cho rằng, để giải quyết vấn đề tự tử rất phức tạp, việc đầu tiên là phải giải thích làm sao cho người có ý định tự tử nhận thấy giá trị làm người là quý nhất để họ tự bảo vệ mình, tự nhận thức được trước khi hành động cần phải suy nghĩ, tính toán kỹ lưỡng. “Làm sao để họ hiểu được thân xác bố mẹ sinh ra mình là cao quý và phải nhận thức được điều này để dám đối diện và tìm ra lối thoát, còn nếu họ vẫn cho rằng có thứ khác cao quý hơn thì họ sẽ coi nhẹ sự sống của bản thân”- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ.

Cũng theo TS. Lâm, về phía gia đình, bạn bè, khi thấy những người này có biểu hiện sống khác, u uất, trầm cảm thì cần phải chia sẻ kịp thời và giúp họ tháo gỡ. Nếu quan tâm phát hiện sớm, có thể tìm cách trao đổi, gợi lại những giá trị cuộc sống cho họ và giúp họ tìm lối thoát tích cực...
"Có hiện tượng chúng ta đang sống lạnh lùng, cuộc sống của ai người đó biết mà ít quan tâm đến nhau. Ví dụ, những người đi đường thấy ai đó có hành vi lạ thì nên dừng lại quan tâm hỏi han chia sẻ với họ, biết đâu lúc đó họ lại có suy nghĩ chín chắn hơn và ngăn cản được họ làm điều gì đó sai lầm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên can thiệp một cách thô bạo vào cuộc đời người khác”- TS. Lâm nói.
Cũng theo Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm, xã hội phân hóa giàu nghèo, nhiều cám dỗ, hay sự kỳ vọng của bố mẹ, người yêu quá lớn... nên nhiều người trẻ khó vượt qua. Do đó, giới trẻ hiện nay cần trang bị kiến thức xã hội, có sức khỏe và được quan tâm, chia sẻ đúng mức. Không nên để họ sống co lại, ôm lấy nỗi buồn, không thoát ly được dẫn đến trầm cảm.

Trước đó, khoảng 20h30 tối 21/11, người dân đang lưu thông trên cầu Thuận Phước (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) phát hiện một nam thanh niên có ý định nhảy cầu tự tử và nhanh chóng trình báo với Đội Cảnh sát phản ứng nhanh 113, Phòng Cảnh sát Trật tự Công an TP Đà Nẵng.

Chuyên gia tâm lý giáo dục nói về vụ thanh niên rủ nhau nhảy cầu tự tử - ảnh 1
Nhiều người tập trung tại hiện trường theo dõi tung tích các nạn nhân.

Lực lượng chức năng nhanh chóng tiếp cận hiện trường, phát hiện anh Lê Ph. (20 tuổi, trú tại huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đang chuẩn bị nhảy xuống sông nên kịp thời ngăn cản.

Theo lời khai của Ph., hai thanh niên còn lại là Huỳnh Bảo K. (19 tuổi) và Võ Ngọc L. (17 tuổi) cùng quê với Ph. đã nhảy xuống sông Hàn mất tích. Theo đó, K. bị người yêu bỏ nên đã tìm đến L. và Ph. để tâm sự. Hai người này cũng đang có chuyện buồn nên K. rủ cả hai cùng nhảy cầu tự tử...

THANH HÀ/ TPO