Thứ hai, 24/10/2016, 10h27

Vụ tung tin nước mắn nhiễm asen: Dưới ánh mặt trời!

Vấn đề trong cuộc chiến nước mắm đang diễn ra gói gọn trong hai chữ đạo đức. Sự nguy hại nhất ở đây ngoài chuyện lợi nhuận, đó chính là sự tự nguyện tiếp tay cho cái ác của một nhóm người.

Câu chuyện nước mắm truyền thống lẫn nước mắm công nghiệp có lẽ đã đến hồi kết về mặt truyền thông. Đơn giản, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rà soát thông tin không chính xác bắt nguồn từ đâu, Bộ trưởng Bộ Công an tuyên bố kiên quyết xử lý sai phạm nếu có (Cần thiết khởi tố hình sự), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định “một dấu hiệu cấu kết bất lương”, Bí thư tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị mời các chuyên gia thẩm định chất lượng nước mắm truyền thống...

Lần đầu tiên sau nhiều năm làm báo của mình, tôi được chứng kiến cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm giải quyết cơn khủng hoảng thông tin. Và giải quyết được cơn khủng hoảng này chính là giải cứu cho ngành nước mắm truyền thống của nước nhà.

Vu tung tin nuoc man nhiem asen: Duoi anh mat troi!
Ảnh: Internet

Mắm, trong tâm khảm của người Việt không thuần túy chỉ là một thứ nước chấm, gia vị. Đó còn là một ký ức, một niềm thương truyền đời. Bộ Y tế đã phát đi kết quả khảo nghiệm, nước mắm truyền thống lẫn nước mắm công nghiệp đều an toàn. An toàn nghĩa là tất cả các thông số đều nằm trong ngưỡng cho phép.

Quan trọng nhất, hoàn toàn không tồn tại Asen vô cơ, tức thạch tín, như cái cách mà VINASTAS - Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cùng nhiều cơ quan truyền thông ngẫu nhiên hay hữu ý cùng nhau hồ hởi loan tin.

Sẽ không khó để đưa ra nhận định đây chính là một cuộc chiến truyền thông nhằm tạo nên sự hoang mang của đám đông với đích nhắm là sự dịch chuyển lựa chọn của người tiêu dùng đối với mặt hàng nước mắm.

Truyền thông cho sản phẩm bao giờ cũng tồn tại hai mặt, tạm gọi là truyền thông bẩn và truyền thông sạch. Truyền thông sạch hướng đến sự minh bạch về chất lượng sản phẩm. Cách này cần thực hiện lâu dài, tốn kém chi phí cao nhưng lại bền vững. Truyền thông bẩn đạt được hiệu quả rất nhanh bằng cách ném bùn vào mặt hàng mà người bỏ tiền thuê truyền thông nhắm đến, tạo nên sự hoang mang.

Cái chết của nước tương truyền thống vì thông tin 3-MCPD là một ví dụ. Truyền thông bẩn nhiệm vụ tối ưu là phá nát sinh kế của rất nhiều cá nhân bị đánh trực tiếp. Trong vụ nước mắm này, đó chính là những hộ sản xuất nước mắm nhỏ, lẻ. Thậm chí, là cả những thương hiệu lớn.

Doanh nghiệp Việt xưa nay vốn dĩ chăm làm hơn chăm vào chuyện bảo vệ thương hiệu lẫn khả năng phòng bị. Họ gần như không quan tâm đến những thứ tạm gọi là trang sức của thương hiệu. Nên họ rất dễ bị tổn thương khi bị tấn công. Suy cho cùng, vấn đề trong cuộc chiến nước mắm đang diễn ra gói gọn trong hai chữ đạo đức. Thật khó để hy vọng vào đạo đức của một nhóm người chỉ quan tâm đến mùi của giấy bạc, những kẻ sẵn sàng treo cổ mình lên nếu lợi nhuận tăng được gấp đôi. Huống hồ, là nghĩ cho người khác hoặc cộng đồng. Đấy chính là tội ác.

Sự nguy hại nhất ở đây ngoài chuyện lợi nhuận, đó chính là sự tự nguyện tiếp tay cho cái ác của một nhóm người. Kẻ ác chỉ mạnh lên khi có nhóm bầy phục vụ, kẻ ác không thể ác nếu bị từ chối. Tiếp tay cho cái xấu, tuyệt nhiên không phải người lương thiện. Tiếp tay cho cái sai, tuyệt nhiên không phải người tử tế. Không ai mạnh lên vì mưu toan đạp lên vai người khác, quan trọng hơn, nhân quả vẫn là điều hiện hữu trong cuộc sống này.

Dưới ánh mặt trời, sự thật dù có giỏi che giấu đến mấy đều lộ diện!

 

Ngô Kinh Luân/ PNO