Thứ tư, 26/3/2014, 13h03

Vững niềm tin trước mùa thi

Các em học sinh Trường THPT Hiệp Bình hào hứng tham gia trò chơi trong buổi tư vấn hướng nghiệp học đường
Vừa qua, chương trình Hướng nghiệp học đường - tạo lập tương lai do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Văn Hiến tổ chức đã diễn ra tại Trường THPT Phước Long và THPT Hiệp Bình (TP.HCM). Đây là chương trình nhằm mang đến cho các em học sinh (HS) bức tranh toàn cảnh về những vấn đề thường gặp ở tuổi mới lớn.
Ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng biên tập Báo Giáo dục TP.HCM, cho biết chương trình Hướng nghiệp học đường - tạo lập tương laido Báo Giáo dục TP.HCM và Trường ĐH Văn Hiến tổ chức được tích hợp nhiều nội dung nhằm mang lại cho các em những thông tin bổ ích với những vấn đề đang được quan tâm trong môi trường học đường.
Teen yêu phải biết giữ mình
Ngay từ đầu chương trình, sân trường đã được “đốt cháy” bằng phần chia sẻ của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Trưởng bộ môn tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) về vấn đề vốn nhạy cảm nhưng lại rất “nóng” với lứa tuổi học trò, đó là tình yêu. Ông thừa nhận, tuổi mới lớn thường khó tránh khỏi những rung động đầu đời được bắt đầu từ những ánh mắt trao nhau, cái nắm tay chạm khẽ. Nhưng cũng bởi đầu đời nên các em thường khó tránh khỏi những ngộ nhận, sai lầm khi chọn cách yêu theo ngoại hình bên ngoài mà chưa kịp đánh giá tính cách, bản chất bên trong con người đó, là khi chọn nghề nghiệp cùng người mình yêu, là sự buông thả theo cảm xúc cuồng nhiệt, tò mò của tuổi mới lớn… “Theo nghiên cứu của một tổ chức cho thấy: Tình yêu tuổi học trò là tình cảm dễ tan vỡ, chỉ 2,8% kéo dài từ lúc bắt đầu yêu cho tới lúc lập gia đình. Tình yêu đầu đời cũng thường khó tránh khỏi những cảm giác tò mò, khám phá. Vì vậy, nếu đã yêu, các em hãy biết cảm thông cho nhau, giúp nhau hoàn thiện hơn và cùng hướng tới những điều tốt đẹp. Nếu chưa yêu, các em cũng đừng vội kiếm tìm, hãy cảm ơn mẹ đã nuôi mình mười mấy năm chưa một lời than thở, cảm ơn cha đã lao động kiếm tiền nuôi con mà chưa mắng lấy một câu. Từ sự biết ơn đó, các em hãy cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất, chọn cho mình một nghề nghiệp đúng đắn nhất để sớm trưởng thành, báo hiếu cho cha mẹ”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhắn nhủ.
Ở góc độ khác, BS. Trương Trọng Hoàng (Trưởng bộ môn khoa học hành vi và giáo dục sức khỏe Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cũng có những lời khuyên giúp “học sinh ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, yêu đủ liều”. Theo BS. Trương Trọng Hoàng, vị thành niên là lứa tuổi cơ thể đang dần hoàn thiện và định hình sự phát triển giới tính. Nên ngoài việc giữ cho mình một chế độ ăn, ngủ, nghỉ hợp lý để đảm bảo tinh thần tốt nhất cho việc học hành, học sinh cũng không nên đi quá xa trong quan hệ nam nữ. Khi yêu, các em cần biết cách bảo vệ mình trước những lời lẽ đầy mê hoặc, cám dỗ và cũng cần trang bị cho mình những kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản để đề phòng trường hợp xấu có thể xảy ra.
Đường nghề rộng mở
Không chỉ được trò chuyện với các chuyên gia về tâm lý, sức khỏe, học sinh hai trường THPT Phước Long và THPT Hiệp Bình còn được gặp gỡ những gương mặt đã thành đạt trong chính sự lựa chọn ngành nghề, trường học của họ. Có lẽ, đây là lần đầu tiên, nhiều học sinh được giao lưu trực tiếp với người thật, việc thật về ngành nghề mà các em quan tâm. Không đâu xa, cô Đào Thị Vân (giáo viên môn văn Trường THPT Phước Long - cựu sinh viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Văn Hiến) chia sẻ: “Khi chọn nghề, hãy cứ đam mê hết mình, thành công và niềm vui sẽ tự đến”. Theo TS. Lê Phước Hùng (Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến): “Ngữ văn (với hai chuyên ngành sư phạm ngữ văn và ngữ văn truyền thông) là một ngành có truyền thống lâu năm và cũng là ngành thế mạnh của trường. Sinh viên ra trường đã tham gia giảng dạy tại nhiều trường học hay làm việc tại các cơ quan báo chí truyền thông khắp mọi miền đất nước”. Anh Lê Văn Hải, biên tập viên kênh truyền hình VTC16 (cựu sinh viên Trường ĐH Văn Hiến), khẳng định: “Chính kiến thức chuyên sâu được đào tạo, những kỹ năng được rèn luyện khi tham gia phong trào sinh viên cùng sự nỗ lực của bản thân đã tạo cho tôi cơ hội được nhận vào làm việc trước khi có bằng tốt nghiệp ĐH”.
Muốn đạt điểm cao không được tự mãn
Phần giao lưu với hai thủ khoa Trần Sơn Thành (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) và Nguyễn Hữu Hà (Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng giúp các em học sinh “dằn túi” được kha khá “bí kíp” trước hai kỳ thi quan trọng sắp tới. Với thủ khoa Nguyễn Hữu Hà, cách giúp bạn đạt được kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 chính là nhờ sự miệt mài giải đề thi để nắm vững cấu trúc đề thi, tạo tâm lý vững vàng trong phòng thi. Riêng với thủ khoa Trần Sơn Thành, số điểm 26,5 chính là được rút ra từ những thất bại, những bài học kinh nghiệm khi làm bài kiểm tra. “Các em không nên tự trách hay tự mãn trước kết quả những bài kiểm tra mà mình đạt được. Thay vào đó, các em hãy bình tĩnh suy xét xem mình rút ra được gì từ những bài giải đó, liệu bài tập đó còn có những cách giải nào khác. Càng giải nhiều bài tập, càng đúc kết nhiều bài học, các em càng có thêm kinh nghiệm khi bước vào phòng thi”, Thành chia sẻ.
Bài, ảnh: Linh Vy
“Chúng tôi tin rằng chương trình Hướng nghiệp học đường - tạo lập tương lai sẽ mang đến cho học sinh nhiều thú vị và bổ ích. Ngoài phần tư vấn tâm lý về tình cảm, sức khỏe, giới tính tuổi học trò, các em sẽ được giao lưu với thủ khoa các trường ĐH, chân dung những người đã làm việc và thành đạt với chính sự lựa chọn nghề nghiệp của họ”, ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng biên tập Báo Giáo dục TP.HCM, cho biết.