Thứ hai, 12/10/2015, 09h38

“Vú nuôi” thời @: Bài cuối: “Mẹ già, con mọn”

Cô Trần Thị Ngọc Thu đang thoa phấn và mặc đồ cho bé Ý

Ở cái tuổi 50, vậy mà ngày ngày từ sáng tới chiều cô Trần Thị Ngọc Thu - giáo viên Trường Mầm non Hoa Phượng Hồng, H.Bình Chánh, TP.HCM cứ loay hoay với mấy đứa trẻ tuổi chỉ tính bằng tháng. Bởi vậy, nhiều người hay trêu chọc cô là “mẹ già, con mọn”…

Suýt mất cơ hội làm… cô nuôi dạy trẻ

Từ khi còn bé, Thu đã có ước mơ lớn lên sẽ trở thành cô nuôi dạy trẻ. Thế nhưng cha mẹ nghèo, lại đông con nên học hết lớp 9, Thu phải nghỉ học và đi làm. Sau đó may mắn được vào làm tại UBND xã Tân Quý Tây (H.Bình Chánh) với công việc hàng ngày là đánh máy.

“Làm được hơn một năm, tôi nói với chú Chủ tịch xã là: “Con rất muốn đi học để trở thành cô nuôi dạy trẻ”. Chú Chủ tịch xã đồng ý ngay và khi tôi trúng tuyển vào Trường Trung học Sư phạm mầm non TP (hệ 9 + 3), chú đã tặng tôi học bổng. Lúc này tôi 21 tuổi, lớn hơn các học viên trong lớp tới 5-6 tuổi. Vì vậy, tôi được bầu làm lớp trưởng. Tôi luôn cố gắng học thật giỏi và năm nào cũng được học bổng. Điều đó giúp tôi dễ dàng trải qua 3 năm học mà không phải bận tâm đến tiền học”, cô Thu kể lại.

Rồi ngày ra trường cũng tới. Với tấm bằng giỏi trong tay, cô Thu cứ nghĩ đó là điều kiện vô cùng thuận lợi để có một công việc tốt. Nhưng thật không may… Trong khi phòng GD-ĐT các quận, huyện đều tới trường để đón giáo sinh thì Phòng GD-ĐT H.Bình Chánh lại không thấy đâu. Vì lúc đó Bình Chánh không có nhu cầu tuyển giáo sinh mầm non. “Lúc đó tôi đã bật khóc. Thấy vậy, cô bạn học cùng lớp rủ về H.Nhà Bè làm vì ở đây đang thiếu giáo viên mầm non. Nghe vậy, tôi như thấy được ánh sáng cuối đường hầm. Nhưng ba mẹ tôi lại không đồng ý, lý do là đường sá xa xôi cách trở, đi lại khó khăn. Mà đúng thật. Nếu tính đường chim bay thì từ H.Bình Chánh qua H.Nhà Bè không có gì là xa. Song, thời đó đường sá không như bây giờ, từ Bình Chánh qua Nhà Bè vừa phải đi đường bộ, vừa phải qua đò. Nhà thì nghèo không có xe máy, xe buýt thì không có tuyến”, cô Thu kể tiếp.

Bỏ lại ước mơ trở thành cô nuôi dạy trẻ, cô Thu ở nhà lấy chồng sinh con. Rồi một ngày đang mải mê với chuyện cơm áo gạo tiền, cô Thu tình cờ gặp lại một người bạn cũng là người Bình Chánh học chung lớp ở Trường Trung học Sư phạm mầm non TP. Cô bạn cho biết, đang học cao đẳng sư phạm tiểu học vì Bình Chánh lúc này thiếu rất nhiều giáo viên tiểu học. Ước mơ được làm thầy của cô Thu như có dịp lại dâng trào. Thế là cô xin với chồng để đi học nhưng cha mẹ chồng nói: “Làm dâu rồi mà đi học cái gì”. Lại một lần nữa, con đường biến ước mơ thành sự thật của cô Thu dài hơn, trắc trở hơn nhưng cô chưa bao giờ ngừng nuôi ước mơ ấy…

Ông trời không phụ lòng người. Đúng 5 năm sau ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp Trung học Sư phạm mầm non, hay tin Trường Mẫu giáo Hoa Phượng (Bình Chánh) tuyển giáo viên, cô Thu vội vã tới trường xin việc. Cũng từ đây cô Thu chính thức trở thành cô nuôi dạy trẻ…

Tình yêu nghề đã “chiến thắng” tất cả

Hệ thống giáo dục của H.Bình Chánh những năm giữa thập niên 90 còn bộn bề khó khăn, nhất là giáo dục mầm non khó chồng khó.

Hồi đó chỉ có trẻ 5 tuổi được học mầm non thôi, ngày học một buổi. Mỗi ấp có một phòng dành cho 2 lớp/ sáng và chiều. Không như bây giờ, đồ chơi xếp đầy từ sân trường vào phòng học. Thời ấy, ngân sách không rót tiền mua đồ chơi nên giáo viên phải thức khuya dậy sớm để tự làm đồ chơi bằng các vật liệu bỏ như vải vụn, báo, vỏ hộp giấy, vỏ chai nhựa. Những thứ này thường là giáo viên xin từ phụ huynh, tuy vậy cũng có một số thứ cô phải cắt xén từ phần lương ít ỏi của mình để mua như giấy màu, miếng xốp…

Trong khi đó phòng học thì: “Hồi đó, Phòng GD-ĐT huyện giao cho Trường Mẫu giáo Hoa Phượng một điểm lẻ của Trường THCS Đồng Đen. Điểm lẻ này có 5 phòng học nhưng bỏ hoang từ lâu, cỏ mọc cao gần bằng người cô, muỗi như trấu bay vo ve suốt cả ngày. Đã thế phòng học thì ẩm ướt, u ám, hôi hám và dơ dáy. Chúng tôi phải dọn sạch để làm phòng học cho các bé mầm non”, cô Thu nhớ lại.

Song, những khó khăn ngày ấy đâu có thấm tháp gì với cái cảnh “mẹ già, con mọn” hôm nay…

Một ngày đầu tháng 10, tôi tìm lớp nhóm lớp 6-18 tháng của Trường Mầm non Hoa Phượng Hồng. Mặc dù đã gần 12 giờ trưa nhưng cô Thu và các đồng nghiệp vẫn chưa có hạt cơm nào lót dạ. Trong khi cơn đói đang gào thét trong bụng thì ở ngoài mấy đứa trẻ cũng đang la khóc. Đứa thì khóc vì gắt ngủ, đứa lại khóc vì không được cô giáo ôm ấp, đứa khóc vì bị bạn giật đồ chơi, cũng có đứa khóc vì bạn cắn do ngứa nướu, sắp mọc răng… Nói chung là có 1.001 lý do để những đứa trẻ nhỏ nhất là 6 tháng mấy ngày, lớn nhất thì 17 tháng 1 tuần khóc. Tay phải ôm bé này, tay trái vỗ về bé kia, miệng hát ru bé khác đang nằm trong cũi, cô Thu nhanh chóng dẹp được “loạn” trong lớp. Bé buồn thì đã ngủ, bé thức thì nhoẻn miệng cười - nhìn thấy ai cũng yêu.

Đang vui chơi với các bé, bỗng cô Thu ngừng lại và nói: “Có bé ị rồi. Mùi này là của bé Ý đây”. Nói rồi cô vội vã ẵm bé vào phòng tắm để tắm rửa cho bé. Mấy phút sau, bé Ý thơm tho trong vòng tay của “mẹ Thu” trở lại vui chơi với các bạn…

Cô Thu ngồi chưa nóng chỗ thì mùi lạ lại bốc lên. Vì mỗi bé có một mùi đặc trưng nên cô Thu nhanh chóng tìm ra chủ nhân của mùi lạ đó. Và “mẹ già” lại ẵm “con mọn” vào phòng tắm… “Phải đợi một thời gian nữa khi các bé lớn hơn chút xíu, việc đi vệ sinh có giờ giấc nhất định thì mới cho ngồi bô được. Còn bây giờ, nghe mùi riết rồi quen nên biết là bé nào ị”, cô Thu - tâm sự.

Bài, ảnh: Hòa Triều

Những bữa trưa không suôn sẻ

Bữa trưa của cô Thu và hai đồng nghiệp sẽ bắt đầu vào lúc 12 giờ 30 và có thể là trễ hơn. “Trời đánh còn tránh bữa ăn” nhưng các bé còn to hơn cả trời, nên cho dù là bữa ăn của các cô, chúng vẫn quậy. Mức độ quậy nghiêm trọng nhất là “ị”. Lúc đó, cô Thu hoặc các đồng nghiệp không còn cách nào khác là buông muỗng để tắm rửa vệ sinh cho bé, sau đó lại vào ăn tiếp như chưa hề có chuyện gì xảy ra… Những bữa ăn như thế này sẽ cứ tiếp diễn cho đến khi cô Thu về hưu. Và khi cô Thu về hưu thì lại có những giáo viên mầm non khác đem tình yêu thương đến với các bé…