Chủ nhật, 6/9/2015, 11h36

Vững tâm vào lớp 1

Bỡ ngỡ, sợ sệt, lo lắng… là những cảm xúc của không ít trẻ ngày đầu tiên vào lớp 1. Để trẻ vững tâm vào lớp 1, phụ huynh cần giúp các em hình thành những kỹ năng cần thiết sau:

Thích ứng với môi trường mới

Cha mẹ cần xây dựng cho con hình ảnh đẹp ở trường để con cảm thấy hứng thú với việc học (nơi đó có nhiều bạn bè, có thầy cô luôn yêu thương...). Đồng thời cần gặp gỡ trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và chia sẻ về đặc điểm tính khí của con mình, điều này đặc biệt cần thiết đối với những trẻ hiếu động hay quá nhút nhát để giúp giáo viên có những biện pháp giúp đỡ riêng. Trong quá trình học tập, cha mẹ tránh việc so sánh con mình với các trẻ hàng xóm, với anh chị của trẻ, cho rằng trẻ viết xấu, học yếu, hiểu chậm…, như thế trẻ sẽ nảy sinh tâm lý tự ti, mặc cảm dẫn đến chán nản, mất hứng thú học tập.

Hòa đồng với tập thể

Đến với một môi trường mới, bạn bè và thầy cô giáo xa lạ, trẻ chắc chắn sẽ cảm thấy rất lo lắng, băn khoăn. Nếu trẻ luôn ở trong tâm trạng căng thẳng, bi quan thì chất lượng học tập sẽ giảm sút, mất dần hứng thú. Vì thế, cha mẹ và thầy cô giáo phải giúp trẻ tự tin, hòa đồng, chủ động tham gia các hoạt động ở trường. Bên cạnh đó, cha mẹ phải thực sự chú tâm với những lo lắng của con, tạo cơ hội cho con kể những câu chuyện về lớp học, về thầy cô giáo và bạn bè (như hôm nay con chơi với những bạn nào? Con có thể chơi được những trò chơi gì? Con giúp bạn bằng cách nào?...). Kịp thời khuyến khích để trẻ làm tốt hơn hay “tháo gỡ” nếu trẻ đang có điều lo lắng, tránh hiện tượng sợ sệt hay nhút nhát kéo dài.

Bà đưa cháu đến trường trong ngày khai giảng (ảnh chụp tại Trường TH Điện Biên, Q.10). Ảnh: N.Trinh

Thích ứng học tập

Tiếp thu kiến thức mới là một trong những thử thách rất lớn đối với trẻ lớp 1. Trong khi hạn chế lớn nhất của trẻ ở lứa tuổi này là rất khó để tập trung vào một việc nhất định. Do đó giáo viên cần phải phối hợp với gia đình để cho trẻ làm quen với những cách học tập cơ bản mà dễ dàng tiếp thu hiệu quả. Cụ thể, hướng dẫn trẻ cách lắng nghe bài giảng, cách viết bài theo yêu cầu của giáo viên ở trên lớp. Hoàn thành bài tập ở nhà đối với học sinh lớp 1 là kỹ năng cần thiết. Không được tạo áp lực hay gò ép mà phải giúp trẻ làm quen với thời khóa biểu, tạo cho trẻ khoảng thời gian, không gian xả hơi phù hợp.

Có thể nói vào lớp 1 là giai đoạn quan trọng của trẻ cũng như đối với cha mẹ. Để con vững tâm “ngày đầu tiên đi học”, cha mẹ không nên che chở, bao bọc quá mức. Tuy nhiên, giúp con tự lập nhưng không có nghĩa là khoán trắng cho con muốn làm gì thì làm.

Lê Phạm Phương Lan

(Giảng viên tâm lý)