Thứ bảy, 12/9/2009, 15h09

Vừa dạy vừa ngừa cúm A/H1N1

“Tăng cường các biện pháp phòng chống cúm A/H1N1 để vẫn học tập bình thường khi xảy ra dịch” là một mô hình mới về phòng chống dịch cúm A/H1N1 và lần đầu tiên được áp dụng tại TP.HCM.

Học sinh Trường THCS Lam Sơn rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để phòng tránh cúm A/H1N1 (ảnh chụp chiều 11-9) - Ảnh: A Lộc
Trong khi ổ dịch cúm A/H1N1 đang ngày càng xuất hiện nhiều tại các trường học trong TP, phụ huynh lo lắng không biết con mình có phải nghỉ học vì dịch cúm A/H1N1 hay không thì ngày 11-9, ông Lê Trường Giang, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định chỉ cần tăng cường các biện pháp phòng chống cúm A/H1N1, các trường học vẫn có thể học bình thường khi xảy ra dịch cúm này.
Sẽ nhân rộng
Những thành công bước đầu của mô hình này đã được Sở Y tế TP, UBND Q.6, Trung tâm Y tế dự phòng TP ghi nhận trong ngày 11-9 sau khi mô hình này được triển khai tại Trường THCS Lam Sơn (P.11, Q.6). Ổ dịch cúm A/H1N1 tại trường này được bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, đánh giá là một ổ dịch lớn. Tại đây, dịch bệnh đã lây lan ra 43/49 lớp với hai học sinh dương tính với cúm A/H1N1 và 139 học sinh có triệu chứng sốt (không làm xét nghiệm cúm A/H1N1-PV).
Thế nhưng suốt hơn ba tuần lễ qua kể từ khi dịch bệnh xảy ra tại đây, trường vẫn học và dạy bình thường. Bà Kha Lệ Thanh, hiệu trưởng Trường THCS Lam Sơn, cho biết ngày 19-8 nhà trường nhận được kết quả có hai học sinh lớp 8T2 dương tính với cúm A/H1N1. Sau đó ngày 21-8 số học sinh bị sốt mới đã lên 64 học sinh, ngày 24-8 giảm còn 22 học sinh, ngày 25-8 còn 13 học sinh sốt và những ngày gần đây chỉ còn 5-6 học sinh sốt mới mỗi ngày.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ cho biết tỉ lệ mắc bệnh của trường là 7,54% sau 22 ngày xuất hiện ổ dịch. Nếu so sánh với Trường nội trú Ngô Thời Nhiệm, Q.9 (nơi từng thành lập bệnh viện dã chiến), tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều. Tại Trường Ngô Thời Nhiệm là hơn 14% chỉ sau 3-4 ngày xuất hiện ổ dịch.
Ông Lê Trường Giang cho biết sẽ phối hợp với Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM để nhân rộng mô hình này trong toàn TP.
Theo dõi học sinh chặt chẽ
Dạy học bình thường
Tại buổi đánh giá về những thành công bước đầu khi thực hiện mô hình này, ông Lê Trường Giang khẳng định nếu tăng cường các biện pháp phòng chống thì dù dịch bệnh đã lây lan vẫn có thể dạy và học bình thường.
Bà Kha Lệ Thanh nhớ lại những ngày đầu khi dịch cúm A/H1N1 xuất hiện trong trường. Ban giám hiệu nhà trường “đau đầu” khi hơn 250 phụ huynh tự ý cho con nghỉ học sau khi biết trường có học sinh nhiễm cúm A/H1N1. Bên cạnh đó, số học sinh bị sốt tiếp tục tăng cao. Đúng lúc này, ông Lê Trường Giang cùng bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ đã xuống bàn với nhà trường thử nghiệm một mô hình mới là “Tăng cường các biện pháp phòng chống cúm A/H1N1 để vẫn có thể học bình thường”.
Ngay sau đó, ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức cuộc họp giữa các giáo viên trong trường và toàn bộ phụ huynh để trưng cầu ý kiến về việc “vừa dạy học bình thường vừa triển khai tích cực các biện pháp phòng chống cúm A/H1N1”. Kết quả 100% phụ huynh tham dự đều nhất trí với phương án này.
Bà Lệ Thanh cho biết vào giờ ra chơi, đầu giờ học, nhà trường liên tục phát loa nhắc nhở học sinh tự phòng chống cúm A/H1N1 như rửa tay thường xuyên, đúng cách, hướng dẫn học sinh sử dụng ly uống nước riêng hoặc chai riêng... Ban giám hiệu còn niêm yết các đường dây nóng để học sinh, phụ huynh có thể tư vấn trực tiếp về căn bệnh này. Nhà trường còn tiến hành tổng vệ sinh toàn trường; các phòng học, phòng chức năng, phòng nghỉ của học sinh bán trú được lau rửa thật sạch bằng thuốc Chloramine thường xuyên, giữ thông thoáng, cho ánh sáng rọi vào phòng học 2 lần/ngày...
Sau khi học sinh ngủ dậy lúc 14 giờ hằng ngày, các phòng nghỉ của học sinh bán trú (giường, chiếu, gối) được lau thuốc Chloramine khử trùng hằng ngày, chiếu, gối được phơi hằng tuần. Không tập trung toàn bộ học sinh ở giờ ra chơi mà phân tán học sinh ở nhiều khu vực sân trường, lớp học, hành lang, giãn nơi ngủ của học sinh bán trú.
Vào đầu các tiết dạy, giáo viên đều cho học sinh báo cáo sức khỏe của mình, đồng thời có trách nhiệm theo dõi sức khỏe của học sinh suốt thời gian học tập trên lớp nhằm phát hiện sớm học sinh có dấu hiệu bệnh. Những học sinh nào có triệu chứng sẽ được cách ly. Nhà trường còn có sổ theo dõi học sinh vắng mặt trong ngày, các giám thị phối hợp giáo viên chủ nhiệm liên hệ với gia đình để tìm hiểu lý do, thống kê số học sinh nghỉ học về y tế phường, trung tâm y tế dự phòng bằng email...
THÙY DƯƠNG (TTO)